Phút trùng phùng đẫm nước mắt sau 26 năm được công nhận là liệt sỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua, ngôi nhà bà Nguyễn Thị Hợp (68 tuổi, trú tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) luôn có rất đông người đến thăm hỏi, động viên với tin chồng bà là ông Trịnh Thanh Bình (62 tuổi) – là liệt sỹ bất ngờ được tìm thấy, trở về trong tình trạng mất trí nhớ, không nói được tiếng Việt Nam.
Hai vợ chồng ông Bình bà Hợp sau gần 27 năm đã được đoàn tụ
Hai vợ chồng ông Bình bà Hợp sau gần 27 năm đã được đoàn tụ
26 năm tìm mộ chồng là liệt sỹ hy sinh tại Campuchia
Cách đây 26 năm về trước, ngày 21/7/1992 bà Hợp và người thân xót xa khi nhận được giấy báo tử của chồng bà là ông Trịnh Thanh Bình hy sinh khi đang chiến đấu tại mặt trận Campuchia.
Theo bà Hợp cho biết, ông Bình nhập ngũ tại Đoàn 7704MT479 (Quân khu 7) vào năm 1976, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Đến năm 1980, bà Hợp và ông Bình cưới nhau trong một lần ông về quê thăm gia đình, ông bà có với nhau 3 đứa con. Trong thời gian chiến đấu, ông chỉ được nghỉ phép về thăm nhà ba lần cũng là 3 lần bà có thai và sinh hạ ba người con.
Đến ngày 16/7/1988, gia đình bà nhận được giấy thông báo ông Bình hy sinh tại Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tích. Đến ngày 21/7/1992, gia đình nhận được giấy báo tử, đau xót nhưng không còn cách nào khác gia đình lập bàn thờ cúng giỗ ông Bình hàng năm.
Bà Hợp ở vậy nuôi ba người con khôn lớn, trưởng thành, bà cũng không đi thêm bước nữa mà ở giá thờ chồng. Sau này, khi các con lớn lên, bà kể chuyện lại và gia đình tổ chức đi tìm kiếm mộ ông trong các nghĩa trang liệt sỹ ở Quảng Bình, Quảng Trị, Đồng Nai, Tây Ninh nhưng không có kết quả. Gia đình ông Bình cũng được công nhận gia đình liệt sỹ, bà Hợp hàng năm vẫn làm giỗ cho ông Bình hàng năm mà không biết được ông đang còn sống.
Bà Hợp lập bàn thờ thờ chồng là liệt sỹ 26 năm nay và thủ tiết thờ chồng
Bà Hợp lập bàn thờ thờ chồng là liệt sỹ 26 năm nay và thủ tiết thờ chồng
“Tui và mấy đứa con cứ đinh ninh là ông đã mất rồi, vì nếu còn sống thì ông đã trở về, mong muốn tìm được mộ của ông để đưa ông về nhang khói nhưng cũng không tìm thấy”, bà Hợp nói.
Theo anh Trịnh Thanh Hoàng (32 tuổi, con trai ông Bình) cho biết, nhiều lần đi tìm mộ không có kết quả gì, gia đình đi tìm những đồng đội của ông Bình còn sống để hỏi tung tích về bố. Nghe thông tin nơi nào có tìm được một liệt sỹ gia đình cũng đến để tìm thông tin về bố, nghe nói có nhà ngoại cảm ở đâu giỏi cũng đến nhờ họ tìm mộ của ông Bình nhưng cũng không có thông tin gì. 
Trùng phùng sau 26 năm được công nhận liệt sỹ
Sau nhiều lần tìm kiếm thì gia đình tìm được ông Nguyễn Hữu Thọ (trú tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) là người cùng đơn vị với bố mình bên đã tìm đến để hỏi thông tin. “May mắn là ông Thọ có quen biết nhiều người Việt Nam đang sinh sống tại nơi bố đóng quân ngày trước ở Campuchia nên đã nhờ dò hỏi. Qua bức ảnh và những thông tin gia đình cung cấp, một người dân Việt Nam tại địa phương đã dò hỏi tại các bản làng xa xôi.
Đầu tháng 8 vừa qua, ông Sơn xác định được là có một người đàn ông giống như đặc điểm mà gia đình đang tìm kiếm đang sống tại một bản dân tộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Battambang, Campuchia. Trước thông tin bất ngờ này, gia đình hết sức sốt ruột muốn sắp xếp để sang để gặp nhưng phải làm các thủ tục thì mới có thể bay qua Campuchia”, anh Hoàng cho biết.
Một thông tin nữa là ông Bình hiện đã có vợ là người bản xứ và đã có với nhau 5 người con, ông không nói rành tiếng Việt mà nói tiếng bản địa. Qua tiếp xúc với ông Bình thì ông có biểu hiện mất trí nhớ nên rất khó khẳng định được là có phải một người không. Đầu tháng 9/2018, anh Hoàng cùng hai người chú ruột sang Campuchia gặp người đàn ông để xác minh thông tin.
Gặp gỡ sau nhiều năm không có thông tin gì nhưng anh Hoàng vẫn cảm nhận được đó là người bố mình dù ông không nhận ra ai. Sau một lúc trò chuyện, với bức ảnh chân dung ngày trước ông Bình đã bất ngờ hét lên và nhận ra anh Hoàng, hai bố con ôm nhau khóc nức nở. Rồi ông Bình vào nhà ôm theo một tập giấy tờ ông đã cất giữ hơn 26 năm qua về đơn vị công tác, tên tuổi cũng như ngày nhập ngũ của mình.
Ông Bình bị thương trong một trận chiến đấu và mất trí nhớ
Ông Bình bị thương trong một trận chiến đấu và mất trí nhớ
Qua trò chuyện với người dân và ông Bình gia đình được biết trước kia ông được người trong làng tìm thấy trong tình trạng bị trúng bom, thương tích khắp người và mất trí nhớ. Sau khi được dân làng cứu sống chăm sóc, ông Bình đã lấy một người phụ nữ trong bản làm vợ và ở lại sinh sống từ đó đến nay. 
“Bố hầu như quên hết tiếng mẹ đẻ, chỉ nói được dăm ba chữ còn lại dùng bằng tiếng địa phương tại Campuchia, khi nói chuyện phải có người phiên dịch mới hiểu”, anh Hoàng cho biết. Qua gặp gỡ với gia đình mới của ông Bình, gia đình đã xin phép được đưa ông về Việt Nam để đoàn tụ với gia đình mình và được họ đồng ý.
Gặp lại người vợ đã thủ tiết chờ ông suốt 26 năm qua vào trưa 11/9 vừa qua cả gia đình mừng mừng tủi tủi. Bà vui vì người chồng mất tích được cho đã hy sinh mà cả gia đình đi tìm một chưa ra nay đã trở về, tủi vì ông đã trở về nhưng lại mất trí nhớ không nhớ bà khiến ông bà cũng không trò chuyện được gì nhiều, ông lại đã có một gia đình nhỏ ở tại Campuchia. “Bây giờ các con sẽ tập cho ông nói lại tiếng Việt để gợi nhớ các kỷ niệm, mong muốn nhà nước sớm làm các thủ tục để ông được đi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…”, bà Hợp nói.
Bà Nguyễn Thị Như Nguyệt, Trưởng phòng Lao động TB&XH huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, sau khi nhận được thông tin ông Bình là liệt sỹ trở về thì Phòng đã cử người phối hợp với địa phương đến thăm hỏi xác minh thông tin.
“Qua đối chiếu các loại giấy tờ mà ông Bình cung cấp với thông tin của phòng trong khi xác nhận hồ sơ công nhận liệt sỹ cho ông Bình hoàn toàn khớp nhau. Phòng sẽ tham mưu cho huyện báo cáo sự việc tới Sở Lao động TB&XH làm các thủ tục theo quy định cho ông Bình.
Hiện tại, chính quyền địa phương đã triển khai làm các loại giấy tờ tùy thân cho ông Bình để làm các thủ tục tiếp theo”, bà Nguyệt cho biết. Được biết, hiện sức khỏe của ông Bình rất yếu, bị chấn thương sọ não, gãy hàm răng dưới, tai bị điếc, đi lại và nói tiếng Việt khó khăn, đã phẫu thuật lá lách và bị chấn thương ở đùi do đạn bắn.
 Ngô Toàn (PLO)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.