Pleiku chủ động phòng chống-dịch tại các chợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để đảm bảo an toàn cho người dân đến mua sắm trong dịp Tết, ban quản lý các chợ ở TP. Pleiku đã tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa và nhắc nhở mọi người chấp hành nghiêm quy định phòng-chống dịch Covid-19.
Rút kinh nghiệm từ đợt dịch bùng phát trên địa bàn TP. Pleiku hồi tháng 10-2021, ban quản lý các chợ và tiểu thương đã tăng cường biện pháp phòng-chống dịch lên mức cao hơn. Ông Lê Xuân Sang-Phó Trưởng ban Quản lý chợ Trà Bá-cho hay: Đợt dịch trước, trong chợ có 50 ca dương tính là người buôn bán tại đây. Do vậy, chợ bị phong tỏa 21 ngày (từ 24-11 đến 13-12-2021). Thời gian phong tỏa kéo dài nên các hộ kinh doanh bị mất nguồn thu. Đó cũng là thời điểm mà các hộ bắt đầu nhập hàng hóa phục vụ Tết nên bà con vô cùng lo lắng. Theo ông Sang, khi chợ mở cửa hoạt động trở lại, rất ít khách đến mua bán, vì người dân vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh. Chỉ khoảng 10 ngày nay, khi nhu cầu mua sắm Tết bắt đầu tăng lên thì lượng khách hàng mới đông trở lại.
Về giải pháp phòng ngừa dịch Covid-19, ông Sang cho hay: “Để đảm bảo an toàn, Ban Quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền bằng cách phát trên loa cũng như đi vận động từng hộ tiểu thương tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng-chống dịch như: đeo khẩu trang, giãn cách giữa các quầy hàng, tránh việc tiếp xúc gần với nhau, vận động các hộ lắp đặt tấm quây xung quanh gian hàng của mình; đồng thời, khuyến khích người dân quét mã QR, sát khuẩn tay ngay tại cổng chợ… Định kỳ 2-3 tuần/lần, Ban Quản lý chợ phối hợp với Trạm Y tế phường phun khử khuẩn khu vực chợ để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Đặc biệt, các hộ kinh doanh tại chợ được ưu tiên tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19. Nói chung, công tác tuyên truyền phòng-chống dịch được đặt lên hàng đầu nhằm nâng cao ý thức cho các hộ kinh doanh và người dân đến mua sắm, cố gắng không để dịch bùng phát trở lại”.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Hương-hộ kinh doanh giày dép tại chợ Trà Bá thì chia sẻ: “Do nhận thấy nhu cầu tiêu dùng giảm, cộng với việc người dân ngại đến chợ vì sợ dịch bệnh nên tôi nhập ít hàng, bán hết đến đâu thì chêm hàng đến đó. Bây giờ đã qua rằm tháng Chạp nhưng hàng bán rất chậm, trong khi mọi năm đây là thời điểm thị trường rất sôi động. Mặt hàng giày dép thường có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết. Vì vậy, tôi hy vọng một vài ngày tới, hàng sẽ bán chạy hơn nhằm vớt vát lại doanh thu do thời gian tạm dừng hoạt động để chống dịch vừa qua”.
Trong khi đó, bà Thiên Trang-hộ kinh doanh bánh kẹo tại chợ Trà Bá-cho biết: Để đảm bảo an toàn cho mình và những người đến mua sắm, các tiểu thương đều yêu cầu khách hàng phải sát khuẩn tay, giữ khoảng cách an toàn. “Năm nay, tất cả các hộ kinh doanh bánh mứt ở đây đều không dám nhập hàng về nhiều mà bán hết đến đâu nhập đến đó. Lượng hàng nhập về giảm hơn 50% so với dịp Tết Tân Sửu”-bà Trang nói.
Hầu hết các hộ kinh doanh ở chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) đã lắp đặt tấm chắn mica để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Thảo
Hầu hết hộ kinh doanh ở chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) đã lắp đặt tấm chắn mica để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Thảo
Những ngày cận Tết, lượng khách hàng vào Trung tâm Thương mại Pleiku rất đông. Công tác phòng-chống dịch vì thế càng được triển khai quyết liệt. Ông Bùi Kim Truyền-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku-cho biết: “Bên cạnh tuân thủ quy tắc 5K, Ban Quản lý đã bố trí khu vực sát khuẩn, đo thân nhiệt tại tất cả các cổng chợ; khuyến khích người bán hàng thực hiện đo thân nhiệt cho khách hàng tại các quầy hàng, điểm giao nhận hàng. Yêu cầu khu vực bán hàng phải có dải phân cách, tấm chắn giọt bắn giữa người bán và người mua; triển khai lắp đặt vách ngăn ni lông hoặc mi ca giữa các quầy hàng. Các tiểu thương phải thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng PC-Covid khi vào Trung tâm Thương mại”.
Cũng theo ông Truyền, Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku đã xây dựng phương án hoạt động theo cấp độ dịch cụ thể. Xét theo tình hình thực tế sẽ tổ chức giãn cách mật độ người mua bán; đảm bảo phân luồng, giãn cách khi mua hàng; điều tiết các ngành hàng theo hướng giảm kinh doanh mặt hàng không thiết yếu, kiểm soát tốt mật độ người mua bán. Đồng thời, bố trí và chỉ định khu vực giao nhận hàng hóa gần cửa ra vào Trung tâm Thương mại; bố trí địa điểm, trang-thiết bị, nhân lực để khử khuẩn phương tiện, hàng hóa tại khu vực giao nhận hàng. “Chúng tôi quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh nhằm giúp bà con yên tâm đến mua bán trong dịp Tết”-ông Truyền khẳng định.
Tương tự, tại chợ Hoa Lư và Phù Đổng, việc tăng cường công tác phòng-chống dịch được đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Văn Linh-Phó Trưởng ban Quản lý chợ Hoa Lư-Phù Đổng-thông tin: 2 chợ này chủ yếu kinh doanh mặt hàng thực phẩm, do đó nhu cầu tiêu dùng bắt đầu tăng 10-20% so với ngày thường và sẽ tăng mạnh vào những ngày cận Tết. Để đảm bảo an toàn trong phòng-chống dịch bệnh, đơn vị đã triển khai tuyên truyền đến các hộ kinh doanh và người dân nâng cao ý thức thực hiện 5K, phân luồng theo quy định một chiều để góp phần kiểm soát lượng người ra vào chợ. Tại chợ Phù Đổng, hầu hết hộ kinh doanh đã lắp đặt vách quây xung quanh quầy hàng, còn chợ Hoa Lư đã có một số ít hộ làm. Đồng thời, lắp đặt thêm wifi ở 2 chợ này để phục vụ cho việc quét mã QR khi người dân tới buôn bán và mua sắm. “Việc tăng cường các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn trong hoạt động mua bán, nhất là trong dịp Tết được Ban Quản lý chợ đặc biệt chú trọng đã góp phần giúp các hộ kinh doanh và người dân yên tâm hơn”-ông Linh nói.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.