Từng là sinh viên Đại học Thương mại, nhưng từ khi bập vào yêu, lại yêu nhầm gã giang hồ, đàn em Phúc "bồ", cuộc đời của Hoài A. thực sự bước vào khúc ngoặt mới mà đến nằm mơ, cô cũng không thể ngờ tới.
Giờ đây, đang cải tạo bản án 9 năm tù về tội trộm cắp tài sản; chồng và con thứ hai đã chết vì căn bệnh thế kỷ, bản thân cũng đang mang trong người căn bệnh này, Nguyễn Thị Hoài A. (SN 1981 ở thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) bảo rằng chỉ còn đứa con lớn đang ở với bà ngoại là lành lặn, khỏe mạnh nên dù có thương con, yêu con đến mấy cô ta cũng chỉ biết dõi theo con mà thôi…
Sa ngã vì ham chơi
Dù mang trọng bệnh nhưng Hoài A. vẫn giữ được dáng người thon thả và nước da mịn màng. Mái tóc tém cùng những đường nét đã được chăm chút như môi xăm, mắt xăm càng khiến gương mặt trái xoan của Hoài A. thêm nổi bật. Giữa những đường nét thanh tú ấy, chỉ có đôi mắt là khắc khoải.
"Em vào đây được 4 năm rồi, thời gian ở trại cũng không còn dài nữa nên ngay từ bây giờ phải nghĩ tới chuyện sau này ra trại. Khả năng là em sẽ không về nhà mà đi đâu đó tìm một công việc phù hợp. Con có thể sang nước ngoài với các bác", Hoài A. nói rồi khẽ quay đi. Cô không khóc mà chỉ đơn giản là không muốn ai nhìn thấy gương mặt của mình lúc đó. Hoài A. bảo ngày mới vào trại còn nghĩ ngợi nhiều chứ hai năm nay, cô chỉ mong sao đừng ốm để ngày ngày đi làm.
"Số phận đã định đoạt rồi nên có ước ao, dự định gì thì điều đầu tiên là mong được khỏe mạnh đến ngày trở về", Hoài A. tâm sự. Cô mong mỏi cuộc sống sau này của mình không làm ảnh hưởng tới tương lai đứa con trai duy nhất còn lại.
Theo lời kể của nữ phạm nhân này thì cô là con gái út trong một gia đình có 6 anh chị em. Út ít nên được cưng chiều song Hoài A. cũng là người con thông minh nhất nhà. Học hết phổ thông, cô thi đỗ vào Đại học Thương mại và trở thành niềm tự hào, hãnh diện của cả gia đình. Oan trái thay, cô nữ sinh có gương mặt trái xoan ngày đó lại sớm kết thúc con đường học hành của mình chỉ vì yêu nhầm người.
Hoài A. bảo năm thứ nhất cô học hành chăm chỉ, ngày ngày chỉ biết lên thư viện đọc sách và chỉ ra cổng trường mỗi khi phải cần thiết mua một thứ gì đó. Đến năm thứ hai, khi mà đã thạo việc đi xe bus trong thành phố, Hoài A. bắt đầu yêu. Người yêu đó, trớ trêu thay lại là một đàn em của Phúc "bồ", học ít hơn chơi nhưng được tính ga lăng bù lại.
Sự từng trải của người yêu đã khiến một con mọt sách như Hoài A. choáng ngợp khiến cô lao vào yêu như thiêu thân. Từ người yêu, cô bắt đầu biết đi hát, đến quán bar và uống rượu và sau này là bập vào ma túy. Những cuộc ăn chơi đàn đúm với rượu và thuốc lắc đã biến Hoài A. thành một người khác hẳn. Không có hoài bão, tương lai, cô bỏ học khi đang học dở dang năm thứ 2 và bắt đầu cuộc sống bất cần.
1 năm sau cô sinh con trai đầu lòng và để có tiền thỏa mãn cơn nghiện ma túy, Hoài A. đã không từ bỏ bất cứ một công việc nào, miễn là có tiền. Trong số những việc làm đó, cô nhiều lần bị bắt vì tội trộm cắp tài sản. Lần thì bị bắt vì móc túi người đi đường, lần khác thì trộm đồ của người tới bệnh viện. Thậm chí có lần Hoài A. còn mò vào tận nhà người dân trộm điện thoại và ví tiền.
Những bản án vài tháng tù cứ chất đống vì cô đang mang thai rồi nuôi con nhỏ, chưa thể thi hành nhưng cô vẫn tiếp tục phạm tội. Lần cuối cùng vào đầu năm 2015, Hoài A. bị bắt khi đứa con đã hơn 36 tháng tuổi và 9 năm tù là khoảng thời gian cô phải trả cho gần chục bản án được tuyên trước đó, còn nợ.
Hỏi Hoài A. kể rằng ngày mới bập vào yêu, lại yêu đúng người từng trải nên những cử chỉ của người yêu đã khiến cô đi từ bất ngờ này đến ngưỡng mộ khác. Lắm lúc cô ngỡ mình như bà hoàng, được săn đón, được cưng chiều, được cung phụng. Hoài A. bảo giá như cô đừng quá đam mê, đừng quá bị lôi kéo vào những cuộc chơi và nhất là đừng thử một lần cho biết khi được gạ dùng ma túy thì biết đâu cuộc đời cô không bi đát như bây giờ.
"Em vào trại được gần một năm thì nhận được tin chồng và con chết", Hoài A. kể. Cô không hề giấu giếm khi cho biết nguyên nhân khiến hai người thân của mình yểu mệnh là vì căn bệnh thế kỷ.
Sẽ không làm ảnh hưởng cuộc sống của con
Tôi gặp Hoài A. khi cô tham gia cuộc thi "Tuyên truyền nội quy trại giam, nếp sống văn hóa trong phạm nhân nữ". Trong vai bà mẹ, cô tỏ ra chững chạc với mái tóc cắt ngắn đã ngả hoa râm vì được vuốt bọt trắng. Hoài A. bảo khi vào vai bà mẹ đi thăm con ở trại giam, cô như thấy hình ảnh mẹ mình trong đó nên cảm nhận được những đau đớn, xót xa mà mẹ mình đã trải qua.
Từ khi vào trại giam, biết được căn bệnh mà mình đang mang, Hoài A. đã rất tuyệt vọng nên nhiều lần vi phạm nội quy. Nhất là từ khi nhận được tin về cái chết của chồng, của con thì cô chẳng tha thiết gì sống nữa. Nhưng rồi những lời tâm tình của mẹ, sự quan tâm của chị gái qua những gói qùa và nhất là những bức thư chứa chan tình cảm của cậu con trai đang học lớp 9 đã khiến người mẹ mang căn bệnh thế kỷ sực tỉnh.
Cô nhận ra rằng cuộc đời mình chưa phải đã đặt dấu chấm hết. Cô còn mẹ, còn đứa con trai để quan tâm, chia sẻ và đó cũng là nguồn động viên, là động lực để cô tiếp tục cuộc sống. Hoài A. bảo cô vẫn còn may mắn vì cậu con trai không mắc bệnh của bố mẹ và điều may mắn nữa là cô có anh chị đang lao động ở nước ngoài, đồng ý nhận nuôi con trai Hoài A. sau khi học xong.
"Anh chị ấy đồng ý rồi, chỉ chờ con em học xong phổ thông là em sẽ làm thủ tục cho cháu ra nước ngoài. Sang đó, cháu sẽ có một cuộc sống tốt hơn, có tương lai hơn và cuộc sống của em sau này sẽ không làm ảnh hưởng đến cuộc đời của con nữa. Đó là điều em mừng nhất", Hoài A. kể.
Hỏi cô tại sao lại nhận vai diễn bà mẹ thăm con gái đi tù, Hoài A. khẽ khàng: "Sau cái chết của chồng con, em suy nghĩ nhiều lắm, nuối tiếc, ân hận. Rồi một ngày em chợt nghĩ nếu cứ sống thế này chắc mình sẽ chết ở trại giam. Khi đó thì chết rồi vẫn mang án tù. Nếu thế thì không được. Em nghĩ mình phải sống để trở về, em còn đứa con nữa đang mong chờ cho dù mẹ con chỉ nghe được giọng nói của nhau nhưng như thế vẫn còn hơn là chẳng còn gì".
Sau những giằng xé nội tâm, Hoài A. đã làm một việc mà trước đó chưa hề làm đó là sống tự giác hơn và chăm chỉ lao động. Cô còn khiến quản giáo và các bạn tù ngạc nhiên khi lần đầu tiên xin được tham gia diễn văn nghệ với tiết mục hát chầu văn đúng dịp trại tổ chức nhân ngày quốc tế phụ nữ.
Từ một người hay vi phạm nội quy, Hoài A. cải tạo tốt hơn, còn tham gia hướng dẫn những người mới vào trong việc chấp hành nội qui, nề nếp sinh hoạt. Cô bảo sau lần đi hát chầu văn, Hoài A. còn tham gia nhiều tiết mục văn nghệ nữa nhưng đây là lần đầu tiên cô đóng vai mẹ một nữ phạm nhân.
"Khi nhận vai này, em mất một tháng tập đi tập lại mới nói trôi chảy được vì mỗi lần diễn, em lại thấy hình ảnh mẹ trong đó nên không sao cất lên lời. Mỗi khi định nói, cổ họng nghẹn tắc vì thương mẹ. Em lại khóc nên phải dừng buổi tập lại", Hoài A. nói.
Hỏi về gia đình nhà chồng, cô cười buồn khẽ lắc đầu. Với cô bây giờ, chỉ còn mẹ già, con trai và anh chị là những người luôn bên cô cả những khi hoạn nạn, khó khăn nhất. Cô không muốn nhắc đến gia đình chồng bởi từ ngày chồng cô chết, họ đã không một lần liên lạc, thậm chí việc thăm hỏi con trai cô cũng không bao giờ.
"Em sinh cháu đầu sau một năm bỏ học. Đưa con về gửi bà ngoại, em tiếp tục xuống Hà Nội, đắm chìm trong những cuộc chơi rồi dính bệnh lúc nào không biết. Chồng dính bệnh, con sinh ra cũng mắc bệnh, chúng em đã giấu gia đình đến khi không thể giấu được nữa. Thế nên với gia đình bên nội, em như người xa lạ, một kẻ qua đường. Cũng may là mẹ em và các anh chị đã không bỏ rơi mẹ con em", Hoài A. kể.
Cô cho biết cậu con trai đầu may mắn không dính bệnh vì sống xa bố mẹ từ nhỏ và chính vì thế mà dù rất nhớ con song cô quyết định sẽ không ở bên con để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của đứa con này.
"Chẳng có người mẹ nào muốn bỏ con mình. Em cũng là đàn bà, cũng mong được ôm con vào lòng, vuốt ve, chăm sóc. Nhưng hoàn cảnh lúc đầu không thể nuôi con vì chưa có việc làm, sau đó cuộc sống không ổn định cứ cuốn đi khiến em bỏ bê con. Sau này ra trại, dù con em có ra nước ngoài sinh sống thì chưa chắc em đã về nhà. Em không muốn làm liên lụy tới người thân. Họ đã khổ vì em quá nhiều rồi", Hoài A. nói.
Nhìn ánh mắt u uẩn, đầy khắc khoải của người đàn bà này, tôi tin đó là lời nói thật.
Theo Báo CAND/NLĐO