Nuôi gà được giải thưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tốt nghiệp ngành khai thác máy tàu thủy, Trường CĐ Hàng hải I nhưng Trịnh Công Vinh (30 tuổi) lại quyết định về quê nội ở xã An Vinh (H.Quỳnh Phụ, Thái Bình) thuê đất, dựng trang trại nuôi gà, thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trịnh Công Vinh bên lứa gà thịt chuẩn bị được xuất chuồng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG DU
Trịnh Công Vinh bên lứa gà thịt chuẩn bị được xuất chuồng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG DU
Nhớ lại những ngày đầu về quê làm nông, Vinh tâm sự: “Mình thấy anh trai làm trang trại quy mô nhỏ thôi nhưng vất vả, bấp bênh quá nên về làm cùng. Lúc đó, hai anh em chưa định hình được con vật nuôi chủ đạo; giao thông, đường sá còn thô sơ, đi lại rất khó khăn; nguồn vốn thì chưa biết phải xoay xở ra sao”.
Được UBND xã An Vinh tạo điều kiện cho đấu thầu khu đất chiêm trũng, cấy lúa kém hiệu quả từ quỹ đất 5% của địa phương, Vinh mạnh dạn bàn với bố mẹ và anh trai nâng quy mô trang trại của gia đình từ 0,72 ha đất thuê ban đầu lên gần 2 ha đất chuyển đổi.
Thế nhưng khu canh tác, chăn nuôi mà gia đình Vinh nhận từ UBND xã An Vinh lại cách xa khu dân cư, gần như nằm biệt lập tít tận cuối cánh đồng thôn An Lạc 1.
Nghĩ là làm, vướng thì gỡ, đến năm 2016, Vinh đã dùng hết các mối quan hệ để vay mượn được 100 triệu đồng tiền vốn ban đầu. 60 triệu đồng Vinh dùng vào việc đổ đường bê tông dẫn vào trang trại, 40 triệu đồng còn lại để xây dựng chuồng trại, mua con giống, cây giống.
Bên cạnh việc chọn gà thịt là con vật nuôi “át chủ bài”, chàng trai 9X này còn thuê người đào ao, thả các loại cá truyền thống như trôi, trắm, chép, mè. Khu vườn còn lại, Vinh trồng cây mít Thái lấy quả, trồng cỏ nuôi cá.
Vinh vừa làm vừa tự mày mò học hỏi, từ kỹ thuật nuôi, chăm sóc gà đến lo đầu ra cho các sản phẩm cây nhà lá vườn của mình. Đến nay, chàng thanh niên này đã sở hữu 5 dãy chuồng nuôi gà với diện tích khoảng 400 - 500 m2 mỗi dãy, 2 ao nuôi cá lớn và hàng ngàn mét vuông trồng cây mít Thái.
“Tùy tình hình, sức cầu của thị trường, mình nuôi gối trung bình cứ khoảng 1 tháng rưỡi lại gây lứa gà mới. Mỗi lứa như vậy mình mua khoảng 2.000 con giống từ Hà Nội, khi gà con được khoảng 1 tháng rưỡi tuổi thì thả ra sân cát để chúng chơi, đi lại, tối lùa vào chuồng. Khi gà đạt 2 tháng rưỡi tuổi trở đi, đến lúc được xuất chuồng là 4 tháng tuổi thì mình thả gà hoàn toàn ra sân cát. Thời điểm cao điểm nhất trong trang trại có khoảng 20.000 con gà từ bé đến lớn”, Vinh kể.
Tiếng lành đồn xa, gà của Vinh cứ đến độ xuất chuồng là có thương lái tìm đến tận trang trại mua, hoàn toàn không phải đem ra chợ hay giao vào nhà hàng, quán ăn. Gà ri lai lúc xuất chuồng có trọng lượng dao động từ 2,5 - 3,5 kg/con, bán tại chuồng đạt từ 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Năm 2019, Vinh xuất được trên dưới 70 tấn gà thương phẩm chủ yếu cho thị trường Thái Bình. Ngoài ra, thương lái còn đưa sản phẩm sang Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vinh nuôi ít hơn, do đó chỉ xuất chuồng được trên 50 tấn gà.
Vinh khoe: “Năm 2019, trừ tất cả chi phí, tiền lời thu được từ bán gà, cá, mít của mình được khoảng gần 1 tỉ đồng. Năm 2020 có kém hơn, chỉ được khoảng 600 triệu đồng. Hy vọng năm nay mọi thứ sẽ khởi sắc hơn”.
Với những thành tích tiêu biểu, Vinh là một trong 56 thanh niên xuất sắc trên toàn quốc vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020 của T.Ư Đoàn.
Theo Nguyễn Trung Du (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.