Phượt trên cánh đồng Tuy Hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cánh đồng cò bay mỏi cánh ở Nam Phú Yên được gọi là cánh đồng Tuy Hòa. Chạy dọc 2 bên bờ sông Ba, đây là vựa lúa lớn nhất khu vực Nam Trung bộ. Ngoài sự trù phú về sản lượng lúa, cánh đồng này còn mê hoặc dân phượt, những tay máy săn ảnh nghệ thuật và thu hút các đôi uyên ương đến chụp ảnh cưới. Bởi, nó biết thay sắc cho một vùng đất theo mùa: lúc mởn xanh, lúc chín vàng, lúc tua tủa gốc rạ, lúc lãng đãng khói đồng.

Rộng hơn 20 ngàn ha, cánh đồng nhìn từ trên cao như một thấm thảm lụa trải màu lúa mênh mông, thỉnh thoảng ôm lấy một ngôi làng rồi lại dang đôi cánh tay rộng rãi, sải những bước thật dài chạy dọc 2 bên bờ sông Ba. Từ Kon Tum, dòng sông mang tên Pa chảy qua Gia Lai, đến thung lũng Hồng thì gặp dòng Ayun tự tình (nên vùng đất này mới có tên là Ayun Pa). Hòa vào dòng sông Hinh, sông Pa được đổi tên thành sông Ba cho phù hợp sắc thái đồng bằng rồi tạm dừng chân ở đập Đồng Cam, tạo thành bầu sữa tưới tắm cho cánh đồng Tuy Hòa.

 

Cánh đồng Tuy Hòa vào mùa gặt. Ảnh: internet
Cánh đồng Tuy Hòa vào mùa gặt. Ảnh: internet

Cánh đồng đẹp như bức họa đồng quê mà điểm nhấn là đập Đồng Cam và dòng sông Ba đầy phù sa. Chuyện kể rằng, vùng đất này được dòng sông Ba miệt mài bồi đắp, nơi nào đắp lên cao thì gọi làng về sinh sống, chỗ thấp thì làm nên cánh đồng để nuôi cư dân của mình. Nhưng cánh đồng mùa nắng thì khô hạn, nứt nẻ, mùa mưa thì lũ lụt, bị cát bồi lấp, mà lụt năm nào cũng to vì phần lớn túi nước Tây Nguyên đều đổ về đây. Chống chọi với sa bồi, người dân mỗi năm phải còng lưng dọn cát mới tiếp tục gieo cấy được mùa sau. Để khắc chế tính ương ngạnh của dòng sông, đầu những năm 20 của thế kỷ trước, đập Đồng Cam được dựng nên, ngăn bớt cơn giận dữ của thiên nhiên vào mùa mưa và giữ lại nước cho mùa khô, từ đó dòng sông trở nên thuần tính như người con gái đã về nhà chồng với niềm hạnh phúc mới, đó là điều tiết nước cho cánh đồng Tuy Hòa.

Cách đây không lâu,  quốc lộ 1A đã “cắt nhỏ” cánh đồng khi chạy xuyên qua một cách thô bạo. Nhưng có hề gì khi nó cũng đã tạo cơ hội cho khách vào Nam ra Bắc đều được ghé thăm, được ngắm nhìn, trầm trồ thỏa thích mỗi khi ngang qua cánh đồng, dù mùa nào cũng thấy lòng đầy cảm xúc. Mùa lúa non mơn mởn đùa nghịch với gió tạo nên sóng lúa rập rờn, mùa lúa chín trải ra tấm thảm vàng cho nắng lả lơi. Không giống như ca từ của Trịnh “đời sao im vắng như đồng lúa gặt xong”, sau mùa gặt là lúc vịt chạy đồng, là lúc đốt đồng chuẩn bị cho mùa sau, những đàn trâu thả rông thung thăng làm cho khung cảnh đồng quê càng rộn ràng hơn. Đến làn khói trong nắng chiều cũng trở thành hậu cảnh cho những đôi uyên ương chụp ảnh cưới. Và khi ngắm nhìn những đám trẻ thả cánh diều bay lên cùng khói, lòng du khách chợt lãng đãng mơ về thuở thiếu thời.

Nếu đứng trên núi Chóp Chài hay núi Đá Bia nhìn xuống, ta sẽ thấy dòng sông vẽ một nét ngoằn ngoèo như chiếc khăn voan mỏng mảnh vờn lên lúa thơm nõn nà, chia cánh đồng thành 2 nửa. Nửa bên lở nửa bên bồi như hình của hai nửa trái tim và mũi tên của thần Eros (thần tình yêu-thần thoại Hy Lạp) xuyên qua một cuộc tình lãng mạn. Dòng sông chạy đến nơi cầu được bắc qua thì câu chuyện tình chấm hết bằng câu ca dao: “Cầu Đà Rằng dài 21 nhịp, anh qua chưa kịp em đã lấy chồng”.

Sau một cuộc tự tình, sông Ba chảy xuống hạ lưu, qua cầu và đổi tên thành sông Đà Rằng (đọc chệch âm từ chữ Drăng của tiếng Chăm) rồi lặng lẽ chảy ra cửa biển, để lại một sự tiếc nuối cho những tâm hồn đang lưu luyến với ruộng đồng...

Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.