Phụ nữ Ia Grai chung tay bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ia Grai đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Điển hình là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa” và những tuyến đường phụ nữ tự quản đã mang lại hiệu quả tích cực.

Con đường được trồng hoa lạc dại ở thôn 2 (thị trấn Ia Kha). Ảnh: T.B
Con đường được trồng hoa lạc dại ở thôn 2 (thị trấn Ia Kha). Ảnh: T.B

Bà Dương Thị Mộng Loan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Grai, cho biết: Ban đầu, công tác triển khai mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa” vẫn gặp những khó khăn nhất định vì phần lớn hội viên là người dân tộc thiểu số, chưa có thói quen trồng cây xanh, trồng hoa. Cùng với đó, tập tục thả rông gia súc cũng gây trở ngại cho việc trồng và chăm sóc hoa, cây xanh. Trước thực tế đó, Hội Phụ nữ các cấp trong toàn huyện đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên về ý nghĩa  của việc trồng cây, trồng hoa để tạo môi trường xanh-sạch-đẹp.

Trên cơ sở chỉ đạo của Hội LHPN huyện, các tổ chức cơ sở Hội đã xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Mỗi cơ sở phải lựa chọn các loại hoa, cây trồng có sức sống tốt, thích ứng với môi trường, có tính thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan ven đường như hoa mười giờ, hoa dâm bụt, cây lạc dại, cây chè cảnh... Nhiều đơn vị đã linh hoạt, chủ động trong cách làm, nhận được sự ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội viên phụ nữ cũng tham gia nhiệt tình. Một trong những đơn vị thực hiện tốt mô hình này là chi hội phụ nữ tổ 2 (thôn 2, thị trấn Ia Kha). Trước đây, hầu hết các tuyến đường trong tổ đều mọc đầy cỏ dại nhưng nay đã được thay thế bằng những vạt cây lạc dại trổ hoa vàng đẹp mắt. Bà Lê Thị Hoa (thôn 2, thị trấn Ia Kha) chia sẻ: “Việc trồng hoa, cây xanh trên mỗi tuyến đường giúp cho cảnh quan nông thôn được cải thiện. Mỗi gia đình nhận nhiệm vụ chăm sóc, nhổ cỏ ở con đường hoa trước cổng nhà sao cho cây phát triển tươi tốt. Người dân cũng có ý thức hơn trong việc không xả rác thải ven đường. Hiện nay, tổng chiều dài các tuyến đường đã trồng hoa và cây xanh ở tổ 2 là hơn 300 mét”.

Đến nay, sau hơn nửa năm triển khai, toàn huyện Ia Grai đã có 6 mô hình “Hàng rào xanh” phát triển tươi tốt tại thôn Đức Thành (xã Ia Sao); tổ dân phố 6, làng Yam, thôn Thắng Trạch 3 (thị trấn Ia Kha); làng Breng 2, làng Klă 2 (xã Ia Dêr) với tổng số 245 hộ tham gia, tổng chiều dài là 2.670 mét, trồng được 1.950 cây chè xanh, 200 cây bời lời. Với mô hình “Con đường hoa”, đã có 8 mô hình đạt kết quả cao ở các xã: Ia Yok, Ia Pếch, Ia Tô, Ia Sao và thị trấn Ia Kha.

Bên cạnh việc triển khai mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”, các cấp Hội Phụ nữ ở các xã, thị trấn của huyện Ia Grai còn quản lý tốt các tuyến đường phụ nữ tự quản. Hiện tại, trên địa bàn huyện có tất cả 64 tuyến đường phụ nữ tự quản. Mỗi tuyến đường đều được gắn biển rõ ràng, mỗi chi hội đều tích cực tuyên truyền, vận động hội viên cùng nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp. Hàng tháng, hội viên các chi hội cùng tham gia dọn cỏ, quét dọn đường làng, ngõ xóm. Bà Nguyễn Thị Mến-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Sao, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 23 đoạn đường phụ nữ tự quản. Để quản lý tốt các đoạn đường này, Hội LHPN xã đã vận động các gia đình hội viên ký cam kết không vứt rác bừa bãi, không phơi nông sản trên đường gây tai nạn giao thông… Những buổi lao động tập trung cũng gắn kết tình cảm các hội viên lại với nhau hơn. Nhờ vậy, ý thức bảo vệ môi trường của hội viên và người dân được nâng cao rõ rệt.  


Bà Dương Thị Mộng Loan-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ia Grai: Sau một thời gian triển khai, mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”, các tuyến đường phụ nữ tự quản đã góp phần tạo cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp cho khu vực nông thôn của huyện. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng những mô hình mang ý nghĩa thiết thực này, đồng thời, biểu dương những tập thể thực hiện tốt; từ đó, góp phần cùng địa phương củng cố tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
 

Thủy Bình
 

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.