Phong trào lái xe an toàn góp phần kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau 5 năm thực hiện cam kết thi đua “Lái xe an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông”, ý thức trách nhiệm và đạo đức của người lái xe cũng như chủ các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông cần có sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và các chủ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải.
Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải
Với hơn 723 km quốc lộ, 372 km tỉnh lộ, 1.900 km đường huyện và hơn 7.700 km đường giao thông nông thôn, Gia Lai là một trong những địa phương có chiều dài các tuyến đường bộ vào loại bậc nhất cả nước. Cùng với đó, tỉnh ta cũng được xem như cửa ngõ của khu vực Tây Nguyên khi có 90 km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia và các tuyến quốc lộ nối liền với các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ, thuận lợi cho việc đi lại và thông thương hàng hóa.
Từ những lợi thế về giao thông, những năm qua, số lượng đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể đăng ký tham gia kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh tăng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 503 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ cá thể đăng ký kinh doanh vận tải bằng ô tô với hơn 3.869 phương tiện bao gồm: xe vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe buýt, xe container và xe vận tải hàng hóa. Điều này đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
 Lễ ký kết thi đua lái xe an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông. Ảnh: L.A
Lễ ký kết thi đua lái xe an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông. Ảnh: L.A
Để đảm bảo TTATGT, kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông, từ năm 2013, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Giao thông tổ chức ký cam kết thi đua “Lái xe an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông” trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Sau khi ký cam kết thi đua, Công an tỉnh đã ban hành hơn 100 kế hoạch, văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh cũng cử lực lượng chuyên môn phối hợp với lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền các quy phạm pháp luật về lĩnh vực giao thông đường bộ; phát động thi đua “Văn hóa giao thông”… Đồng thời, Công an tỉnh tiếp thu những phản ánh của các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh vận tải để tiến hành các đợt khảo sát, tổ chức giao thông trên các tuyến đường được phân công quản lý, phụ trách. Từ đó, đơn vị kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục, xử lý những điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông và các đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Ngoài ra, Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát để xử lý nghiêm các phương tiện, đơn vị vi phạm cam kết. Theo đó, trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng đã kiểm tra gần 360 ngàn lượt phương tiện, phát hiện, lập biên bản hơn 310 ngàn trường hợp vi phạm (trong đó có hơn 16 ngàn xe của doanh nghiệp), xử phạt với số tiền hơn 153 tỷ đồng. Riêng lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã tổ chức kiểm soát hơn 163 ngàn lượt phương tiện, phát hiện, lập biên bản vi phạm hơn 162 ngàn trường hợp.
Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh-cho biết: “Việc triển khai thực hiện cam kết thi đua đã tạo ra sự liên kết, phối hợp hiệu quả trong việc triển khai các hoạt động đảm bảo TTATGT, phòng ngừa tai nạn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức của người lái xe và chủ các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh vận tải; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những phương tiện, đơn vị vi phạm Luật Giao thông Đường bộ”.
Nhiều vấn đề cần chấn chỉnh
Sau khi ký cam kết thi đua “Lái xe an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông”, ý thức trách nhiệm của người lái xe và chủ đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh vận tải đã được nâng cao. Tuy nhiên, theo thống kê của Công an tỉnh, trong 5 năm qua (2013-2018), toàn tỉnh đã xảy ra 1.957 vụ tai nạn, va chạm giao thông, làm chết 1.181 người, bị thương 2.228 người. So với thời gian liền kề, số vụ giảm 18,19%, số người bị thương giảm 25,81% nhưng số người chết lại tăng 6,01%. Trong số các vụ tai nạn, va chạm giao thông nói trên có nhiều vụ liên quan đến các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Điều này cho thấy, bên cạnh những đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh vận tải có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông Đường bộ và thực hiện đúng cam kết thi đua thì vẫn có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh vận tải còn xem nhẹ vấn đề đảm bảo TTATGT.
Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do việc triển khai thực hiện cam kết thi đua giữa cơ quan chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh vận tải chưa được duy trì thường xuyên; ở một số nơi, một số thời điểm công tác triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, chưa có chế tài mạnh mẽ đối với các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh vận tải thường xuyên vi phạm. Một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới hoạt động ký kết thi đua, còn làm qua loa, chưa sâu sát. Bên cạnh đó, vì lợi nhuận, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh vận tải bất chấp những quy định của pháp luật, ép tài xế tăng chuyến, tăng giờ chạy xe, tăng khối lượng vận tải dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, nhiều đơn vị lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa giám sát được tài xế, chưa nhìn nhận được tầm quan trọng và tác dụng thực tiễn của thiết bị này trong công tác quản lý, giám sát phương tiện. Hoạt động của tổ an toàn giao thông thuộc đơn vị, doanh nghiệp trong việc kiểm soát, xử lý vi phạm của tài xế còn chưa hiệu quả. Vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp vận tải trong quản lý, giáo dục đội ngũ lái xe chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT chưa cao…
Để chấn chỉnh những tồn tại này, Thượng tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: “Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng khác để siết chặt công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong đội ngũ lái xe; thường xuyên tổ chức các cuộc thi lái xe an toàn trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Cùng với đó, Công an tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải, hành vi vi phạm về TTATGT. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng thu hồi phù hiệu, giấy phép kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm đã bị nhắc nhở, xử phạt nhưng vẫn cố tình tái phạm. Ngoài ra, sẽ đề xuất khen thưởng kịp thời cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải thực hiện tốt các quy định của pháp luật về TTATGT. Phối hợp củng cố, kiện toàn tổ an toàn giao thông của các đơn vị, doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi, đôn đốc đội ngũ lái xe chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT. Tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi như: lái xe an toàn, lái xe tiết kiệm, lái xe chấp hành pháp luật về TTATGT; lương tâm, đạo đức của lái xe… trong phạm vi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà mình phụ trách.                                                                                                   
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.