Phận mồ côi: Nhận nhầm con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có những trường hợp nhận nhầm thân nhân hoặc không được gia đình thừa nhận, đã khiến tâm trạng người trong cuộc ngổn ngang.

 

 Nhiều chị ở nhà tình thương tại P.26, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết thỉnh thoảng đi thăm chị Thủy “lai” bị nhận nhầm - Ảnh: Như Lịch
Nhiều chị ở nhà tình thương tại P.26, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết thỉnh thoảng đi thăm chị Thủy “lai” bị nhận nhầm - Ảnh: Như Lịch


Nhiều người mồ côi khuyết tật từng được nuôi dạy tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt số 1 (còn gọi là Mầm non 5, trước đây đóng trên đường Võ Thị Sáu, P.7, Q.3, TP.HCM) vẫn nhớ sự kiện nhận nhầm con hy hữu của một gia đình.

Anh Nguyễn Huệ Trang (50 tuổi) nhớ lại: “Hồi đó tụi mình sống trong trung tâm và biết chuyện có hai người tên Thủy trong diện tìm kiếm của một gia đình ở TP.HCM. Ban đầu, người ta không nhớ rõ hay sao đó, nên lúc gặp một chị tên Thủy, họ ôm chầm khóc lóc và làm thủ tục đón về nhà. Sau một thời gian, họ phát hiện không phải đứa con cần tìm nên đã mang trả lại. Họ tiếp tục đi kiếm một người khác cũng tên Thủy và xác định đó mới là ruột rà của mình”.

Chị T.C, vốn là trẻ mồ côi lớn lên tại Mầm non 5, khẳng định: “Mình chứng kiến thời điểm người đàn ông đó đến trung tâm tìm con. Ổng đưa giấy khai sanh và nói muốn tìm Nguyễn Thị Thu Thủy, sinh năm 1964. Lúc ấy, chỉ chị Thủy có gương mặt mang nét “lai Pháp” rất đẹp nhưng trí óc không bình thường là trùng họ tên, năm sinh, nên được ổng đón về. Ổng chụp hình chị Thủy “lai” gửi qua Mỹ thì con của ổng bên đó kêu không phải. Do lỡ nhận rồi, thời gian đầu ổng vẫn thương chị Thủy “lai” như con nuôi, vài lần chở về nhà chơi”.

Theo chị T.C, sau đó người ta tìm được một chị tên Thủy tại cơ sở nuôi trẻ mồ côi ở Q.Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM). Qua xác minh, gia đình chắc chắn chị Thủy “sau” chính là đứa con thất lạc của họ nên đưa về đoàn tụ. Đến nay, chị Thủy “sau” có cuộc sống hạnh phúc, chồng con thành đạt.


 

Chị Lê Thanh Thủy có vẻ mỏng manh hiền dịu - Ảnh: Như Lịch
Chị Lê Thanh Thủy có vẻ mỏng manh hiền dịu - Ảnh: Như Lịch


Trong khi đó, chị Thủy “lai” tiếp tục quãng đời của mình tại một cơ sở nuôi người già tàn tật ở tỉnh Lâm Đồng. Thỉnh thoảng, những chị em mồ côi khuyết tật từng chung sống dưới mái nhà Mầm non 5 rủ nhau lên thăm chị.

Chỉ tiếp đón, không tiếp nhận

Vóc dáng mảnh khảnh, da trắng, bề ngoài của chị Lê Thanh Thủy có vẻ mỏng manh hiền dịu. Xuất thân là trẻ mồ côi khuyết tật, hiện chị Thủy sống tập thể tại nhà tình thương ở P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Sau những lần đắn đo, gần đây chị Thanh Thủy mới mở lòng kể cho tôi câu chuyện đi tìm cha mẹ: “Chị đã kiếm ra người thân, nhưng họ không thừa nhận chị. Cho nên nhắc tới gia đình, chị buồn lắm!”.

Thuở nhỏ, như nhiều người bạn mồ côi khuyết tật bị bỏ rơi, chị Lê Thanh Thủy chỉ biết “nhà” của mình là Mầm non 5. Trong thời gian ra ngoài học tại một trường THCS ở Q.3, chị Thanh Thủy tình cờ được tiếp cận hồ sơ và học bạ của mình. Bất ngờ thấy địa chỉ gia đình mình trong giấy khai sinh, chị Thanh Thủy mừng đến phát khóc.

Lần dò từ địa chỉ trên, cô gái bị liệt đôi chân Lê Thanh Thủy bắt đầu hành trình đi tìm người thân. Chị hồi hộp gõ cửa một ngôi nhà ở đường Bùi Thị Xuân (Q.Tân Bình, TP.HCM), chủ nhà tỏ ra dè dặt. Vài ngày sau, có một cặp vợ chồng ở ngôi nhà đó tìm đến Mầm non 5, họ hỏi nhân viên trung tâm: “Ở đây có ai tên Lê Thanh Thủy không?”. Đang quét dọn trên lầu, chị Thanh Thủy được kêu xuống để họ nhận diện. Đôi vợ chồng tự xưng “bác” với chị Thanh Thủy và dặn chị lúc nào rảnh đến nhà họ chơi.


 

 Chị Lê Thanh Thủy mang nỗi buồn “không được người thân thừa nhận” - ẢNH: NHƯ LỊCH
Chị Lê Thanh Thủy mang nỗi buồn “không được người thân thừa nhận” - ẢNH: NHƯ LỊCH


Theo chị Thanh Thủy, “bác trai” thường ân cần và vui ra mặt mỗi khi chị đến thăm. Có lần, ông tiết lộ với chị: “Con là người trong gia đình này. Con có anh và chị sống bên Mỹ…”. Tới đoạn này, thình lình “bác gái” xuất hiện, nạt ngang ông chồng: “Tại sao ông nói với nó? Nó tàn tật biết gì đâu mà ông kể!”. Theo chị Thanh Thủy, “bác gái” có phần lạnh lùng, hay xưng hô “mày - tao” với chị.

Sau khi “bác trai” mất, chị Lê Thanh Thủy ít lui tới ngôi nhà đó. Hôm rồi chị đi lễ, định ghé thăm “bác gái” nhưng họ không mở cửa. Chia sẻ với tôi, giọng chị Thanh Thủy nghèn nghẹn: “Từ địa chỉ trong giấy khai sinh cho đến xâu chuỗi thái độ của họ, chị tin chắc giữa họ và mình có mối quan hệ thân thích. Nhưng có thể họ thấy mình bị liệt chân, không muốn nhận về để thành gánh nặng cho họ chăng? Hay là họ sợ mình về chia tài sản?...”.

Chị Võ Thị Vân, người bạn đang ở cùng nhà tình thương với chị Lê Thanh Thủy, cho hay: “Mấy năm trước, một người đàn ông từ Mỹ về đây kiếm đứa em tên là Lê Thanh Thủy. Anh đó có khuôn mặt y chang chị Thủy. Ảnh để lại điện thoại, nhưng lần nào chị Thủy gọi cũng không bắt máy”.

Chị P.T.C (từng sống tại Mầm non 5) cho biết chị là nhân chứng trong câu chuyện tìm gia đình của chị Lê Thanh Thủy. Trước đó, chị P.T.C tự tìm kiếm được người thân, nên đã tận dụng kinh nghiệm để giúp bạn bè đồng cảnh ngộ. Theo chị P.T.C, chị đã viết thư gửi công an địa phương nhờ cập nhật địa chỉ mới dựa trên thông tin trong giấy khai sinh của chị Thanh Thủy. Sau khi công an giải đáp cặn kẽ, chị P.T.C nhờ người quen đem thư của chị Thanh Thủy đến giao tận nơi (đường Bùi Thị Xuân, Q.Tân Bình). Khi người đưa thư “báo cáo” về chị Thanh Thủy, ông già sống trong ngôi nhà đó vô cùng mừng rỡ và tự giới thiệu là cha ruột của chị Thanh Thủy...

“Vậy mà rốt cục, người ta chỉ tiếp đón chứ không tiếp nhận chị Lê Thanh Thủy. Tôi được biết người xưng “bác trai” là cha ruột của chị ấy, còn “bác gái” là mẹ kế. Có lẽ họ không muốn khơi lại quá khứ, làm xáo trộn cuộc sống gia đình”, chị P.T.C tâm tư. (còn tiếp)

 


Tủi nhất khi nằm viện, không ai thăm nuôi

Một số phụ nữ mồ côi khuyết tật ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho hay: “Tụi chị tủi nhất là khi nằm bệnh viện, không có ai thăm nuôi. Thí dụ bị bệnh nặng, mổ ra cần người bình thường nâng đỡ, còn đây toàn người què quặt với nhau thì làm sao ẵm? Rồi phải lo tiền bạc nữa chứ! Lỡ có đứa bị đột quỵ chẳng hạn, ở đây làm sao gom được 100 triệu để thông não? Cho nên, tụi chị rất sợ đi khám, sợ lòi ra bệnh thì không biết xoay xở thế nào”.
Cầu nguyện điều tốt đẹp cho gia đình

Chị Võ Thị Vân (năm nay 48 tuổi, ngụ P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trước năm 1975, chị từng ở cô nhi viện tại Bình Định. Đề cập chuyện tìm kiếm gia đình, chị Vân thẳng thắn: “Mình nghĩ nếu người ta yêu thương mình, họ đã đi kiếm từ khi mình còn nhỏ, chứ không đợi mình đi kiếm họ. Vả lại, mình đi kiếm người ta, có khi mình làm gánh nặng cho gia đình họ, như trường hợp chị Lê Thanh Thủy. Mình không biết bây giờ cha mẹ còn sống hay đã chết, nhưng lòng mình luôn hướng về họ và cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình”.

Cũng chưa tìm được người thân, chị Hà Tuyết Trinh (55 tuổi, ngụ P.1, Q.Bình Thạnh) nhận xét: “Có thực tế là những gia đình giàu, có điều kiện mới đi tìm con cháu thất lạc. Còn khi người ta nghèo quá, lo mưu sinh cho chính họ thì họ không đi kiếm, không nhìn nhận nhau luôn. Các trường hợp đó đã xảy ra với bạn của mình, nên mình cũng chuẩn bị tâm lý cả rồi”.



Theo NHƯ LỊCH (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.