Lò đốt rác ở Al Bá góp phần làm sạch môi trường nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày lò đốt rác đi vào hoạt động, những cung đường liên thôn của xã Al Bá (huyện Chư Sê) trở nên sạch sẽ. Người dân cảm thấy vui mừng, phấn khởi vì không còn phải tự xử lý rác thải sinh hoạt của gia đình.

  Lò đốt rác của xã Al Bá được đầu tư 1,5 tỷ đồng.                                 Ảnh: P.L
Lò đốt rác của xã Al Bá được đầu tư 1,5 tỷ đồng. Ảnh: P.L

Lò đốt rác của xã Al Bá nằm ở cuối làng Klah Nhân, trên phần đất do một người dân trong làng tình nguyện hiến tặng. Đó là hệ thống đốt rác thải được huyện đầu tư với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng (trong đó lò đốt trị giá 980 triệu đồng). Lò có công suất đốt từ 8 đến 12 tấn/ngày. Từ hơn 3 tháng qua, lò đốt đã thực sự đem lại niềm vui cho người dân nơi đây. Ông Nguyễn Công Dũng-Chủ tịch UBND xã Al Bá, cho hay: “Trước đây, khi chưa có lò đốt này, người dân trong xã thường phải tự xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình bằng cách đào hố rác phía sau nhà. Có nhiều gia đình lại đem rác vứt ra lề đường hay bỏ dọc theo các khoảng đất trống rất mất mỹ quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Từ ngày lò đốt rác đi vào hoạt động, tình trạng xả rác bừa bãi giảm đáng kể”.

Đội thu gom rác của xã Al Bá có 4 người. Đội thường bắt đầu đi gom rác từ sáng sớm cho tới 10 giờ thì tập kết về lò đốt rác để xử lý. Theo nhận định của ông Dũng, lò đốt rác rất đảm bảo khi lượng khí thải ra môi trường không có mùi, rác được đốt cháy hoàn toàn thành một loại tro mùn có thể dùng để làm phân bón rất tốt cho cây trồng. Hiện tại, việc thu gom rác đang triển khai ở 2 thôn người Kinh nằm dọc theo trục đường liên xã. Hầu hết người dân đều đồng tình với mức đóng 10 ngàn đồng/tháng/hộ.

Có thể thấy hiệu quả khá rõ rệt khi 2 bên đường của xã Al Bá không còn nhếch nhác như trước, các bãi rác tự phát trước đây giờ cũng không còn. Khu chợ trung tâm xã trước kia rác chất thành đống, ruồi nhăng bu đầy không có người dọn dẹp rất mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Thế nhưng bây giờ sau mỗi buổi chợ, các tiểu thương đều tự mình gom rác đựng trong các bì ni lông, đặt phía trước cổng để đội thu gom rác đến lấy đi xử lý khiến cả khu chợ trở nên quang đãng, sạch sẽ hơn rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Dung (thôn Tứ Kỳ Nam, xã Al Bá) phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ hoạt động của lò đốt rác cũng như hoạt động thu gom rác của xã. Mức đóng 10.000 đồng/tháng là rất hợp lý. Trước đây, mỗi gia đình chúng tôi phải tự đào hố đằng sau nhà để bỏ rác rồi tự xử lý nhưng vẫn không đảm bảo. Bây giờ đã có lò đốt nên tôi rất yên tâm vì môi trường sống sạch sẽ hơn. Đặc biệt, khu chợ trung tâm đã được dọn dẹp sạch sẽ”.

Lò đốt có công suất 12 tấn rác/ngày nhưng rác được thu gom trên địa bàn xã Al Bá mới chỉ khoảng 1 tấn/ngày. Ông Nguyễn Công Dũng cho biết thêm: “Sắp tới, chúng tôi sẽ vận động 7 làng đồng bào dân tộc thiểu số hình thành thói quen bỏ rác tập trung, đúng nơi quy định để tiến tới thu gom rác trên toàn địa bàn xã. Hiện tại, chúng tôi cũng đã liên hệ với xã Bờ Ngoong về việc tiến hành gom rác để tiêu hủy tại lò đốt của xã nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Lãnh đạo xã Bờ Ngoong cũng đã đồng ý và sẽ tiến hành trong thời gian tới. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với xã Kông Htok để người dân trên địa bàn xã được thu gom và xử lý rác khoa học, đảm bảo vệ sinh”.

 Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.