Nữ thủ lĩnh vùng cao và giấc mơ tour du lịch 199.000 đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

199.000 đồng thì làm được gì? Nếu ở một vài nơi, chắc chỉ đủ ăn sáng, cà phê ở quán bậc trung. Nhưng ở miền sơn cước Quảng Trị, đó là giá của một tour du lịch trải nghiệm đầy thú vị...
 

Chị Hồ Thị Thương, tác giả tour du lịch 199.000 đồng - Ảnh: Thanh Lộc
Chị Hồ Thị Thương, tác giả tour du lịch 199.000 đồng - Ảnh: Thanh Lộc



Người đưa ra ý tưởng về tour du lịch trải nghiệm giá rẻ ấy là chị Hồ Thị Thương, 34 tuổi, một người Vân Kiều và là đương kim Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tà Long (H.Đakrông, Quảng Trị). Bất ngờ hơn, ý tưởng trên đã đoạt giải đặc biệt của cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2019 do Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức.

Sinh ra trong một gia đình vùng cao có tới 7 anh chị em, lại mồ côi cha nên sau khi tốt nghiệp THPT, chị Thương gác lại chuyện học tập để phụ mẹ cáng đáng gia đình. Để có tiền, chị từng phải dứt áo rời xa bản làng đi làm thuê xa xứ. Sau đó chị nhận ra rằng, chỉ có việc học mới giúp mang lại một tương lai tốt đẹp nên đã về Đông Hà đăng ký lớp trung cấp nông nghiệp. Sau đó, chị làm cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Tà Long và đến năm 2008 thì được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã này.

Trong những chuyến xuôi ngược đem nông sản quê hương đến mọi miền, được mọi người tranh mua, ngợi khen, trong đầu người phụ nữ Vân Kiều bỗng lóe lên câu hỏi: “Tại sao thay vì mang những đặc sản vùng cao về miền xuôi, mình không đưa khách hàng lên tận nơi, thưởng thức tại chỗ những món ăn, thức uống ấy và cho họ trải nghiệm không gian núi rừng, sông suối?”.

Và chính câu hỏi đó là cội nguồn ý tưởng khởi nghiệp của chị Thương.

Tại sao là 199.000 đồng/tour mà không phải bất kỳ con số nào khác, tròn trịa hơn? “Chúng tôi không đặt nặng lợi nhuận nhưng tôi nghĩ rằng, số tiền đó không quá lớn để khách phải đắn đo khi lên với Tà Long nhưng cũng không quá nhỏ để chúng tôi phục vụ khách một cách... không công”, chị Thương lý giải.

Chị Thương kể, ý tưởng về tour du lịch trải nghiệm quê hương đã được chị thai ngén gần 4 năm trời, nhưng chưa dám công bố vì sợ thất bại và sợ sự phản đối của người dân. Nhưng chị đã nhầm.

Ngay khi chị trình bày ý tưởng, đã có rất nhiều bè bạn, chị em... ủng hộ. Phấn khởi, chị Thương nhanh chóng xây dựng tận 2 tuyến du lịch. Tuyến thứ nhất là thăm suối Pa Ca ở bản Pa Hy với các hoạt động đến nhà sàn, làm bánh beng, tắm thác Raa Po. Tuyến thứ hai thăm suối Tà Lao với trải nghiệm bắt cá trên suối rồi nướng ăn tại chỗ và hóa thân thành người con Vân Kiều bằng những tấm áo truyền thống rồi chụp hình “sống ảo”. “Dọc 2 tuyến đó, mình lồng ghép để khách có thể ghé thăm những hộ gia đình có làm và bán các sản phẩm ăn uống, may mặc, đan lát truyền thống để du khách có thể mua về làm kỷ niệm hoặc làm quà tặng”, chị Thương nói.

Sau khi chuẩn bị đâu vào đấy, đầu năm 2019, chị Thương cùng chị em phụ nữ xã Tà Long mở tour du lịch 199.000 đồng đầu tiên phục vụ du khách miền xuôi. Tính đến nay, đã có lần lượt 8 đoàn khách với hàng trăm thành viên đến với Tà Long theo sự dẫn đường của vị cán bộ hội phụ nữ trẻ tuổi này.

Ngày chị Thương trở về cùng tấm bằng chứng nhận giải đặc biệt cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, nhiều người dân Tà Long đến chúc mừng tận nhà. Họ vui vì biết rằng có một cô gái nhỏ vẫn đang từng ngày, từng giờ đem quê hương đến gần với mọi người hơn. Chị Thương cũng tiếp tục không làm cho mọi người thất vọng khi cho biết sẽ dồn toàn bộ số tiền thưởng để làm vốn cho tour du lịch.

 

Nguyễn Phúc (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.