'Thế hệ cợt nhả' là gì mà phủ sóng khắp mạng xã hội?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cụm từ "thế hệ cợt nhả" xuất hiện trong vô số bài đăng, clip, ảnh, meme trên mạng xã hội như một cách tự trào của những người trẻ muốn thoải mái hơn trong giao tiếp.

Hết giờ hành chính, Mai Chi (26 tuổi, Hà Nội, làm trợ lý dự án) đăng lên TikTok clip mình mua nước ép trái cây có trân châu tặng sếp 50 tuổi, kèm dòng chú thích: "Khi thế hệ cợt nhả biếu quà chị sếp".

Một tài khoản lạ gửi bình luận có phần tiêu cực: "Đúng là thế hệ cợt nhả, đi làm cũng không thể nghiêm túc". Chi không lấy đó làm phiền lòng mà coi đó như một lời khen.

Cô giải thích: "Cụm từ 'thế hệ cợt nhả' mới nổi trong cộng đồng các bạn trẻ gen Z (sinh năm 1996 - 2011) thời gian gần đây. Đầu năm 2025, khi nhiều bạn bắt đầu gia nhập thị trường lạo động, mọi người đùa nhau rằng thế hệ cợt nhả chính thức đi làm. Đây như một cách nói tự trào để phong cách sống trẻ trung, thoải mái và ít nghiêm túc hơn".

Thời gian gần đây, khi lướt qua các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook hay X, người dùng dễ dàng bắt gặp cụm từ “thế hệ cợt nhả” trong các bình luận, bài viết hay những đoạn video ngắn. Bắt nguồn từ một số clip hài hước trên TikTok, cụm từ này dần trở thành một "hiện tượng văn hóa mạng", được giới trẻ Việt Nam sử dụng rộng rãi.

Các nhóm liên quan đến cụm từ "Thế hệ cợt nhả" thu hút hàng chục nghìn lượt tham gia. (Ảnh chụp màn hình)

Các nhóm liên quan đến cụm từ "Thế hệ cợt nhả" thu hút hàng chục nghìn lượt tham gia. (Ảnh chụp màn hình)

Theo định nghĩa trong các từ điển, "cợt nhả" có nghĩa là trêu đùa một cách sỗ sàng, không đứng đắn. Tuy nhiên, các bạn trẻ đang dùng từ này với nghĩa khác, chỉ cách giao tiếp, hành động thoải mái, hài hước và đôi khi là vô tư trong cuộc sống hàng ngày.

Cụm từ "thế hệ cợt nhả" dùng để mô tả những người trẻ phóng khoáng, vui vẻ, không ngại thể hiện bản thân, chủ yếu là trong công việc. Cụm từ này thường được sử dụng trong tình huống các bạn trẻ tự trào và trêu đùa người xung quanh. Có thể lấy ví dụ từ các status thịnh hành trên mạng như: "Tiệm mỳ 3 đời sắp khai trương, tôi là thế hệ cợt nhả và cũng là đời đầu tiên"; "Khi thế hệ cợt nhả làm bác sỹ: Bệnh án này chưa wow lắm nhỉ?"; "Thế hệ cợt nhả cúng gà rán trong ngày rằm"...

Đinh Văn Sơn (24 tuổi, Hà Nội) mới đi làm được hai năm, vẫn chưa thích nghi hoàn toàn với phong cách làm việc nghiêm túc ở công sở. Anh thường hài hước trêu chọc những người xung quanh để không khí bớt căng thẳng. Sơn tự nhận mình là "thế hệ cợt nhả" tại nơi làm việc.

"Cụm từ này không mang hàm ý tiêu cực hay chỉ trích sự thiếu nghiêm túc của người trẻ trong các vấn đề quan trọng như học tập, công việc và các giá trị truyền thống. Cách gọi này mang đến hiệu ứng tích cực, giống như khi một sự việc nghiêm trọng xảy ra, thay vì bàn luận nặng nề, nhiều bạn trẻ chọn cách pha trò để giảm bớt căng thẳng", Sơn nói.

Nhiều bạn trẻ luôn muốn đem đến sự hài hước, vui vẻ trong công việc của mình. (Ảnh chụp màn hình)

Nhiều bạn trẻ luôn muốn đem đến sự hài hước, vui vẻ trong công việc của mình. (Ảnh chụp màn hình)

Cụm từ này cũng để ám chỉ sự sáng tạo trong công việc của thế hệ gen Z. (Ảnh chụp màn hình)

Cụm từ này cũng để ám chỉ sự sáng tạo trong công việc của thế hệ gen Z. (Ảnh chụp màn hình)

Cụm từ này ngày càng nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ văn hóa sử dụng meme của thế hệ Z. Từ những tin tức nóng hổi đến các câu chuyện đời thường, tất cả đều có thể được "meme hóa" để gây cười và giúp thông tin trở nên dễ tiếp nhận hơn.

Bên cạnh đó, tự gọi mình là "thế hệ cợt nhả", các bạn trẻ cũng muốn tránh bị "người lớn" gọi bằng những cái tên khác mà họ không thích, chẳng hạn như "thế hệ mất kết nối... Khi được tự đặt biệt danh cho mình, họ cảm thấy thoải mái hơn.

Các nền tảng như TikTok, Instagram hay X tạo điều kiện cho những cụm từ mới được lan truyền với "tốc độ tên lửa". Chỉ cần một video sử dụng cụm từ “thế hệ cợt nhả” đạt triệu view, ngay lập tức hàng loạt người khác sẽ bắt chước, biến nó thành xu hướng. Thêm vào đó, sự tương tác qua bình luận, hashtag hay các bài đăng càng đẩy cụm từ này lên tầm “văn hóa mạng”.

Dù phổ biến và thú vị, cụm từ “thế hệ cợt nhả” không phải lúc nào cũng được sử dụng một cách phù hợp. Nếu không cẩn thận, nó có thể gây hiểu lầm hoặc làm mất lòng người khác, bị coi là thiếu tôn trọng. Mai Chi lưu ý: "Cụm từ này phù hợp cho các cuộc trò chuyện với bạn bè thân quen cùng thế hệ, hay khi bình luận về một tình huống hài hước. Trong công việc, các bạn trẻ cần có sự chuyên nghiệp, biết lắng nghe góp ý của người đi trước và tuân thủ các quy định chung".

Thích trêu đùa là phong cách của người trẻ, tuy nhiên không phải ai cũng thoải mái với nó. Như bất kỳ xu hướng nào, “thế hệ cợt nhả” cũng cần được sử dụng một cách có chừng mực và đúng hoàn cảnh.

"Đây không chỉ là một cụm từ trào lưu trên mạng xã hội, mà còn là góc nhìn khác về cách giới trẻ Việt Nam giao tiếp. Nó phản ánh sự tự do, sáng tạo, hay cả một phần áp lực mà họ phải đối mặt. Đôi khi dùng đúng ngữ cảnh rất quan trọng để tránh hiểu nhầm không đáng có, đặc biệt trong giao tiếp với những người khác thế hệ", Văn Sơn nhấn mạnh.

Theo Hoàng Hà (VTCNews)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều bạn trẻ tham gia khóa tu đầu năm

Nhiều bạn trẻ tham gia khóa tu đầu năm

Không du xuân bằng những chuyến đi xa, không ồn ào, náo nhiệt, một số bạn trẻ lựa chọn tham gia khóa tu ngắn hạn như một cách để cân bằng cuộc sống, tìm kiếm những điều tích cực để bắt đầu một năm mới suôn sẻ.

Ngôn ngữ của tình yêu

Ngôn ngữ của tình yêu

(GLO)- Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc ngày lễ Valentine. Trong đó có chuyện kể rằng, thuở xưa, ở xứ sở xa xôi có một hoàng đế độc tài ra lệnh cấm nam nữ yêu nhau. Bất chấp lệnh cấm của nhà vua, một linh mục có họ là Valentine đã bí mật tác hợp cho những cặp tình nhân nên duyên vợ chồng.

Tết quê hương trong trái tim du học sinh Việt

Tết quê hương trong trái tim du học sinh Việt

“Cảm giác cô đơn và nhớ nhà bỗng dịu nhẹ hơn nhờ những lần gặp gỡ đồng hương, trò chuyện, tay bắt mặt mừng, ăn cơm Việt, nói tiếng Việt… trên đất Hàn”, Phương Loan (du học sinh Hàn Quốc) tâm sự trong những ngày cận Tết ở nước bạn.

Tết rồi, về nhà thôi...

Tết rồi, về nhà thôi...

Trong năm 2024, tôi (TS. Nguyễn Duy Duy - Viện Nghiên cứu Môi trường, Viện Nghiên cứu Quốc gia Úc) đã đặt chân tới 4 châu lục. Những chuyến công tác, những hội thảo khoa học, đưa tôi tới nhiều vùng đất khác nhau. Tôi đã đi thật xa, và giờ là lúc trở về. Tết rồi, về nhà thôi... 

Trào lưu tự làm giá đỗ hot trở lại, chị em 'rần rần' chia sẻ trên mạng

Trào lưu tự làm giá đỗ hot trở lại, chị em 'rần rần' chia sẻ trên mạng

Trước những thông tin giá đỗ trên thị trường bị "ngâm tẩm" chất cấm gây hại cho sức khỏe, trào lưu tự làm giá đỗ tại nhà bất ngờ hot trở lại. Trong các hội nhóm làm giá đỗ, chị em "rần rần" chia sẻ cách làm giá đỗ "ngon - bổ - rẻ" tại nhà, thu hút hàng nghìn lượt tương tác trong thời gian ngắn.

'Đu trend' cách nào?

'Đu trend' cách nào?

Đu trend” dường như đã trở thành thú vui phổ biến của người trẻ ngày nay. Dù có nhiều ý kiến trái chiều về xu hướng này, song giới trẻ vẫn đưa ra những lý giải hợp lý cho sở thích của mình. Theo các chuyên gia, bản thân trend không xấu, cách “đu trend” mới là điều đáng quan tâm.