“Nữ tướng” giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Nhiều lần ngồi khóc rưng rức giữa rừng, đôi lúc có ý định tìm công việc khác an nhàn hơn, nhưng rồi những “nữ tướng” giữ rừng vẫn kiên cường bám trụ với nghề. Vượt qua ánh nhìn nghi ngại “phụ nữ làm công việc của nam giới”, họ vững vàng trước bao thử thách, trở thành nữ lãnh đạo hiếm hoi của ngành lâm nghiệp địa phương.

Những niềm riêng

Một lần vào Gia Lai thăm gia đình anh trai, tình cờ trúng đợt tỉnh có nhu cầu tuyển dụng, thế là cô gái trẻ Vũ Thị Kim Thanh (quê Nam Định) nộp đơn rồi gắn bó với nghề giữ rừng gần 14 năm nay. Hiện chị là Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê.

Chuyến đi dài ngày theo chân những đấng mày râu tham gia công tác tuần tra, bảo vệ rừng là thử thách đầu tiên của cô gái trẻ tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố (huyện Ia Pa). Dừng bước trước con sông Ba rộng lớn, chị Thanh từng nghĩ rằng, công việc mình đang làm chỉ thích hợp với nam giới. Chị nói đùa: “Tôi tuổi mèo nên rất nhát nước”. Nhiều lần đặt chân xuống, chị lại nhấc chân lên, đứng nhìn dòng nước cuộn chảy. Nhưng không còn đường lùi. “Nước ngập tới đầu gối rồi đến ngang ngực. Được các đồng nghiệp dìu từng bước và không ngừng động viên, vậy mà tôi vẫn tưởng như mình không thở nổi vì sợ. Khi lội được qua sông, tôi mới thở phào nhẹ nhõm và tự tin nghĩ chẳng còn thử thách nào có thể khuất phục được mình”-chị Thanh nhớ lại.

Chị Phan Thị Kiều Hạnh (người đi đầu)-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn

Chị Phan Thị Kiều Hạnh (người đi đầu)-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn

Cho đến tận bây giờ, chị vẫn ngạc nhiên vì sao mình có thể trụ vững đến ngày hôm nay trước bao thử thách khắc nghiệt, từ những bỡ ngỡ, lạ lẫm với chuỗi ngày “ăn rừng ngủ lán” cùng cánh nam giới đến những khó khăn trong sinh hoạt những lúc tuần tra bảo vệ rừng. Chỉ sau vài tháng, chị đã vượt qua bao ngọn núi, xuyên qua những cánh rừng già nơi đây. Khi thử thách công việc không còn là nỗi lo thường trực thì lại đến chuyện gia đình, con cái. Chồng chị cũng là nhân viên bảo vệ rừng nhưng ở Chư Sê, còn chị thì ở tập thể tại đơn vị. Mỗi người một nơi. Năm 2011, khi chị sinh con đầu lòng, mẹ chồng phải xuống chăm cháu hơn 1 năm. Sau 4 tháng ở cữ, chị vẫn thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng nhưng đi-về trong ngày. “Lúc đó, tôi suy nghĩ rất nhiều. Xa nhà, con nhỏ, điều kiện sống khó khăn. Đi làm trong tâm trạng lo lắng con khóc, con đau nên rất áp lực; rồi nghĩ đến đồng lương chi tiêu không đảm bảo cuộc sống. Đến năm 2013, tôi được chuyển công tác về gần nhà ở Chư Sê thì mới bớt khó, bớt khổ”-chị Thanh chia sẻ.

Vượt qua bao thử thách, chị Phan Thị Kiều Hạnh-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch (huyện Chư Prông) trở thành 1 trong 2 nữ lãnh đạo hiếm hoi của ngành lâm nghiệp tỉnh. Năm 2009, tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, chị Hạnh có việc làm ổn định tại Văn phòng UBND huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Chỉ hơn 1 năm sau, chị quyết định về lại Gia Lai vì công việc khi ấy trái với ngành học. Cô gái trẻ nhà ở xã Ia Tôr (huyện Chư Prông) được bố trí về làm công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng tại địa bàn xã Ia Púch, cách nhà gần 40 km. Đã lường trước mọi khó khăn, vậy mà chị vẫn không ít lần rơi nước mắt. Chị Hạnh kể lại kỷ niệm không bao giờ quên: Một lần băng rừng trong đêm tối, chị mệt quá nên bị tụt dần lại phía sau và lạc giữa rừng núi hoang vu. Trong bóng đêm đầy những hiểm nguy rình rập, cô gái trẻ nước mắt lã chã. Phải đến vài tiếng đồng hồ sau, chị mới được đồng nghiệp tìm thấy.

Những lúc tuần tra bảo vệ rừng, làm công tác chuyên môn tại cơ quan, Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch Phan Thị Kiều Hạnh còn đảm nhiệm việc nấu ăn cho một số anh em ở cơ quan. Ảnh: Minh Nguyễn

Những lúc tuần tra bảo vệ rừng, làm công tác chuyên môn tại cơ quan, Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch Phan Thị Kiều Hạnh còn đảm nhiệm việc nấu ăn cho một số anh em ở cơ quan. Ảnh: Minh Nguyễn

“Đàn ông đi rừng đã vất vả, nữ giới lại càng cực nhọc hơn, chưa kể phải lo toan, quán xuyến công việc gia đình. Khi tôi sinh con gái đầu lòng thì khó chồng thêm khó”-chị Hạnh chia sẻ. Hết chế độ thai sản, chị đành lòng xa con, tiếp tục công việc giữ rừng. Việc chăm sóc con nhỏ đều phải trông cậy vào ông bà ngoại, bởi chồng chị cũng là nhân viên giữ rừng tại huyện Chư Sê. Tất tả chạy đi chạy về chăm con, những lúc có việc đột xuất mà nhận được tin con ốm, chị cũng đành nuốt nước mắt vào lòng. Vợ chồng mỗi người một nơi, chỉ gặp nhau vào dịp cuối tuần. Đến giờ, con gái đã học lớp 2 mà họ vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện sinh thêm đứa thứ 2.

Tận tâm với công việc, những dấu chân của chị Hạnh đã in khắp những cánh rừng, ngọn núi khu vực biên giới rộng lớn với diện tích lên đến hơn 13.000 ha. Cứng rắn là thế, nhưng mỗi lúc về nhà, thấy con gái đòi theo mẹ đi làm, muốn mẹ chở đi học là chị cay cay nơi khóe mắt. “Thấy tuổi thơ của con chịu nhiều thiệt thòi, thiếu sự yêu thương trọn vẹn của cha mẹ mà xót xa. Nhiều lúc, mình cũng nghĩ đến việc ra ngoài làm để gần con hơn, nhưng công việc níu chân, rồi lại thôi”-chị Hạnh rưng rưng.

Trăn trở với nghề

Chuyện trò với 2 “nữ tướng” giữ rừng, chúng tôi không khỏi thán phục trước những cống hiến thầm lặng của họ, dù thu nhập chưa tương xứng. Gắn bó với nghề giữ rừng ở khu vực biên giới hơn 12 năm nay nhưng lương và phụ cấp của chị Hạnh chỉ khoảng 8 triệu đồng, còn chồng chị thì chỉ hơn 5 triệu đồng. Tính chi phí xăng xe đi lại, ăn uống thì mỗi tháng chẳng dư được bao nhiêu, đến giờ cả hai vẫn chưa có được mái nhà riêng. Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch trải lòng: “Nhiều lúc cũng chạnh nghĩ nhưng may mắn được gia đình hai bên ủng hộ, thấu hiểu công việc nên vợ chồng tôi vẫn dặn nhau tiếp tục cố gắng. Dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng, chế độ đãi ngộ, phụ cấp quá thấp cũng ảnh hưởng phần nào đến công việc. Tôi mong muốn có sự hỗ trợ, quan tâm đặc biệt để lực lượng giữ rừng yên tâm làm nhiệm vụ”.

Hoàn cảnh của gia đình chị Thanh cũng không khá hơn khi thu nhập của hai vợ chồng cộng lại chỉ được hơn 11 triệu đồng/tháng. Bấy nhiêu làm sao đủ cho biết bao khoản chi tiêu trong gia đình. Chị Thanh trăn trở: “Vợ chồng phải bảo nhau “liệu cơm gắp mắm”. Thật ra, nếu đặt lên bàn cân gánh nặng cơm áo gạo tiền với mức thu nhập này thì chẳng mấy ai muốn làm. Nhưng nếu ai cũng bỏ việc vì lương thấp, rồi bảo việc khó không làm thì lấy ai bảo vệ rừng?”. Trong khi đó, áp lực công việc ngày một lớn, tình trạng lấn chiếm đất rừng ngày càng tinh vi. Là lãnh đạo cơ quan, chị luôn tự động viên mình cũng như anh em cố gắng, đã theo nghề thì quyết tâm bám trụ với nghề. “Thu nhập của nhiều anh em ở đây không đảm bảo cuộc sống, tiền xăng xe tuần tra đã ngốn hết chi phí rồi, nói gì đến việc hỗ trợ gia đình, chăm lo con cái. Hiện một số cơ chế, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn nhiều bất cập như: thiếu chế độ đãi ngộ, tiền lương thấp; biên chế lực lượng bảo vệ rừng mỏng, thiếu chức năng đấu tranh, phòng ngừa vi phạm… Những vấn đề này cần sớm được điều chỉnh”-chị Thanh kiến nghị.

Chị Vũ Thị Kim Thanh-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê bên gia đình. Ảnh: Minh Nguyễn

Chị Vũ Thị Kim Thanh-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê bên gia đình. Ảnh: Minh Nguyễn

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Hoan thừa nhận: Việc thiếu hụt nhân lực đang khiến cho nhiệm vụ giữ rừng gặp nhiều khó khăn. Ngành Nông nghiệp cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ chân lực lượng bảo vệ rừng, nhưng chủ yếu mang tính động viên và tình thế. “Chúng tôi thấu hiểu khó khăn này nên cũng hết sức tạo điều kiện trong việc luân chuyển cán bộ công tác ở vùng xa về gần hơn với gia đình, giúp họ yên tâm công tác, chăm lo con cái học hành. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh kiến nghị sửa đổi chính sách, tăng thêm phụ cấp, thu nhập cho đội ngũ bảo vệ rừng chuyên trách. Chính sách thay đổi thì mới thu hút được đội ngũ nhân lực bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng”-ông Hoan khẳng định.

*

Bóng chiều ngả dần xuống cánh rừng già, soi bóng người phụ nữ áo xanh đếm bước vững chãi trên lối mòn. Hình ảnh ấy chợt khiến chúng tôi day dứt mãi. Thương những người phụ nữ vì trót yêu rừng mà cống hiến tuổi xuân thầm lặng, giữ cho rừng xanh tươi.

Ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê: “Địa hình rộng, bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu là thách thức không nhỏ đối với nữ cán bộ bảo vệ rừng. Khi phân công nhiệm vụ, chúng tôi cũng rất trăn trở, nhưng trên thực tế, các chị làm việc hiệu quả không thua kém nam giới; không quản khó, ngại khổ tiếp cận công việc, trau dồi năng lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Nhờ sự khéo léo, mềm dẻo, linh hoạt của các chị trong công tác tuyên truyền đã góp phần hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy”.

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.