Phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị cây sen ở Tháp Mười

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
So với nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp, loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp ở Tháp Mười khởi sự từ khá sớm. Loại hình du lịch này gắn với phát huy giá trị cây sen đã bắt đầu hình thành và phát triển từ năm 2013.

Du khách tham quan cánh đồng sen tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, huyện Tháp Mười. Ảnh: Hữu Nghĩa
Du khách tham quan cánh đồng sen tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, huyện Tháp Mười. Ảnh: Hữu Nghĩa
Chú trọng trong khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Tháp Mười đang cho thấy huyện từng bước phát huy lợi thế của địa phương để phát triển du lịch.
Phát huy lợi thế
Sen, từ một loại cây hoang dã, người dân đã biết khai thác những sản phẩm đặc trưng, để rồi nay hình thành nên những cánh đồng sen ngút ngàn và điểm du lịch sinh thái được khắp nơi tìm đến.
Tọa lạc trên cánh đồng ấp 4, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, điểm tham quan Du lịch sinh thái Hòa Đồng với diện tích 2ha giờ đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Tại đây du khách vừa có thể lưu lại những bức ảnh đẹp, vừa hòa mình vào chốn mênh mông đồng sen, đồng lúa lộng gió.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, mặc dù có thời điểm bị ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19, nhưng điểm tham quan Du lịch sinh thái Hòa Đồng với vẻ đẹp thiên nhiên đầy quyến rũ vẫn luôn cuốn hút du khách tìm đến.

Điểm tham quan Du lịch sinh thái Hòa Đồng thu hút du khách tìm đến tham quan. Ảnh: Hữu Nghĩa
Điểm tham quan Du lịch sinh thái Hòa Đồng thu hút du khách tìm đến tham quan. Ảnh: Hữu Nghĩa
Chị Nguyễn Thị Cúc, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Mình đã đi tham quan du lịch sinh thái nhiều nơi, nhưng khi đến huyện Tháp Mười, đặc biệt là điểm tham quan Du lịch sinh thái Hòa Đồng có nét rất là đặc trưng, không gian nơi này mang đến cho gia đình mình một cảm giác rất là thoải mái”.
Có lẽ các điểm tham quan du lịch sinh thái nông nghiệp ở Tháp Mười thu hút du khách tìm đến là bởi sự hấp dẫn của đồng lúa, sen mênh mông nối nhau.
Một nét đặc trưng nữa ở các khu điểm này là các tum ngồi ăn uống, ngắm cảnh được cất ngay tại ao sen, lót bằng sàn gỗ, lợp bằng lá dừa nước. Khi thưởng thức những món ăn dân dã, đậm chất đồng quê, như vô tình níu kéo du khách trở về với ký ức làng quê, mà trong tiềm thức mỗi người đã từng gắn bó.
“Ý tưởng mở điểm tham quan Du lịch sinh thái Hòa Đồng theo mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái đã được gia đình cô ấp ủ từ lâu. Mình làm du lịch ngoài đồng ruộng cho có sự thoải mái, người đi tham quan thấy cảnh đồng lúa, đồng sen cũng rất thích”, cô Phạm Thị Vẹn, chủ điểm tham quan Du lịch sinh thái Hòa Đồng phấn khởi cho biết.
Huyện Tháp Mười có lợi thế là trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười. Nơi đây là vựa lúa lớn của tỉnh với hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi.
Hơn thế, Tháp Mười được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp với những cánh đồng sen bạt ngàn, là nơi gìn giữ nhiều nét văn hóa - nghệ thuật truyền thống với di chỉ nền văn hóa Óc Eo; 2 vị anh hùng Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích Gò Tháp. Tháp Mười cũng là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn huyện nông thôn mới với đa dạng sản phẩm từ nông nghiệp, nhất là sen.
Với những lợi thế đó, Tháp Mười đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch nông nghiệp, đặc biệt là du lịch gắn với phát huy giá trị cây Sen đã bắt đầu hình thành và phát triển từ năm 2013.
Đến nay, toàn huyện có 15 cơ sở du lịch hoạt động (riêng khu vực Đồng sen có 9 cơ sở). Hằng năm trong điều kiện bình thường, kết hợp với 2 kỳ lễ hội Gò Tháp, các điểm tham quan đã đón hơn 700 nghìn lượt khách đến thăm viếng, vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn, mua quà tặng từ sản phẩm sen.
Doanh thu bình quân hằng năm trong điều kiện không có dịch bệnh khoảng 8,4 tỷ đồng. Đặc biệt sau dịch đến nay, huyện đã thu hút hơn 30 nghìn lượt khách.
Nâng chất lượng sản phẩm du lịch
Với xu hướng du lịch sinh thái, khách du lịch hiện nay thích về những nơi có khí hậu trong lành, mát mẽ, thân thiện để hoà mình với thiên nhiên. Nắm bắt tâm lý đó, huyện Tháp Mười đã chú ý phát triển du lịch nông nghiệp, kết quả đã mang lại hiệu quả nhất định cho người dân.
Đến nay, các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp ở huyện Tháp Mười đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 500 nông dân có thu nhập ổn định. Các điểm cũng đã đa dạng hóa các nguồn thu từ sen thông qua việc thu hoạch lá, hoa, hạt, củ, thân cây sen để chế biến các sản phẩm như: Sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, hoa sen, nước uống đóng chai tinh chất sen, kéo sợi tơ sen.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười đã thúc đẩy nông dân sản xuất theo hướng sạch, thân thiện với môi trường.
Có như thế, nông dân cũng là chủ điểm tham quan vừa phục vụ du khách được ngày một tốt hơn, vừa để đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu của các công ty, doanh nghiệp, đồng thời kích thích các ngành hàng khác trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển.

Trồng sen phục vụ khách tham quan tại Đồng sen Tháp Mười. Ảnh: Hữu Nghĩa
Trồng sen phục vụ khách tham quan tại Đồng sen Tháp Mười. Ảnh: Hữu Nghĩa
Tuy nhiên, theo Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười, việc phát triển du lịch nông nghiệp và các sản phẩm từ sen hiện vẫn còn chưa vững chắc và thiếu tính liên kết tạo thành chuỗi giá trị cao.
Ngoài ra, dịch bệnh thối ngó, cháy lá hiện chưa có thuốc đặc trị nên diện tích trồng sen còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến diện tích trồng sen phục vụ du khách.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười Trần Thị Quý cho biết, với định hướng phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng “sinh thái, cộng đồng và tâm linh” phát huy tiềm năng và giá trị của cây sen, đồng thời nâng cao chất lượng và thu hút khách du lịch, huyện đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Theo đó, huyện chủ động phối hợp sở ngành tỉnh thực hiện việc điều chỉnh Nhiệm vụ quy hoạch của Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, để huyện phát triển vùng chuyên canh về sen và đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư vào Khu du lịch.
Song song đó là nghiên cứu tìm giải pháp để trị bệnh cho cây sen, đồng thời vận động mở rộng khu vực trồng sen, tạo vùng nguyên liệu ổn định để cung ứng sản phẩm thường xuyên cho các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến sản phẩm từ sen, tránh để thiếu hụt nguồn sản phẩm đầu vào của các cơ sở chế biến phải tìm kiếm nơi khác không đảm bảo về chất lượng.
Ngoài ra, sẽ thành lập Hội quán du lịch để phát huy thế mạnh của mỗi cơ sở trong chuỗi cung ứng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho du khách. Tăng cường tập huấn cho đội ngũ nhân viên ở các cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng để nâng cao trình độ tay nghề, thái độ, cung cách phục vụ khách ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Huyện sẽ thực hiện đa dạng hóa hình thức tuyên truyền các hoạt động trải nghiệm tại các điểm du lịch; lễ hội Vía bà Chúa Xứ, lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và lễ hội sen.
Bên cạnh đó, huyện sẽ chủ động kết nối các doanh nghiệp lữ hành xây dựng, hình thành tuyến, tour du lịch nhằm kết nối các điểm du lịch trên địa bàn, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Theo HỮU NGHĨA (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.