Pleiku trong ngày hội lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù hạ đang về trong tiếng ve kêu râm ran hè phố và phượng vĩ đã đỏ cháy cành nhưng thời tiết lúc chuyển mùa vẫn se lạnh, cái lạnh đặc trưng của phố thị vùng cao mang theo vị mưa và cả sự ẩm ướt của đất trời sương núi. Bất chấp những điều đó, tuần qua, Pleiku vẫn rộn ràng với sự kiện trọng đại kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022).
Con số 90 năm hẳn là dài nếu so với một đời người nhưng là ngắn ngủi, non trẻ với lịch sử của một vùng đất. Nhưng 90 năm cũng đủ để Gia Lai-một tỉnh cửa ngõ phía Bắc Tây Nguyên, địa bàn trọng yếu, chiến lược cả về quốc phòng và kinh tế trở thành miền đất có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, thành nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của nhiều dân tộc. Trong dịp kỷ niệm 90 năm này, Gia Lai vinh dự đón bằng công nhận, công bố Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng; Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo; Di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá. Thật khó nói hết niềm vui, niềm tự hào của đất và người Gia Lai khi sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, lại có lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm anh dũng kiên cường và có bề dày văn hóa với niên đại hàng trăm ngàn năm tuổi. 
Về địa lý, tạo hóa đã ban cho vùng đất Gia Lai những đặc ân hiếm có. Đó là sự hùng vĩ thơ mộng của núi rừng sông suối, sự khoáng đạt của đất trời cao nguyên, làm nên những thắng cảnh mê say lòng người như Biển Hồ bốn mùa nước xanh trong như ngọc, hệ thống sông suối cùng hàng chục con thác lớn nhỏ nằm rải khắp các huyện như thác 50 (huyện Kbang), thác Phú Cường (huyện Chư Sê), thác Công Chúa (huyện Chư Păh), thác Mơ (huyện Ia Grai), thác Đội 3 (huyện Chư Prông)… Đặc biệt, cao nguyên Kon Hà Nừng với vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có hệ sinh thái động-thực vật vô cùng phong phú quý hiếm đã được Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB-ICC) thuộc UNESCO ghi danh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại kỳ họp lần thứ 33 của tổ chức này vào ngày 15-9-2021 ở Nigieria. Tạo hóa cũng dập tắt những ngọn núi lửa phun trào dung nham hàng triệu năm trước, để lại cho Gia Lai một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, thành nơi trùng điệp ngút ngàn những nương rẫy hồ tiêu, cà phê, những cánh rừng cao su và thông nối tiếp nhau như vô tận. 
Dưới màu xanh của sự sống ấy là những thôn, làng của người Kinh, Jrai, Bahnar, Xê Đăng, Tày, Mường… Họ đã quần tụ và chăm chỉ làm lụng, dựng xây, vun đắp đời sống vật chất và tinh thần cho đời mình, cho cả những đời sau, để Gia Lai thành vùng đất phát triển, giàu truyền thống và đậm đà bản sắc văn hóa.

Quang cảnh lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku. Ảnh: Trần Dung
Quang cảnh lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung
Cùng với đó, Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung có lịch sử lâu đời từ thuở người anh hùng Đam San chiến thắng Mtao Mxây, chiến thắng các tù trưởng Quạ và Sắt, ấp ủ khát vọng đi bắt nữ thần Mặt Trời. Truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất đó đã được đời sau kế tục, phát huy mạnh mẽ. Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo gắn liền với phong trào khởi nghĩa nông dân của anh em người Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ nằm trong địa phận tỉnh Gia Lai vừa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Trong 90 năm xây dựng và trưởng thành, Gia Lai dù hứng chịu nhiều mưa bom bão đạn của kẻ thù nhưng cũng là thành trì quật cường trong chiến tranh cách mạng với những gương anh hùng lưu danh sử sách như Anh hùng Núp, Anh hùng Wừu, Anh hùng niên thiếu Kpă Klơng cùng bao lớp người bình dị khác đã chiến đấu, hy sinh cho đất này còn mãi. Máu của họ nhuộm thắm cờ Tổ quốc làm nên lịch sử vẻ vang, kiên trung, anh dũng cho cao nguyên Gia Lai tươi đẹp được trường tồn. Thêm vào đó, việc phát hiện Di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá tại thị xã An Khê có trên 800.000 năm càng chứng tỏ bề dày văn hóa lịch sử của vùng đất này. Đó là những trầm tích lịch sử thời sơ kỳ Đá cũ, thuở hồng hoang của loài người, buổi bình minh của nhân loại, không chỉ mang đến một bước ngoặt trong nhận thức lịch sử hình thành các cộng đồng dân cư ở Việt Nam và vị trí của nó trong bản đồ phát triển nhân loại mà còn đưa Gia Lai trở thành vùng đất đầy tiềm năng về du lịch. 
Đi trong không gian mùa hội, nghe tiếng mưa rơi, tiếng suối reo thác đổ, tiếng đàn t’rưng, đàn goong rộn ràng trong trẻo dìu dặt ngân rung, tiếng cồng chiêng vang vọng trầm hùng như gợi lại thời Đam San, Xinh Nhã, lòng người thêm náo nức bao nhiêu! Đứng dưới chân tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, ngắm cờ Tổ quốc bay lồng lộng trong gió, phút giây thiêng liêng nghe như lời Người vọng lại: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Sê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt...” (trích Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số tại Pleiku năm 1946). Lời dặn dò của Bác ẩn chứa triết lý sâu xa về nghĩa đồng bào, về tình đoàn kết của các dân tộc anh em trên cùng dải đất hình chữ S. Gia Lai đã và đang trở thành nơi quần tụ của nhiều dân tộc anh em, làm nên những sắc màu văn hóa đa dạng và cùng chung tay góp sức xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp. 
Những ngày qua, bất chấp những cơn mưa và sự thất thường của khí hậu, người và xe vẫn nườm nượp đổ về trung tâm TP. Pleiku đón chào sự kiện trọng đại. Phố xá tấp nập đông vui như chưa từng trải qua những ngày tháng khó khăn ngặt nghèo bởi đại dịch Covid-19. Tuần lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh tuy khép lại nhưng đã mở ra cho đất và người nơi đây những cơ hội vươn lên, trỗi dậy để phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của một vùng đất đầy sức sống và giàu truyền thống văn hóa-lịch sử. 
HÀ HOÀI PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Chủ động ứng phó thiên tai

Gia Lai: Chủ động ứng phó thiên tai

(GLO)- Nhằm ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng phương án phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
O Yố khởi sắc

O Yố khởi sắc

(GLO)- Nhờ huy động nhiều nguồn lực đầu tư, đến nay, làng O Yố (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, khởi sắc hơn.
Kbang tổng kết 10 năm phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân

Kbang tổng kết 10 năm phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân

(GLO)- Sáng 17-7 huyện Kbang, Gia Lai tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân” .