Ông bà thời 4.0

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bạn nghĩ khi về hưu mình sẽ làm gì? Ở nhà chơi với con cháu hay sẽ làm những điều mình thích? Bản thân tôi sẽ chọn vế thứ hai. Tại sao ư? Đơn giản là lúc trẻ mình có những mong muốn chưa làm được thì về già sẽ dành thời gian thực hiện chúng.
1. Tôi nhớ mãi câu chuyện trên tờ báo nọ kể về một cô bé lớp 3 học làm văn. Với đề bài: “Kể về một người thân mà em yêu quý nhất”, cô bé miêu tả bà ngoại của mình như sau: “Bà ngoại em có mái tóc tém nhuộm màu vàng. Hàng ngày, bà mặc váy ngắn, mang giày cao gót, đi làm trên chiếc xe máy tay ga…”. Bài văn bị cô giáo cho 4 điểm với lời phê “thiếu thực tế” và không đúng hướng dẫn. Theo cô, bà ngoại là phải tóc dài bạc trắng búi sau gáy chứ không phải tóc tém nhuộm vàng; bà ngoại đi xe đạp hay đi bộ chứ làm sao cưỡi được xe máy tay ga; bà ngoại mặc đồ bộ và mang dép guốc chứ không phải váy ngắn tới đầu gối và giày cao gót…
Câu chuyện phản ánh một cuộc sống rất thực, còn cô giáo thì áp đặt, máy móc dù thực tế đã khác xa với cuốn giáo án cô cầm trên tay. Hiện nay, hình ảnh những người phụ nữ trên 50 ăn mặc sành điệu đã không còn xa lạ nữa; nhiều người đã lên chức bà nhưng rất trẻ trung. 
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
2. Thời đại mới, những người phụ nữ chẳng gói mình trong khuôn khổ nơi góc bếp và những người bà hiện đại lại càng không. Mẹ tôi có thú vui đi du lịch nên bà chẳng nề hà việc phải di chuyển cùng đám trẻ chúng tôi. Bà 70 mà leo núi dai sức ngang chúng tôi. Nhìn bà chơi trò zipline băng qua biển ở Philippines, cả nhóm ai nấy đều thán phục với “sức trẻ” và độ chịu chơi của bà.
Bà nội của con tôi thì khác. Bà không mê du lịch nhưng lại đam mê khiêu vũ, tập gym. Những địa điểm mà giới trẻ thường check-in, bà cũng không bỏ sót. Nhiều khi tôi tạo dáng chụp ảnh cũng không chuyên nghiệp bằng bà. Những lúc rảnh rỗi, bà lại mở nhạc và tập khiêu vũ, lâu lâu lại tụ tập bạn bè đi cà phê hoặc đi dã ngoại chẳng khác gì thanh niên chúng tôi.
Cô cùng trường tôi vừa về hưu thì bảo cô thích học đàn, cô sẽ dành thời gian cho mình để làm nhiều việc mà lúc trẻ chưa thực hiện được. Mới đây, tôi đọc được thông tin rất thú vị: sinh viên lớn tuổi nhất trúng tuyển vào ngành piano (bậc đại học, hệ chính quy) của Trường Đại học Văn Hiến TP. Hồ Chí Minh là một phụ nữ tuổi 63!
3. Cũng đừng nghĩ là các bậc ông bà chậm tiếp thu công nghệ thông tin nhé. Không đâu, bạn chỉ cần hướng dẫn qua một lần là ông bà vào Facebook, Zalo đăng ảnh, kết nối bạn bè cực nhanh. Bạn tôi nhiều lúc vui vui bảo: Làm sao để cai nghiện facebook cho ông bà đây? Giờ làm gì cũng cho lên face. Điện thoại thông minh và mạng xã hội Facebook, Zalo là những thứ biến những ông bà truyền thống trở thành ông bà thời công nghệ 4.0.
Với thời đại mới, nhiều ông bà không còn sống dựa vào con cháu, lấy con cháu làm niềm vui duy nhất của mình nữa. Ông bà cũng có những niềm vui riêng, cuộc sống riêng cần trải nghiệm. Chỉ cần ông bà khỏe mạnh, có niềm vui trong cuộc sống thì con cháu cảm thấy rất hạnh phúc. Đó chính là món quà mà cuộc sống đem lại, bù đắp cho những tháng ngày cơ cực của ông bà trong quá khứ, thời chưa có 4.0.
LÊ VI THỦY

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.