Người Jrai xã biên giới Ia Púch "bén duyên" lúa nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ủy ban nhân dân xã Ia Púch (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vừa tổng kết mô hình sản xuất lúa Đông Xuân năm 2021-2022. Đây là mô hình trồng lúa nước đầu tiên của đồng bào dân tộc thiểu số ở Ia Púch. Năng suất lúa đạt 5-6 tấn/ha, kỳ vọng góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để cụ thể hóa chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Prông lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) và kế hoạch của UBND huyện về việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, nhất là đối với các hộ dân tộc thiểu số, UBND xã Ia Púch đã triển khai mô hình cải tạo đất để trồng lúa nước vụ Đông Xuân 2021-2022 tại làng Chư Kó với 4 hộ dân tham gia canh tác 1,5 ha. Theo đó, UBND xã hỗ trợ hơn 33 triệu đồng; Công ty TNHH một thành viên Bình Dương (Binh đoàn 15) hỗ trợ việc cày đất, thu hoạch; Đồn Biên phòng Ia Púch hỗ trợ phân bón, ngày công và hướng dẫn kỹ thuật làm lúa nước; Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ giống lúa HT1, OM4900 và kỹ thuật.

 Cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị đứng chân trên địa bàn xã Ia Púch (huyện Chư Prông) hỗ trợ người dân thu hoạch lúa. Ảnh: L.N
Cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị đứng chân trên địa bàn xã Ia Púch (huyện Chư Prông) hỗ trợ người dân thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Nam


Theo Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tuấn, xã có công trình thủy lợi Ia Púch với năng lực tưới cho khoảng 300 ha cây trồng các loại trên địa bàn 2 xã Ia Boòng và Ia Púch. Để sử dụng nguồn nước hợp lý, UBND xã vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, cải tạo đất để trồng lúa nước 2 vụ dọc theo tuyến kênh của thủy lợi Ia Púch. “Xã có khoảng 15 ha lúa nước của đồng bào dân tộc phía Bắc vào định cư. Trong khi đó, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa quen với cách làm lúa nước mà chủ yếu trồng điều, mì và lúa rẫy nên hiệu quả rất thấp. Để giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất, UBND xã đã triển khai cải tạo đất trồng cây hàng năm của người dân thành ruộng để trồng lúa nước 2 vụ. Đến nay, ruộng lúa đã cho thu hoạch đạt năng suất khá cao”-ông Lê Văn Tuấn chia sẻ.

Với 3 sào lúa nước, gia đình ông Siu Kim (làng Chư Kó) thu hoạch được 38 bao lúa, ước tính hơn 2 tấn. “Đây là lần đầu tiên gia đình tôi thu hoạch được nhiều lúa như vậy. Ngày trước, tôi làm lúa cạn chỉ thu được 4-5 bao thôi, không đủ ăn. Tôi đang làm đất để chuẩn bị gieo trồng vụ mùa và mở rộng thêm khoảng 5 sào nữa”-ông Kim phấn khởi nói. Còn ông Kpuih Glin thì cho biết: “Nhà tôi làm 2 sào vừa thu hoạch được 17 bao. Được cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị hỗ trợ nên lúa phát triển rất tốt. Thấy hiệu quả, nhiều hộ dân trong làng đến tham quan, học hỏi để chuyển đổi sang làm lúa nước. Vụ tới, tôi cũng sẽ mở rộng thêm 5-6 sào lúa nước”.

Theo Thiếu tá Phan Công Thắng-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Púch: Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, đơn vị còn giúp người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm để chuyển đổi cây trồng phát triển kinh tế hộ gia đình. Khi xã triển khai mô hình giúp dân làm lúa nước, đơn vị đã hỗ trợ 6 m3 phân bò, hơn 50 ngày công lao động và “cầm tay chỉ việc” từ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Mô hình này rất thành công, bà con phấn khởi khi lần đầu tiên làm lúa nước.

Chủ tịch UBND xã Ia Púch cho rằng: Ngay từ khi triển khai, Đảng ủy, UBND xã cũng đã họp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, công chức và Mặt trận, hội đoàn thể xã bám sát hỗ trợ người dân thực hiện mô hình. Sau khi thu hoạch, năng suất lúa đạt trung bình 5-6 tấn/ha, người dân lãi 17-20 triệu đồng/vụ/ha. Hiện đã có 12 hộ dân đăng ký chuyển đổi với diện tích hơn 6 ha để làm lúa nước.

“Để mở rộng diện tích lúa nước cho những năm tiếp theo, xã đề nghị UBND huyện hỗ trợ kinh phí khai hoang đồng ruộng theo đúng thiết kế đã được xây dựng. Đồng thời, hỗ trợ địa phương làm đường giao thông nội đồng để đưa máy móc vào đồng ruộng. Thời gian đến, UBND xã tiếp tục vận động người dân chuyển đổi khoảng 20 ha dọc theo tuyến kênh mương để phát huy hiệu quả nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia Púch, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo”-Chủ tịch UBND xã Ia Púch thông tin thêm.

 

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.