(GLO)- Đi liền với mục tiêu góp phần đem lại cơ hội cải thiện sinh kế tại các xã nghèo, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên còn hướng đến đảm bảo an toàn môi trường. Tại huyện Krông Pa-nơi có 5 xã đang thụ hưởng các chính sách từ dự án với 9 nhóm cải thiện sinh kế (LEG), nhiều biện pháp giúp đảm bảo môi trường cũng được triển khai chặt chẽ ngay trong quá trình canh tác, chăn nuôi. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng hướng đến mục tiêu đem lại hiệu quả bền vững cho dự án.
Hộ dân tham gia nhóm LEG cải tạo vườn hộ đang chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: Lê Hòa |
Theo khảo sát đánh giá tình hình, Ia Hdreh (huyện Krông Pa) còn là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Diện tích đất nông nghiệp khá lớn nhưng do tập quán sinh hoạt, sản xuất của bà con dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều hạn chế nên chưa khai thác tốt các tiềm năng sẵn có. Cuộc sống khó khăn nên bữa ăn hàng ngày của họ rất ít dinh dưỡng, đạm bạc. Trong khi đó, vườn hộ gia đình lại rất ít trồng rau hay chăn nuôi gia súc, gia cầm; nếu có thì hiệu quả cũng rất kém do thiếu kiến thức chăn nuôi, thiếu vốn để đầu tư chăm sóc. Nắm bắt được điều đó, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Krông Pa đã quyết định chọn buôn Tring (xã Ia Hdreh) để triển khai thực hiện nhóm LEG cải tạo vườn hộ với 10 hộ dân tham gia.
“Nhóm được thành lập từ đầu tháng 5-2015. Sau nhiều đợt tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại rau xanh và chăn nuôi gà, các hộ được cấp gà giống với số lượng 40 con gà thả vườn 3 tuần tuổi/hộ và các loại giống rau để gieo. Để đảm bảo canh tác và chăn nuôi bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đảm bảo chất lượng sản phẩm thu được, chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ chất lượng giống, nguồn thức ăn cũng như tiêm phòng dịch bệnh cho gà. Riêng với rau xanh, chúng tôi hướng dẫn bà con cách chuẩn bị đất, sử dụng hợp lý các nguồn phân hữu cơ, trong trường hợp cần thiết mới sử dụng phân bón vô cơ và không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, có nhiều vườn rau không cần dùng đạm Urê hay phân DAP nhưng vẫn đảm bảo phát triển tốt và đã cho thu hoạch. Đây là những sản phẩm đủ sạch và an toàn”-anh Nguyễn Trọng Định-cán bộ CF tại xã Ia Hdreh cho biết.
Tự sản xuất ra nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng để phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày của gia đình, cải thiện bữa ăn là một trong những việc làm rất có ý nghĩa đối với nhiều hộ dân tại Ia Hdreh. Vượt qua thách thức ban đầu là hình thành thói quen tự trồng rau xanh cải thiện bữa ăn hàng ngày cho đến việc ý thức được phải trồng rau xanh, chăn nuôi gà theo phương pháp khoa học để có nguồn thực phẩm tại chỗ đảm bảo dinh dưỡng, an toàn cho người sử dụng là cả một thành công lớn. “Trước mình không biết trồng rau, nuôi gà thì thả đôi ba con ngoài vườn, tự kiếm ăn, lớn tới đâu hay tới đó. Nay mình biết trồng rau xanh rồi, nó không khó. Chỉ cần chăm chỉ tưới nước, làm sạch cỏ, khi rau bị nhiễm bệnh, hay bị sâu ăn thì báo với cán bộ, sẽ được hướng dẫn cách xử lý như thế nào để rau an toàn. Còn gà thì phải cho ăn thêm lúa và thức ăn nữa mới nhanh lớn, đẻ nhiều trứng và thịt thơm ngon”-chị Kpah H’Blết, thành viên nhóm LEG cải tạo vườn hộ buôn Tring 1, xã Ia Hdreh nói.
Tương tự, vấn đề đảm bảo an toàn môi trường cũng được các nhóm LEG nuôi bò sinh sản đặc biệt chú trọng. Tìm hiểu tại nhóm LEG nuôi bò sinh sản tại buôn Jao (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) cho thấy, các quy trình kiểm định chất lượng giống, quản lý dịch bệnh, xây dựng chuồng trại… được thực hiện chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến môi trường. “Bà con Jrai ở Krông Pa nói chung và xã Ia Rmok nói riêng vẫn giữ tập quán nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn, rất mất vệ sinh. Với các hộ tham gia dự án, bà con được hỗ trợ làm chuồng trại nuôi nhốt xa khu nhà ở và các công trình sinh hoạt khác, như giếng nước, sân phơi… Đồng thời, việc tiêm phòng dịch bệnh, chọn nguồn thức ăn sạch và đảm bảo cho bò cũng được thực hiện nghiêm ngặt. Nguồn chất thải trong chăn nuôi bò được xử lý, không để tràn ra gây ô nhiễm môi trường”-anh Nguyễn Tuấn Kiệt-cán bộ CF xã Ia Rmok chia sẻ.
Đánh giá về các biện pháp để giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình sản xuất, chăn nuôi tại các nhóm cải thiện sinh kế triển khai trên địa bàn, ông Lê Minh Thuyết-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Krông Pa, cho biết: Để đảm bảo an toàn môi trường đối với sinh kế nông nghiệp thì phải tuân thủ các quy định về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý chất thải chăn nuôi… Chỉ những loại hóa chất được phép sử dụng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT và đặc biệt ưu tiên việc sử dụng các biện pháp an toàn khác như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hiệu quả mang tính bền vững cho dự án.
Lê Hòa