Phận mồ côi: Không cam phận vô danh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai chữ “vô danh” về cha mẹ khiến nhiều người con mồ côi khuyết tật tủi phận và khó tìm được nguồn gốc. Dẫu vậy, họ cố gắng vượt nghịch cảnh để sống có ích.

Nhiều thí sinh khuyết tật, mồ côi tham gia giải Bắn cung mùa xuân - Xuân Tân Sửu 2021. ẢNH: NHƯ LỊCH
Nhiều thí sinh khuyết tật, mồ côi tham gia giải Bắn cung mùa xuân - Xuân Tân Sửu 2021. ẢNH: NHƯ LỊCH
Một buổi trưa tháng ba, khi tôi đến thăm, chị Nguyễn Thị Mỹ Lộc chuẩn bị đẩy xe bột chiên ra bán trước nhà. Biết tôi có ý định viết bài về những người mồ côi đi tìm cha mẹ, chị Lộc bảo: “Từ lâu, chị đi kiếm ba mẹ mà không ra. Nói thiệt với em, giờ có tìm nữa cũng không được đâu! Vì trong giấy khai sinh của chị, ba mẹ là “vô danh”, có nghĩa là từ ngày xưa họ đã muốn bỏ mình rồi”. Cơn xúc động qua đi, chị Lộc trở lại nét dí dỏm thường ngày: “Chị tưởng em xuống đây viết ca ngợi bột chiên cô Lộc và sự vươn lên của tụi chị chứ!”.

Chị Lộc gầy dựng quán “Bột chiên cô Lộc” bằng nghị lực và sự tận tâm
Chị Lộc gầy dựng quán “Bột chiên cô Lộc” bằng nghị lực và sự tận tâm
Dẹp bỏ mặc cảm, bươn ra xã hội
Chị Lộc thường bán bột chiên trước căn nhà tình thương trong hẻm 128 đường Lê Văn Duyệt (P.1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Đây cũng là nơi cư ngụ của chị Lộc cùng những người bạn mồ côi khuyết tật. Căn nhà cũ chật chội, nền rất thấp so với mặt đường. Vì vậy, mỗi lần đẩy xe bột chiên ra khỏi nhà là thử thách không nhỏ, nhất là với Người khuyết tật vận động như chị Lộc. Đặc biệt là khi trời mưa, nước tràn vào nhà lênh láng…
“Cứ lo sống tốt trước đã…”
Đề cập đến cảnh về già không có người thân chăm sóc, chị Hà Tuyết Trinh (55 tuổi, chưa tìm được gia đình, ngụ P.1, Q.Bình Thạnh) tỏ ra bình thản: “Nhóm tụi mình đa phần mồ côi hoàn toàn và độc thân. Mình nghĩ bây giờ cứ lo sống tốt trước đã, phần đời còn lại phó thác cho Chúa”.
Theo một số người từng cưu mang chị Lộc, lúc nhỏ chị bị cụt chân trái do tai nạn bom mìn. Bị gia đình bỏ rơi, gần 10 năm chị sống trong một ngôi chùa ở tỉnh Ninh Thuận. Năm 1977, chị Lộc được chuyển vào Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt số 1 (TP.HCM) và sống ở đó suốt 13 năm.
Học xong lớp 9, chị Lộc học bổ túc lên cấp 3 vào ban đêm. Ao ước làm cô nuôi dạy trẻ, chị tìm đến một trường mầm non ở Q.3 bày tỏ nguyện vọng. Cô hiệu trưởng bảo: “Thôi em thông cảm, nghề này không phù hợp với tụi em. Em bị tật đi khó khăn, mấy đứa nhỏ bắt chước”.
Hàng chục năm trời, chị Lộc nuôi hy vọng tìm được cha mẹ. Sau đó, chị chua chát nhìn nhận: “Trong giấy khai sinh của mình, ba mẹ là “vô danh” thì… vô phương tìm kiếm. Có những cha mẹ do chiến tranh hay nguyên nhân nào đó phải bỏ con, nhưng họ thực sự thương con nên vẫn để lại tên và địa chỉ gia đình. Nhờ vậy, những đứa trẻ mồ côi mới có cơ hội tìm được người thân”.
Từ khi sinh được đứa con duy nhất (chồng chị Lộc cũng mồ côi, liệt chân), chị Lộc dồn tình thương cho con, coi đó là nguồn động lực tinh thần quý giá. Chị tự nhủ: “Mình không nên buồn mãi về chuyện quá khứ. Phải dẹp bỏ mặc cảm, để bươn ra xã hội lo cho con”.
Trước đây, chị Lộc làm công nhân vẽ tranh sơn mài nhưng lương không đủ nuôi con. Quyết chí cho con gái ăn học đến nơi đến chốn, chị Lộc mày mò chuyển sang bán bột chiên. Chị cho hay đã “lết lết” đi ăn và học lỏm thao tác tại chỗ trên hai chục quán bột chiên, trước khi chế biến cho nhiều người ăn thử.
10 năm nay, quán “Bột chiên cô Lộc” được nhiều khách hàng ưa thích. Từ tháng 4.2020, chị Lộc mạnh dạn bước qua rào cản “mình già rồi, không rành công nghệ” để phục vụ khách hàng đặt đồ ăn online qua một số ứng dụng thịnh hành. Chị Lộc chia sẻ: “Nhiều người cho rằng bán bột chiên là việc khá nhẹ nhàng. Nhưng thực tế rất cực, bởi mọi công đoạn tụi mình phải tự thực hiện và đặt cả cái tâm vào đó. Làm sao cho khách ăn ngon và an toàn cũng là một cách giúp đời”.
Nhìn chị Lộc (năm nay 55 tuổi) di chuyển nhanh nhẹn, ít ai biết rằng chân trái của chị là chân giả. Có những hôm đứng bán suốt, mỏm cụt bị giộp và chảy máu, nhưng chị vẫn luôn niềm nở với khách. Chị Lộc tâm niệm: “Mình phải chứng minh cho xã hội thấy người khuyết tật làm được bao nhiêu việc. Người khuyết tật cũng phải vươn ra ngoài xã hội, sống bằng sự nỗ lực và khả năng của mình”.

Chị Lộc được con gái đưa đi du lịch đầu năm nay. ẢNH: NVCC
Chị Lộc được con gái đưa đi du lịch đầu năm nay. ẢNH: NVCC
Tự tạo niềm vui
Ngày 31.1, tôi có mặt tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM xem giải Bắn cung mùa xuân - Xuân Tân Sửu 2021. Trong số các cung thủ, có khoảng 10 người khuyết tật ngồi xe lăn hoặc mang chân giả. Ai nấy đều hăm hở khi được so tài và khám phá năng lực bản thân.
“Tao xin mày, hay mày xin tao ?”
Chị Lộc cho hay thỉnh thoảng chị giúp một số người khốn khó hơn mình, chẳng hạn gặp người mù bán vé số thì mua ủng hộ. Chị kể: “Hôm trước có một thằng đến đây xin tiền, mình nói không có nhưng nó xin hoài. Mình tức quá kéo ống quần lên, lộ cái chân giả: Đó, mày thấy chưa. Giờ tao xin mày, hay mày xin tao? Tao tật nguyền mà còn phải bán buôn kiếm sống, mày sức dài vai rộng sao đi ăn xin? Nó xấu hổ, đi một mạch”.
Nhiều thí sinh khuyết tật đến từ Q.Bình Thạnh và H.Hóc Môn, TP.HCM. Mấy năm qua, chủ yếu họ làm tranh sơn mài cho một doanh nghiệp chuyên tuyển dụng lao động khuyết tật. Hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn nên họ mưu sinh bằng các công việc xỏ hạt cườm, bán vé số...
Nhìn bề ngoài, dễ nhầm tưởng cuộc sống của những người mồ côi khuyết tật thường khép kín và buồn tẻ. Bản thân tôi có nhiều dịp được trò chuyện cởi mở và ăn cơm với các chị trong những ngôi nhà tình thương tại P.1 và P.26 (Q.Bình Thạnh). Nhờ đó, tôi nhận thấy nhiều chị rất năng động, lạc quan, có khiếu hài hước tạo nên những trận cười muốn “banh cái nhà”. Ở độ tuổi U.50, U.60, nhiều chị rủ nhau tham gia câu lạc bộ bắn cung và những bộ môn yêu thích.
Trong đó, phải kể tới hai chị P.T.C và M.K.L từng nổi tiếng về thành tích bơi lội trong nhiều kỳ Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games). Đến nay, hai chị vẫn có mặt trong nhiều cuộc thi bơi lội toàn quốc dành cho người khuyết tật. Còn chị Trần Thị Kim Danh thì giỏi đánh đàn guitar, biết đánh trống, hát hay. Vốn là trẻ mồ côi khuyết tật lưu lạc từ Phú Yên, chị Danh vẫn chưa tìm được gia đình. Hôn nhân trục trặc, hiện chị sống với bạn bè gắn bó từ trong trại mồ côi và coi họ như người thân. Cho tôi xem những tấm ảnh chụp cùng con trai, chị Danh khoe con của chị nay đã là sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM…
Với chủ quán “Bột chiên cô Lộc”, sự trưởng thành của con gái đã tiếp thêm nguồn vui sống cho chị. Chị Lộc kể rằng hồi con học lớp 3, chị dự thi ASEAN Para Games và giành được giải cao môn điền kinh. Có tiền thưởng, chị tính mua xe. Con gái năn nỉ: “Mẹ mua xe hai bánh thôi nha. Con không muốn mẹ chạy xe ba bánh, vì bạn con chọc ghẹo’”. Chị Lộc thấy mừng khi vài năm sau đó, con gái chị “đã hiểu chuyện” và chịu ngồi xe ba bánh cho cha hoặc các cô, các chú chở.
Tốt nghiệp cao đẳng ngành du lịch, con gái chị Lộc nay đã có công việc ổn định và có tổ ấm riêng. Chị Mai (sống chung nhà với chị Lộc) xuýt xoa: “Con bé xinh đẹp, giỏi giang và rất hiếu thảo. Nó đang mang bầu, vậy mà tối nào cũng vẫn ghé đây rửa chén đĩa giúp tụi chị”.
Tôi nghĩ đến sự khởi đầu không may của những thân phận mồ côi khuyết tật và cách họ xuyên qua nỗi mất mát, thiệt thòi. Tôi nghĩ đến những đứa con đã đem lại cho họ sự tự hào, hay những niềm vui bình dị họ tự tạo ra cho mình... Và sau tất cả, tôi nhớ đến câu nói thật chí lý: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sống!”.
Theo Như Lịch (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối:Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối: Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

(GLO)- Trong cuộc nói chuyện về văn hóa Champa với Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), người tham gia cùng với các nhà khảo cổ khai quật di chỉ tháp Chăm An Phú, anh đã đưa ra ý tưởng nên thành lập nhà trưng bày văn hóa Champa vùng Tây Nguyên ở vị trí An Phú, TP. Pleiku hiện nay.

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.