Nuôi cá nước lợ trong... nước ngọt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ đầu hẻm 1991 Lê Văn Lương, chúng tôi men theo con đường ngoằn ngoèo hơn 1 km mới đến được mô hình nuôi cá nước lợ của anh Đặng Phát Cường (23 tuổi, ở ấp 4, xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè, TP.HCM).

Đặng Phát Cường tư vấn cách nuôi cá nước lợ trong hồ kiếng nước ngọt cho khách hàng
Đặng Phát Cường tư vấn cách nuôi cá nước lợ trong hồ kiếng nước ngọt cho khách hàng



Nói về ý tưởng thực hiện mô hình này, Cường chia sẻ: “Xuất phát từ đam mê nuôi cá với lại mình thấy nước lợ cũng có khá nhiều loại cá độc đáo mà tại sao không ai làm nên mình quyết định tiên phong làm mô hình này. Thế là mình dành dụm được một khoản tiền bắt tay vào thiết kế các hồ kiếng thí nghiệm nuôi cá nước lợ làm sao có thể sống và sinh sản được trong môi trường nước ngọt để bán cho người nuôi cá kiểng”.

Theo anh Cường, do nhà ở gần sông, nên điều kiện rất thuận lợi để thí nghiệm mô hình này, bởi trong quá trình pha nước lợ với nước ngọt, nếu chẳng may phát hiện cá bị sốc nước thì chúng ta có thể kịp thời cứu chữa được.

Cường cho biết thời gian đầu nuôi 2 loại cá, đó là cá thòi lòi và cá bống mắt tre. Theo Cường, thòi lòi là loại cá độc lạ, dễ gây sự chú ý cho người khác bởi những tập tính mà gần như đa số các loại cá khác không có được. Nó có thể leo cây, leo qua cả hồ kính, nhảy linh hoạt trên mặt đất mà chắc chắn là khó có loài cá nào làm được. Thêm một cái độc đáo nữa là nó săn mồi trên cạn lẫn dưới nước. Còn cá bống mắt tre thì sở hữu màu sắc khi trưởng thành không hề thua kém các loại cá cảnh khác. Chính vì điều này mà những người sành chơi cá kiểng thích nuôi.

Chia sẻ kinh nghiệm về nuôi cá nước lợ trong môi trường nước ngọt, Cường cho rằng: “Người nuôi cần phải hiểu rõ về loại cá đó trước khi tiến hành chuyển cá từ môi trường nước lợ sang nuôi ở môi trường ngọt. Khó nhất là giai đoạn thuần nước, vì lúc đầu nếu chúng ta pha tỷ lệ nước ngọt nhiều quá, cá nước lợ chưa quen với môi trường nước ngọt sẽ bị sốc và chết ngay”.

Hiện tại Cường mở rộng nuôi thêm các loại cá khác như: cá hải long, cá lìm kìm, cá nâu, cá cao xạ pháo, cá nóc; cua nhện và một số loại tép, với số lượng tổng cộng lên đến hơn 10.000 con các loại. Tất cả đều bán tính theo đơn vị từng con. Giá cá thòi lòi thấp nhất cũng 10.000 đồng/con, còn cá hải long thì giá trung bình 100.000 đồng/con. “Hiện tại khách hàng của mình không chỉ ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, ĐBSCL, mà đã vươn ra các tỉnh, thành ở miền Trung và phía bắc như: Tuyên Quang, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng”, Cường cho hay.

Đánh giá về mô hình này, anh Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN H.Nhà Bè, cho biết: “Đây là mô hình thanh niên phát triển kinh tế nông thôn rất độc lạ, hoàn toàn mới ở địa phương. Để làm được điều này không hề đơn giản, chứng tỏ Cường đã tìm tòi, nghiên cứu rất kỹ. Đây được xem là mô hình làm ăn có lợi nhuận cao cho thanh niên nông thôn ở các vùng sông nước có thể học hỏi, nhân rộng, làm giàu ngay trên mảnh đất nhà nông của mình”.

Lê Thanh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.