Những chuyến trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hôm mua về cho bố cây đàn Mandolin mới, thấy mặt ông dãn ra, ánh mắt sáng hẳn: “Ái chà, gỗ xoan à? Xịn phết!”.

 



Ông với lấy chiếc phím đàn cất trên nắp tủ chè vốn đã lâu không dùng tới, rồi cứ thế, phím chạm vào 8 dây đàn như một quán tính: “Còn duyên là duyên ngồi gốc gốc cây thông/ Hết duyên là duyên ngồi gốc í gốc cây hồng là hồng hái hoa…”. Lâu lắm rồi, kể từ khi cây đàn Mandolin cũ bị gãy, bố mới đàn và hát lại bài này.

Mẹ bảo, ở quê, bố từng là tay đàn của đội văn nghệ xã. Hồi ông nội vừa mất, bố mẹ theo đoàn kinh tế mới vào Nam lập nghiệp.

Hành trang bố mẹ chẳng có gì ngoài vài cái xoong, cái thì móp, cái thì mất vung và cây đàn Mandolin cũ. Lẽ ra đoàn tàu phải dừng lại ở vùng đất mà những người cùng làng đã vào trước đó. Nhưng có sự nhầm lần, họ thả bố mẹ xuống vùng khác - vùng đất của người Quảng ở Lâm Đồng. Bố lạc mất xóm làng, lạc mất đội văn nghệ cũ, trên vùng đất kinh tế mới ấy.

Xóm mới chẳng có ai hát quan họ. Những đêm trăng sáng, bố một mình ôm cây đàn Mandolin cũ kỹ ra thềm vừa đàn vừa hát một chặp chục bài. Giọng hát có gì đó như quay quắt, như thương nhớ. Hết dịch sốt rét lại đến đói nghèo, phải 15 năm sau ngày ra đi, lần đầu tiên mẹ tôi mới được quay về quê nhà, mà cũng phải nhân dịp ông bà ngoại khao thọ 80. Mẹ lên chuyến xe Bắc Nam chật như nêm. Bố ngóng theo mãi. Nhìn ánh mắt bố, tôi tưởng tượng rằng nếu xe dừng lại, bố sẽ vét hết tiền trong nhà ra để mua thêm một vé nữa.

Vài năm sau, bố về quê trong một tâm trạng gấp gáp và thấp thỏm khi chú báo tin bà nội ốm nặng. Bà nằm chờ bố hai ngày một đêm, nhìn thấy bố, bà mới yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Bố về, mẹ lại ra, khi lần lượt có tin báo ông ngoại rồi bà ngoại hấp hối.

Lần cuối cùng bố về quê là đợt cải mả cho bà nội. Bố là con trưởng nên phải đích thân lội xuống huyệt, mò mẫm từng chiếc xương. Nước ngoài đồng thì ngập đến ngang ngực. Vừa xây cất mộ đàng hoàng cho bà, bố đã tất tả vào Nam. Sau đợt ấy, bố ốm nặng, phải nằm cả tháng trời. Dường như bố mẹ chưa một lần nào được về quê trong cảm giác thảnh thơi và dư giả. Họ chỉ trờ về khi có ai đó báo tin quan trọng của người thân mình, mà đa phần là tin dữ.

Ở tuổi xế chiều, không còn phải lặn ngụp vì tiền nữa, bố mẹ hay nhắc đến chuyện của những ngày xa xưa. Chuyện từ nhỏ, mẹ đã cùng ông ngoại chèo thuyền đi vớt củi trên sông Đà hay chuyện bố cùng ông nội đi đánh dậm mùa lũ, về những chiều cả làng ra sông gánh nước. Tôi hỏi bố có định về quê nữa không? Ông thở dài: “Giờ ở quê còn ai nữa mà về”.

Làng quê như lùi xa vào ký ức của bố mẹ, khi những người thân không còn hiện diện. Dạo này, đêm nào, bố cũng ôm đàn ra thềm hát “a hội a, hư hội hư là hứ hội hừ” đến tận khuya. Khi màn đêm tĩnh lặng, âm điệu của tiếng đàn lại càng vang vọng.

Có khi nào, tiếng đàn của bố đã vang tới tận quê hương, kết nối với cội nguồn thay cho những chuyến trở về?

Khương Quỳnh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.