Phái đẹp là để yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một nhà văn nổi tiếng từng nói: “Không có mặt trời thì hoa không nở; không có phụ nữ thì không có tình yêu; và không có những bà mẹ thì không có những anh hùng và những nhà thơ”. Người ta còn nói: “Phụ nữ là để yêu thương; không nên đánh phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa”. 
Tất cả những điều ấy thật xứng đáng được dành cho những người phụ nữ vì những đóng góp của họ cho gia đình và xã hội. Nhưng để có được sự bình đẳng, sự trân trọng yêu thương, người phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đã và đang trải qua một con đường dài đầy khó nhọc.
Người phụ nữ Việt Nam ngày xưa bị ràng buộc bởi “tam tòng tứ đức”. Ở cái thời đại mà đàn ông cho mình cái quyền “năm thê bảy thiếp”, cuộc đời người phụ nữ phải chịu biết bao cay đắng. Người phụ nữ không thể quyết định số phận của mình. Người ta nói: Phận gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu. Cái triết lý “xuất giá tòng phu”, “sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng” đã bó buộc cuộc đời người phụ nữ trong sự chịu đựng, nhẫn nhịn. Họ chấp nhận những điều ấy như một lẽ hiển nhiên, kiểu như “là phụ nữ phải vậy”. Rồi họ sinh con, nếu được là con trai giỏi giang, thành đạt thì “mẹ quý nhờ con”, mà nếu chỉ sinh toàn con gái thì “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, họ vẫn bị coi là không con, làm tuyệt hậu nhà chồng nên phải cưới vợ lẽ để sinh con nối dõi cho chồng, cho nhà chồng. Cái kiếp chồng chung mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã muốn “chém cha” ấy là một sự đọa đày đối với người phụ nữ cả về thể xác lẫn tinh thần. Hạnh phúc của người phụ nữ chỉ là trò may rủi của số phận.
Cái thời phong kiến với quan niệm cổ hủ ấy đã qua, nhưng hình ảnh những người bà, người mẹ của chúng ta vẫn gắn liền với những cụm từ “tảo tần”, “chịu thương chịu khó”, “hy sinh”. Những người mẹ nhịn ăn, nhịn mặc, quên đi những nhu cầu riêng của bản thân mình không phải là chuyện hiếm gặp. Mẹ tôi và những người mẹ quê nơi tôi lớn lên hầu như chỉ biết thức khuya dậy sớm, lo việc nội trợ rồi việc đồng áng, cả năm hình như không có lúc nào rảnh rang để đi chơi cùng bạn bè và cũng gần như không biết phấn son trang điểm. Sự hy sinh của phụ nữ dành cho gia đình được coi là điều hiển nhiên và chỗ của phụ nữ thường là chỉ quẩn quanh với gia đình. Cái thiên chức làm vợ, làm mẹ đã vô tình thành một trở ngại ngăn trở người phụ nữ bước ra ngoài xã hội.
Cũng một thời chưa xa lắm, trẻ em gái thường chỉ cho học để biết đọc biết viết. Nếu trong nhà có đông con, con gái thường phải nghỉ học để trông em, làm việc nhà cho con trai được đi học. Những bạn gái thời cấp II của tôi chỉ có một số ít tiếp tục học lên, một phần vì đường xa, phương tiện đi lại khó khăn, một phần vì quan niệm con gái không cần học cao. Tư tưởng “con gái là con người ta” vẫn còn là điều phổ biến vào thời đó.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Cùng với sự phát triển mọi mặt của xã hội và sự nỗ lực không ngừng để đấu tranh cho quyền bình đẳng giới của phụ nữ trên khắp thế giới, cùng với xu thế chung của xã hội, cơ hội học tập và việc làm của phụ nữ đã có nhiều cải thiện. Trẻ em không phân biệt nam nữ đều được đến trường. Các trẻ em gái đã chứng tỏ mình hoàn toàn không thua kém bạn trai đồng trang lứa. Trong mọi lĩnh vực của xã hội, phụ nữ đã từng bước khẳng định được vị trí của mình. Chị em đã hạnh phúc hơn, xinh đẹp hơn đúng với tên gọi phái đẹp được dành cho mình. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những vụ bạo hành phụ nữ, lạm dụng trẻ em gái, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn trong nhiều gia đình và cả ở một bộ phận trong xã hội. Cũng vì tư tưởng này mà nhiều gia đình cố sinh cho được con trai, dẫn đến những hệ lụy kèm theo gây khổ cho người phụ nữ và những đứa con gái. Ở những vùng cao, vùng khó khăn, nạn mua bán phụ nữ vẫn còn, những bé gái phải lấy chồng sinh con ở độ tuổi thiếu niên... Những chuyện thật đáng đau lòng!
Những ngày tháng ba này, Tây Nguyên đang bước vào mùa khô với nắng vàng sóng sánh như mật ong. Mùa con ong đi lấy mật, mùa hoa cà phê trắng xóa vườn đồi. Những tà áo dài đủ màu sắc rực rỡ khoe màu, tôn vóc dáng những cô gái, những người phụ nữ xinh tươi. Những đóa hoa tươi thắm, những món quà ý nghĩa cũng được người chồng, người con, những người đàn ông dành tặng người phụ nữ thân yêu của mình. Những đóa hoa ấy sẽ tươi đẹp hơn, những món quà sẽ trọn vẹn hơn nếu người phụ nữ luôn được trân trọng, yêu thương và có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Chỉ khi được trân trọng, yêu thương, hạnh phúc thì người phụ nữ mới có thể lan tỏa niềm hạnh phúc của mình cho gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp hơn. 
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.