Nữ sinh sáng tạo sản phẩm lưu niệm 'Ơ kìa Việt Nam'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hình ảnh của các tỉnh, thành Việt Nam để thể hiện trên logo mang tên 'Ơ kìa Việt Nam' trong  đồ án tốt nghiệp của một sinh viên ngành thiết kế đồ họa.
Với mong muốn giới thiệu cảnh đẹp của Việt Nam đến khách du lịch nước ngoài qua những sản phẩm lưu niệm đậm đà màu sắc vùng miền, Vũ Nguyễn Mỹ Hạnh đã sử dụng hình ảnh của các tỉnh, thành Việt Nam để thể hiện trên logo mang tên “Ơ kìa Việt Nam”.
Đó là đồ án tốt nghiệp của Vũ Nguyễn Mỹ Hạnh, sinh viên ngành thiết kế đồ họa Trường ĐH Văn Lang TP.HCM.
Mang đặc trưng của từng vùng miền
Mặc dù đây chỉ là đồ án tốt nghiệp nhưng Mỹ Hạnh vẫn mong muốn những thiết kế của mình có thể được ứng dụng đa dạng và làm tăng thêm các giá trị riêng biệt, đặc trưng của các sản phẩm lưu niệm tại các địa điểm du lịch nổi tiếng.
 
Vũ Nguyễn Mỹ Hạnh trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NVCC
Vũ Nguyễn Mỹ Hạnh trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NVCC
“Trong một chuyến đi thực tế vào năm 2 tại Huế, mình không thể tìm được một món quà lưu niệm nào mang nét đặc trưng của vùng đất này mà chỉ là những món đồ mang tính đại trà như móc khóa, vòng đeo tay. May mắn được sự gợi ý bởi giảng viên môn tiền tốt nghiệp nên mình đã chọn thiết kế hình ảnh trên áo thun để giới thiệu về du lịch Việt Nam làm đề tài nghiên cứu trong năm học này”, Mỹ Hạnh cho biết.
Với mong muốn làm mới hình ảnh của các địa danh du lịch nên Mỹ Hạnh đã tiếp tục lựa chọn đề tài trên để phát triển và thực hiện trong giai đoạn tốt nghiệp. Được sự hướng dẫn của giảng viên, Hạnh chuyển đề tài thành “thiết kế bộ artwork” không chỉ sử dụng trên áo thun mà còn có thể ứng dụng đa dạng hơn trên những sản phẩm lưu niệm khác.
Kích thích người xem bằng sự tinh tế qua từng chi tiết
Hạnh cho biết thời gian đầu khi mới bắt tay vào thực hiện, tiến độ khá chậm vì không thể hoạch định được nội dung, cách thể hiện sản phẩm. Khó khăn lớn nhất là phải làm sao để truyền tải được hình ảnh của những địa danh nổi tiếng cho người xem có thể hình dung và cảm nhận qua từng chi tiết nhỏ. Những địa điểm xuất hiện trong “Ơ kìa Việt Nam” bao gồm 12 tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Sa Pa (Lào Cai), Đà Nẵng... và tổng quan về thắng cảnh Việt Nam. Vì không thể trực tiếp đến các địa điểm này nên nữ sinh viên chỉ mang cảm nhận cá nhân về từng vùng đất và hình ảnh tìm hiểu trên internet để lấy cảm hứng sáng tác.
 
Cảnh đẹp của các tỉnh, thành Việt Nam được sinh viên Vũ Nguyễn Mỹ Hạnh tinh tế mang vào thiết kế logo
Cảnh đẹp của các tỉnh, thành Việt Nam được sinh viên Vũ Nguyễn Mỹ Hạnh tinh tế mang vào thiết kế logo
“Mình lấy ý tưởng về sự bất ngờ khi mọi người tìm thấy được một điều mới và phải thốt lên “ơ kìa”. Cụm từ “ơ kìa’ sẽ được lặp lại trên tất cả các phiên bản minh họa của từng địa danh. Tùy địa danh mà sẽ thay đổi các chi tiết đặc trưng, tuy nhiên hình ảnh trong các sản phẩm sẽ luôn được gói gọn trong bố cục tròn và nổi bật ở giữa là dòng chữ “ơ kìa” cộng với tên địa danh”, Hạnh chia sẻ.
Hạnh cho biết sử dụng phong cách nghệ thuật từ những đường nét để có thể đặc tả một cách chi tiết, giúp tăng sự tương phản giữa phần chữ và phần hình. Qua đó gây cho người xem cảm giác tò mò khi nhìn từ xa và khi đi đến chi tiết sẽ nhận ra được kiến trúc, thiên nhiên, văn hóa và con người của mỗi địa danh.
“Ví dụ như với Hà Nội, mình muốn mang đến câu chuyện về cái tên cũ “Thăng Long” nên đã đặt thành phố trên một con rồng để miêu tả cảnh rồng bay lên từ mảnh đất linh thiêng. Các chi tiết khác như sự tích hồ Hoàn Kiếm, múa rối nước... cũng được gửi gắm bên trong”, Hạnh cho biết.
Giảng viên Khoa Mỹ thuật và thiết kế (Trường ĐH Văn Lang) Nguyễn Thanh Long nhận xét về sản phẩm của Hạnh: “Đáng ngợi khen về tinh thần làm việc, khả năng xử lý đề tài tốt, thủ pháp phù hợp với nội dung và có ngôn ngữ thiết kế riêng. Xác lập phần mềm tốt, ứng dụng khá, kỹ thuật thể hiện tốt”.
Còn Lê Hoàng Phương Uyên, từng học thiết kế đồ họa tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, nay là nhân viên digital marketing tại Công ty Solution Minded Agency, cho biết: “Đây là những hình ảnh vốn dĩ quen thuộc với chúng ta nhưng với cách thể hiện của Hạnh đã mang hơi thở mới mẻ hơn. Tính ứng dụng của đồ án rất cao, nhất là các sản phẩm áo thun. Các nhãn hàng thời trang nội địa có thể tham khảo hình thức này vì có tính nhận diện cao. Tuy nhiên, hơi tiếc vì Hạnh chọn những màu sắc hơi nhạt, cần tạo ấn tượng bằng những màu sắc bắt mắt hơn”.
Hạnh cho biết sau khi sản phẩm của mình xuất hiện trên các trang mạng xã hội đã có một số nhãn hàng liên hệ để sử dụng đồ án vào thực tế. Hạnh vẫn đang trong quá trình thương lượng. Nữ sinh này cho biết nếu có cơ hội sẽ phát triển, mở rộng dự án “Ơ kìa Việt Nam” để có thể giới thiệu cảnh đẹp của 63 tỉnh, thành Việt Nam.
Theo Kim Ngọc Nghiên (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.