Phú Sĩ muôn vẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người Nhật nhìn Phú Sĩ không tách rời mà thường là kèm khung cảnh. Điều đó làm cho kiệt tác thiên nhiên đó không đơn côi mà như một phần của cảnh vật, cuộc sống. Trong nghệ thuật xưa đã vậy mà nay cũng vậy.



 

 Núi Phú Sĩ nhìn từ một ngôi làng
Núi Phú Sĩ nhìn từ một ngôi làng



Trong bộ tranh “Phú Sĩ 36 vẻ” của danh hoạ Katsushika Hokusai (1760-1849) đã nhắc đến ở phần trước của bài viết, thực ra bức nổi tiếng nhất không phải là “Phú Sĩ Đỏ” mà là “Sóng lừng ở Kanagawa” (cũng có khi đề là “Phú Sĩ ở Kanagawa”). Họa sĩ thể hiện Phú Sĩ lẫn giữa những ngọn sóng lừng đang gầm thét. Một ngọn sóng khổng lồ vút lên như cái lưỡi cong khổng lồ treo trên ba chiếc thuyền đánh cá mỏng manh. Trên đầu các ngọn sóng là những lọn nước bạc, vô vàn ngôi sao nước bắn tung toé. Và ở chân ngọn sóng nhô lên ngọn Phú Sĩ đầu bạc. Chủ đề của “Sóng lừng ở Kanagawa” cũng như “Phú Sĩ Đỏ" là sự hùng vĩ của thiên nhiên. Thú vị là “Sóng lừng ở Kanagawa” gây tranh cãi khi ra đời vì quan niệm của đa số người Nhật khi đó cho rằng không thể để một con sóng nào cao hơn cả Phú Sĩ linh thiêng, hoạ sĩ Hokusai đã xúc phạm thần linh và dân tộc Nhật Bản. Hokusai phải biện luận bằng việc phân tích bản ngã của sóng là nước, cho dù sóng có to lớn cỡ đến thế nào, thì cũng chỉ là nhất thời, chỉ có Phú Sĩ tồn tại mãi và bất biến.

 

 Phú Sĩ nhìn từ làng cổ Oshino Hakkai
Phú Sĩ nhìn từ làng cổ Oshino Hakkai
 




Bây giờ, “Sóng lừng ở Kanagawa” đã trở thành tác phẩm biểu tượng của nước Nhật, là tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản được nhận biết nhiều nhất trên thế giới và được coi là tác phẩm có giá trị nhất của Hokusai.

Tôi phải tả kỹ về “Sóng lừng ở Kanagawa” để nói rằng người Nhật ít khi nhìn ngắm hoặc thể hiện ngọn Phú Sĩ một cách độc lập, thuần tuý, tách rời khung cảnh xung quanh. Trong bộ “Phú Sĩ 36 vẻ” (mà thực chất có 46 vẻ với 10 bức tranh hoạ sĩ làm thêm bổ sung sau khi hoàn thành 36 bức ban đầu), chỉ có vài bức Hokusai thể hiện chỉ có Phú Sĩ thuần tuý như trong “Phú Sĩ Đỏ”, còn lại nó được đặt trong khung cảnh lao động, sinh hoạt đời sống của người dân Nhật. Cảnh đời mới là chủ đạo của hầu hết các bức tranh, Phú Sĩ thường nhô lên ở phía xa, ở hậu cảnh, như một yếu tố tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày của con người. Vậy nên, mỗi người Nhật Bản sẽ ngắm núi Phú Sĩ bằng góc nhìn của mình, trong khung cảnh mình thích, từ một cái chợ, một mái nhà, một tán anh đào, một bầy chim bay, một hồ nước, con sông, ruộng đồng, gia súc, gia cầm với những người đang sinh hoạt, làm việc… Đó là lý do tôi viết trong kỳ trước rằng Phú Sĩ nhìn từ mọi hướng đều có hình dạng tương tự nhau nhưng vẫn đặt tên bài viết này là “Phú Sĩ muôn vẻ”.


 

 Phú Sĩ giữa những ngọn sóng
Phú Sĩ giữa những ngọn sóng



Trong chuyến đi của mình, tôi cũng nhìn Phú Sĩ muôn vẻ từ các vị trí: trên ô tô, từ một ngôi làng cổ, quán ăn đoàn dừng ăn trưa, một trong năm hồ nước ở độ cao 1.000 mét đẹp nổi tiếng dưới chân Phú Sĩ, từ trạm dừng chân trên đường lên ngọn núi...

Ngôi làng cổ Oshino Hakkai mang nét kiến trúc truyền thống Nhật Bản xa xưa nằm yên bình cách  núi Phú Sĩ vài chục cây số. Từ ngôi làng này, nhìn Phú Sĩ rất đẹp khi nó nhô lên từ các mái nhà, ngọn cây cổ thụ. Khi chụp ảnh ngọn núi bên cạnh một mái nhà cổ, tôi bất giác nghĩ có lẽ từ cả nghìn năm trước, những người Nhật ở dưới những mái nhà ấy, có thể có cả những người con gái đẹp, mặc kimono,  đã nhìn thấy cảnh như tôi thấy. Khi kết thúc chuyến đi, làm mấy câu thơ tặng những bạn cùng đoàn, tôi đã ghi lại ý nghĩ đó: “Mái nhà làng cổ ban trưa/Bóng ai thấp thoáng nghìn xưa lại về”. Rất nhiều du khách đổ về Oshino Hakkai để ngắm  và chụp ảnh cùng Phú Sĩ từ khung cảnh của làng, hưởng cái không khí cổ xưa của nó và mua các sản vật địa phương như cá khô, rong biển, mực sấy… và các đồ lưu niệm. Tôi đã có cái quạt giấy Nhật ở nhà nhưng vẫn mua thêm một chiếc có vẽ hình núi Phú Sĩ chỉ vì bài haiku của thi hào Matsuo  Basho (1644-1694): “Gió núi Phú Sĩ/Tôi đem về trên chiếc quạt/Món quà cho người ở Êđô”. Tôi nhìn với sự thú vị xem lẫn tự hào là nhiều người bán hàng Nhật ghi lời giới thiệu, mời chào bằng tiếng Việt bên cạnh tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung…

Sau làng cổ, xe chở đoàn chúng tôi lên Phú Sĩ. Người dẫn đoàn nói để lên núi người ta làm 10 cái trạm nghỉ. Đi ô tô chỉ lên được nhiều nhất đến trạm 5, sau đó chỉ những người leo bộ lên đỉnh Phú Sĩ mới được đi tiếp. Việc làm các trạm có từ xa xưa lắm rồi, thuở chỉ có các thiền sư, đạo sĩ mới lên núi để tu luyện. Đi từ chân núi lên đỉnh rất xa và khó, các thiền sư nhiều khi đi từ khi trời còn tối, họ có cái đèn, cứ thắp hết một phao dầu là đặt một trạm nghỉ. Có đến chục trạm như thế. Bây giờ ô tô có thể lên đến lưng núi.


 

Phú Sĩ nhìn từ hồ Kawaguchi
Phú Sĩ nhìn từ hồ Kawaguchi
 




Cũng phải nói là đối với người Nhật, Phú Sĩ là ngọn núi thiêng, được coi là nơi trú ngụ của nữ thần mặt trời, ngày xưa phụ nữ bị cấm lại gần vì bị coi là nguồn gốc dẫn đến sự ô uế. Tục thờ phụng núi Phú Sĩ bắt nguồn từ Thần đạo, tôn giáo cho rằng mọi vật đều có linh hồn và đều có thể trở thành thần. Có hẳn một giáo phái Fujico chuyên thờ phụng các vị thần ngụ trên Phú Sĩ. Người ta  đã xây dựng cả thảy 8 ngôi đền thần đạo lớn và cả trăm ngôi nhỏ nữa ở khu vực quanh núi, trong đó có đền Fujisan Hongu Sengen Taisha ở chân núi là cổ kính và linh thiêng nhất. Mùa xuân, trong khuôn viên của đền có 500 cây anh đào nở. Cũng ở Phú Sĩ có ngôi đền Đại Sengen, nằm ở Fujinomiya, tỉnh Shizuoka. Điều thú vị là ngôi đền này chính là chủ sở hữu của phần ngọn Phú Sĩ. Ngọn núi từ trạm dừng số 8  lên tới đỉnh thuộc sở hữu của Đại Sengen, từ trạm số 8 trở xuống thuộc nhà nước.

Bây giờ thì vào những tháng được phép (các tháng 2, 7, 8, khi thời tiết tốt), hằng năm có khoảng 300.000 người trong số 25 triệu khách đến đây leo lên đỉnh Phú Sĩ. Leo lên đỉnh ngọn núi này là một thử thách lớn. Một người Việt từng leo được lên đỉnh núi viết: “Đã hơn 13 năm trôi qua nhưng tôi không thể nào quên được những cảm xúc khi leo núi Phú Sĩ. Những lúc mệt mỏi hay muốn buông xuôi thứ gì đó thì tôi lại nhớ đến chuyến leo núi ấy với suy nghĩ “Mình đã từng leo núi Phú Sĩ từ chân đến đỉnh được mà!” và nhờ vậy mà tôi tiếp tục khí thế trở lại”.

Hôm chúng tôi đến, do điều kiện trên núi, người ta đã thông báo xe chỉ được phép lên đến trạm thứ 4. Trên đường đi, người hướng dẫn nói nhận được thông báo đã có 20 xe đăng ký lên trạm thứ 4 trước nên muốn lên tới đó chúng tôi đợi từ 40 phút đến một tiếng rưỡi đồng hồ. Thế là đành hài lòng với trạm thứ 3, nhưng cũng được an ủi là đã bắt đầu có tuyết đọng.


 

Phú Sĩ nhìn từ Nagomin
Phú Sĩ nhìn từ Nagomin



Từ sân trạm thứ 3, tôi đứng nhìn về thung lũng phía dưới, hồ nước, nhà cửa…, xa hơn là các rặng núi và màu xanh của rừng. Không biết “khu rừng tự sát” Aokigahara nổi tiếng có nằm trong cái quầng xanh nhoà dần ấy không? Thấy bảo trong khu rừng này có những hang động lạnh lẽo quanh năm, cây mọc dày đặc, che hết ánh nắng khiến nó tối tăm ngay giữa ban ngày. Nhiều người Nhật chọn Aokigahara để tự kết liễu đời mình đến mức nó là điểm tự sát nổi tiếng nhất, chỉ thua cầu Cổng Vàng Golden Gate (ở San Francisco, Mỹ).

Trên đường rời Phú Sĩ, chúng tôi dừng lại ở một nhà hàng nhỏ mang tên Nagomi, nghĩa là “Yên Bình”, “Thanh Thản”. Đúng như tên gọi, nó nằm khiêm nhường khuất một đoạn từ đường lớn, nhưng trước cửa là mấy chiếc ghế trúc, ngồi nhìn thấy núi Phú Sĩ qua con đường và rặng cây lớn trên bờ hồ Kawaguchi. Trong đoạn lạch nước nhỏ và không sâu trước quán, chắc nhân tạo, lững lờ mấy chú cá koi lớn. Đồ ăn ngon, trình bày đẹp, có người chụp ảnh rồi mới nỡ ăn.  

Tôi lợi dụng lúc mọi người còn hăng hái với những cốc sake lẻn ra ngoài cắt qua con đường, ra bờ hồ Kawaguchi. Tôi sẽ không bao giờ phải ân hận vì đã quyết định như vậy. Đó là hình ảnh Phú Sĩ đẹp nhất trong chuyến đi tôi được thấy. Mặt hồ Kawaguchi mênh mông đồng màu với phần núi Phú Sĩ không bị tuyết phủ, cái chóp trắng nổi lên không chỉ trên phần thân núi nghe nói có đường kính chân tới 80 km mà trên cả một vùng mênh mông nước và rừng, bên trên là cao xanh một bầu trời không gợn mây, nắng trong như thuỷ tinh, gió lạnh đủ để làm mặt hồ dờn dợn sóng. Và ở phía mặt trời đã ngả về tây, mặt nước phản quang lấp loáng như muôn ánh vàng, ánh bạc.

Tôi đã chụp ảnh thoả thích ngọn núi từ sau màn cỏ năn; từ cành của những cây cổ thụ chi chít nụ chìa ra hồ, có lẽ cũng là những cây anh đào chưa nở hoa; từ những thân cây mọc sát nhau toẽ ra tạo thành những cái khe thú vị; từ thảm hoa mọc dại màu tím hồng rất đẹp mà tôi phải đặt điện thoại xuống cỏ mới lấy được vào khuôn hình… Rồi tôi cất công đợi một cặp đôi trên con đường ven hồ để chụp cảnh họ đi ngang qua núi Phú Sĩ.

Rốt cuộc Phú Sĩ lên đến bao nhiêu vẻ đây?

Đến giờ rời xa ngọn núi, tôi không nhìn Phú Sĩ qua các cảnh vật gần mình nữa mà chỉ tập trung vào nó. Sự hùng vĩ của nó buộc tôi phải nhớ đến bài haiku của Kobayashi Issa (1793-1828): “Kìa ốc sên/Leo núi Phú Sĩ/Chầm chậm” mà trên xe lên Phú Sĩ, tôi đã thêm chữ vào để bản dịch để gò cho đúng luật haiku 17 âm tiết, chia 3 dòng  5 - 7 - 5 như sau: “Con ốc sên bé nhỏ/ Chậm rãi nhích từng phân, từng phân/Ngược lên đỉnh Phú Sĩ”. Hay bài haiku của Yosa Buson (1716-1784) mà tôi cũng cạy cục nôm na dịch tạm trên xe ô tô: “Bất lực trước Phú Sĩ/ Không thể nào phủ che hết nổi/ngay cả lá mùa xuân”. Lần cuối nhìn Phú Sĩ, lại nhớ đến nỗi niềm của thiền sư - thi sĩ Saigyo (1118-1190) ngót nghìn năm trước: Gió cuốn lên/Mây mờ trên Phú Sĩ/Bay mất về xa xăm/Ai biết về đâu nhỉ/Cùng cõi lòng tôi lang thang.



   

Con đường giai điệu

    Ở một đoạn đường lên núi Phú Sĩ, người hướng dẫn đột nhiên nói: “Đề nghị các anh chị im lặng để nghe giai điệu một bài hát của khu rừng này”. Chúng tôi giỏng tai nghe. Quả là có tiếng nhạc rất lạ. Người hướng dẫn giải thích tiếng nhạc đó do bánh xe và con đường phát ra. Trên mặt đường, người ta vạch các rãnh theo tính toán một cách chính xác, khi bánh xe lăn trên đó với tốc độ phù hợp, nó sẽ phát ra tiếng nhạc tựa như khi chiếc kim của cái máy hát trượt trên rãnh của đĩa hát. Thấy bảo đó là nhạc bài hát nổi tiếng về núi Phú Sĩ, “Fuji no Uta”. Tôi nhờ hướng dẫn viên hát lại bài hát và ghi lại lời dịch ra tiếng Việt: “Đầu vươn qua các tầng mây, cúi nhìn, lắng nghe phía dưới tiếng ông Thần Sấm...”  Đại loại như vậy. Ở Nhật có tới 28 nơi có con đường giai điệu như thế này. 


Lê Xuân Sơn (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tưng bừng Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Tưng bừng Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

(GLO)- Sáng 2-11, tại xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai tưng bừng khai hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024. Sau đây là một số hình ảnh về Lễ hội dưới góc máy của Nhiếp ảnh gia Phạm Quý.

Du lịch chờ 'mỏ vàng' khách Trung Đông

Du lịch chờ 'mỏ vàng' khách Trung Đông

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và các nước khác thuộc khu vực Trung Đông những ngày qua đang mở ra cơ hội cho du lịch VN đón dòng khách lớn từ thị trường Trung Đông, nơi các "đại gia" chi tiêu hào phóng nhất thế giới.

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ngoài hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc, sự kiện này còn là dịp để quảng bá các mặt hàng truyền thống của địa phương.