Ông giám đốc 'mê' gà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người nuôi gà ta thương phẩm lâu năm không ai không biết đến đến gà giống của tỉnh Bình Định, bởi ở đây có cơ sở sản xuất gà giống Minh Dư nức tiếng.
Đam mê làm nên sự nghiệp
Ngay từ hồi còn rất nhỏ, anh Lê Văn Dư ở xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước, Bình Định) đã “mê” gà. Thuở mới học lớp 4, Dư được mẹ cho con gà mái, anh chăm chút nuôi. Sau những giờ đến trường, thời gian còn lại anh chỉ quanh quẩn với con gà.
Đến thời kỳ sinh sản, anh lót cho con gà cái ổ rơm, gà cho những quả trứng trắng hồng. Rồi những quả trứng cho anh những chú gà con xinh xắn. Chẳng mấy chốc những chú gà lớn phổng, Dư nhờ mẹ mang chúng ra chợ phiên bán. Lần đầu tiên trong cuộc đời anh cầm được những đồng tiền do chính mình làm nên.
Gà giống mới nở
Gà giống mới nở
Từ 1 con gà mái ban đầu, dần dần anh sở hữu được đàn gà sinh sản hàng chục con. Đàn gà cho anh ngày càng nhiều tiền, anh có thể tự mình mua sách vở, quần áo đi học mà không cần xin cha mẹ.
Khi học đến lớp 9, trong tay Dư đã có 200 con gà mái đẻ. Càng về sau, niềm đam mê nuôi gà càng trở nên cháy bỏng trong lòng cậu học trò nông thôn. Do nuôi gà theo kiểu “phó mặc cho trời”, nên khi đàn gà càng đông đúc, số lượng gà bị dịch bệnh chết càng nhiều. Nhưng thất bại không thể giết chết lòng “mê” gà trong anh.
Càng thất bại anh càng quyết tâm tìm đến với tiến bộ kỹ thuật trong nuôi gà để hạn chế rủi ro. Cậu học trò lớp 9 mua sách dạy nuôi gà về đọc. Vừa đọc sách vừa rút kinh nghiệm từ thực tế, đến năm học cuối cấp III, kỹ thuật nuôi gà cũng đã tích lũy trong cậu học trò đầy khát vọng này, và cậu bắt đầu tham gia cung ứng gà giống ra thị trường.
Đàn gà dần tăng trưởng theo thời gian, đến năm 2002, cậu bé Dư ngày nào đã sở hữu đến 10.000 con gà ta bố mẹ và trở thành “ông chủ” nhỏ trong ngành cung ứng giống gia cầm trong khu vực.
“Vào thời điểm ấy, nghề chăn nuôi gà trong khu vực đang phát triển mạnh, nhu cầu về gà giống rất cao, nhất là gà ta. Trong khi đó, sản xuất giống gà ta rất khó, vì chúng có đặc điểm ấp nhiều mà đẻ ít, làm gà giống không hiệu quả nên chẳng có mấy đơn vị làm. Không ai làm thì tôi làm. Vậy là tôi mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại để nuôi quy mô lớn”, Dư nhớ lại.
Anh “mê” gà đến nỗi quyết định dở dang việc học để đeo đuổi nghề nuôi gà thương phẩm. Anh rong ruổi khắp nơi, thu thập, chọn ra những giống gà ta có nhiều tính năng vượt trội, bộ lông đẹp, mái to, mắn đẻ lai tạo với giống gà nòi để cho ra đời thế hệ gà lai mới. Từ đó, anh tiếp tục lai tạo ra đàn gà ông bà, bố mẹ để làm nên thương hiệu “Gà ta Minh Dư”.
Năm 38 tuổi, Dư đã sở hữu trang trại có vốn đầu tư vài ba chục tỉ đồng. Anh Dư chia sẻ: “Tính đến nay, tôi đã có trên 25 năm nghiên cứu, tuyển chọn ra giống gà bố mẹ, hội đủ những ưu điểm như: Có phẩm chất thịt ngon nhất, ít ấp mắn đẻ, có độ đồng đều cao, màu lông đồng nhất, ăn ít nhưng mức tăng trọng cao.
Bên cạnh đó, tôi cũng đã bỏ rất nhiều thời gian đi đến nhiều vùng đất khác nhau trên cả nước để nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng của từng vùng miền. Sau đó, đích thân tôi lai tạo ra những giống gà khác nhau từ sắc lông đến mồng, mào, tích… phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng từng vùng miền để cung ứng cho các trang trại chăn nuôi gà thương phẩm ở đó”.
Nhờ công tác chọn tạo tốt, cộng với quy trình chăn nuôi gà bố mẹ trong môi trường sạch bệnh nên giống gà ta Minh Dư có sức đề kháng cao, dẫn tới tỷ lệ nuôi sống cao, ít dịch bệnh. Gà giống Minh Dư luôn là lựa chọn số một của người chăn nuôi trên cả nước.
Năm 2006, anh Dư đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận độc quyền về giống gà ta mang thương hiệu Minh Dư cung ứng cho thị trường toàn quốc. Uy tín gà giống Minh Dư ngày càng “nổi như cồn”. Ba năm liền 2013, 2014, 2015 giống gia cầm Minh Dư được Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc. Các sản phẩm gà giống MD1-BD, MD2-BD, MD3-BD của công ty cũng được Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam tặng danh hiệu “Sản phẩm vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam lần thứ I/2016”.  
Ứng dụng công nghệ cao và sản xuất
Đến bây giờ, gà giống Minh Dư không chỉ nức tiếng trong nước mà còn được người chăn nuôi ở các nước láng giềng Lào, Campuchia tin dùng. Theo đó, công nghệ sản xuất gà giống của Cty Minh Dư cũng không ngừng được nâng tầm.
Hệ thống ấp trứng hiện đại của Cty Minh Dư
Hệ thống ấp trứng hiện đại của Cty Minh Dư
Nếu như vào năm 1990, trang trại gà giống của Cty Minh Dư còn ấp gà theo phương pháp thủ công bằng những chiếc đèn dầu thì đến năm 1995 đã tiến lên công nghệ ấp bằng máy công nghiệp nhập từ nước ngoài; rồi từ máy ấp công suất nhỏ tiến lên máy công suất lớn.
Đến năm 2000, Giám đốc Lê Văn Dư lại đích thân sang Hà Lan khảo sát và quyết định nhập về một loạt máy ấp và máy nở hiện đại hiệu Parefon, đồng thời nâng cấp chuồng trại với tổng kinh phí lên đến gần 30 tỷ đồng.
Năm 2010, nhà máy ấp trứng của Cty Minh Dư đã sở hữu đến vài chục chiếc máy ấp gồm 3 loại, có công suất từ nhỏ đến lớn, loại thấp nhất ấp được 19.200 quả trứng/lượt, loại trung bình ấp 38.000 quả/lượt và loại cao nhất ấp được 57.600 quả/lượt cùng 6 máy nở có cùng công suất 19.200 quả/lượt.
Tại thời điểm ấy, đàn gà bố mẹ của Cty Minh Dư mới chỉ có 70.000 con, tổng diện tích trang trại chỉ rộng có 7ha nhưng đã được xem là trang trại SX giống gà ta lớn nhất miền Trung. Còn bây giờ, cơ sở SX của Cty Minh Dư đã hoành tráng hơn, từ cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi đến trang thiết bị cho nhà máy ấp trứng. Dây chuyền SX khép kín đồng bộ từ chăn nuôi gà bố mẹ đến SX con giống với 100 máy ấp hiện đại được nhập từ nước ngoài. Cty cũng mở rộng thêm nhiều cơ sở chăn nuôi với tổng diện tích trên 70ha. Năng lực sản xuất của Cty Minh Dư không ngừng tăng cao theo nhu cầu của người chăn nuôi. Hiện Cty có đàn gà giống bố mẹ trên 300 ngàn con, mỗi tháng cung ứng ra thị trường gần 3 triệu gà giống.
“Trong khu chăn nuôi bằng chuồng kín mọi thứ đều tự động, từ thiết bị cho gà ăn, uống đến hệ thống chiếu sáng, điều khiển ẩm độ, nhiệt độ. Nâng tầm quy mô sản xuất là yếu tố tiên quyết để ngày càng nâng cao chất lượng con giống”, anh Dư cho biết.
“Ở Bình Định còn có 1 cơ sở sản xuất giống gà ta có quy mô sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại chẳng kém Cty Minh Dư, đó là Cty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát. Đây là 2 điểm sáng trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bình Định. Mới đây, Cty Cao Khanh được công nhận Top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam năm 2018”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.
An Nhân (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.