Nữ phượt thủ U60 ở Gia Lai và hành trình xuyên Việt bằng xe máy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đam mê du lịch và mong muốn khám phá những cảnh đẹp của đất nước, bà Nguyễn Thị Bích Vân (SN 1965, phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã một mình thực hiện hành trình xuyên Việt bằng xe máy. Hiện bà Vân đã khám phá được 62 tỉnh, thành trong cả nước và truyền tải thông điệp: Khi đã đam mê thì tuổi tác không còn là vấn đề!
Những chuyến đi ấn tượng
Tiếp xúc với bà Vân, chúng tôi ấn tượng với sự trẻ trung, năng động, nụ cười thường trực trên môi. Nghe bà chia sẻ về đam mê và những chuyến phượt của mình, chúng tôi không giấu được sự ngưỡng mộ.
Bà Vân tâm sự: “Tôi đam mê du lịch từ khi còn trẻ nhưng vì công việc (bà Vân là kỹ sư chăn nuôi thú y tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê-N.V) nên phải tạm gác ước mơ. Để con trai có thêm tư duy nghệ thuật trước khi vào ngành Kiến trúc, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ phép, tôi đưa con đi du lịch, tham quan những công trình kiến trúc ấn tượng. Tôi chọn đi bằng xe máy vì có thể chủ động lịch trình, đến được những nơi mình thích”.
Chuyến đi đầu tiên của bà Vân là vào năm 2016, kéo dài 20 ngày. Trong khoảng thời gian này, bà Vân cùng con trai đi từ Gia Lai qua Đak Lak rồi xuống Phú Yên. Sau đó, tiếp tục đến tỉnh Khánh Hòa để khám phá các đảo: Bình Hưng, Bình Ba. Trên đường trở về, tiếp tục khám phá những danh thắng ở Ninh Thuận, Bình Thuận. “Sau hành trình ấy, tôi càng có thêm động lực để thực hiện ước mơ thời còn trẻ. Con trai tôi có thêm những trải nghiệm thú vị nên thi đậu vào Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh”-bà Vân chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân tham quan chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam (ảnh do nhân vật cung cấp).
Bà Nguyễn Thị Bích Vân tham quan chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam (ảnh do nhân vật cung cấp).
Đầu năm 2020, bà Vân nghỉ hưu. Lập tức, bà thuyết phục gia đình để đi phượt một mình. Mục đích của bà là được hít hà vị mặn của biển, cảm nhận cái nắng bỏng rát miền Trung, tham quan những danh thắng nổi tiếng của đất nước và đã từng sang nước bạn Campuchia. Đến với các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh như: cố đô Huế, phố cổ Hội An, Lăng Bác, cột cờ Lũng Cú… bà Vân thường chọn cho mình bộ trang phục áo dài hay áo có cờ đỏ sao vàng để thể hiện lòng tự hào, sự tôn nghiêm.
Từ những chuyến đi ngắn, với những kinh nghiệm tích lũy được, bà Vân thử thách bản thân với những cung đường khó hơn. Đó là chuyến đi kéo dài suốt 2 tháng (từ ngày 20-8 đến 20-10-2020) để chinh phục những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn, đồi núi trùng trùng điệp điệp, chiêm ngưỡng ruộng bậc thang vùng Tây Bắc. Trong hành trình này, bà đã chinh phục đỉnh Tà Xùa ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Đi ngay khi còn có thể
Vì không vướng bận công việc nên trong mỗi chuyến đi, bà Vân chọn kiểu đi chậm để cảm nhận đầy đủ nét văn hóa đặc trưng, cuộc sống của người dân từng vùng đất. May mắn là đam mê của bà được các thành viên trong gia đình ủng hộ.
Anh Mai Tứ Quý-con trai bà Vân-cho biết: “Do mẹ đi xe máy với chặng đường dài nên tôi không khỏi lo lắng, nhưng luôn cổ vũ tinh thần cho mẹ, gợi ý những địa điểm đẹp mẹ cần ghé thăm trong hành trình. Được thực hiện ước mơ chính là cách mà mẹ tôi tận hưởng cuộc sống sau khi đã về hưu”.
25-11 Được khám phá nhiều cảnh đẹp của đất nước chính là niềm đam mê của cô Bích Vân
Bà Nguyễn Thị Bích Vân trong chuyến du lịch vùng Tây Bắc (ảnh do nhân vật cung cấp)
Bản thân luôn ý thức có sức khỏe mới có thể chinh phục được đam mê, mỗi ngày, bà Vân đều dành thời gian rèn luyện thể lực và sức bền cơ thể. Trước mỗi chuyến đi, bà chuẩn bị về kinh phí, thông tin cần thiết về địa điểm mình sắp đến. Bà cũng dành thời gian 2 ngày để học một khóa sửa xe máy cấp tốc. Hành trang bà mang theo gồm: áo quần, thuốc men, đèn pin, áo mưa, máy ảnh, bộ dụng cụ sửa xe... Tất cả được buộc cẩn thận phía sau con “ngựa chiến” PCX 125.
Trung bình mỗi ngày, bà di chuyển với quãng đường 250 km, ngày đi đêm nghỉ, mệt ở đâu sẽ chọn nghỉ ở đó; việc tìm đường cũng không quá khó khăn vì có biển chỉ dẫn và sự giúp đỡ của người dân. Trả lời câu hỏi “Tại sao không chọn một người bạn đồng hành để có sự hỗ trợ lúc cần thiết?”, bà Vân chia sẻ: “Tôi cũng muốn tìm một bạn đồng hành là nữ nhưng rất khó để tìm người có cùng sở thích và sắp xếp được thời gian cho chuyến đi dài suốt 2 tháng”.  
Trong 4 năm qua, bà Vân đã đi qua 62 tỉnh, thành trong cả nước, chỉ còn tỉnh Điện Biên là chưa đặt chân đến. Nhật ký chuyến hành trình được bà cập nhật thường xuyên trên trang Facebook cá nhân. Đó vừa là cách bà giữ lại những kỷ niệm cho bản thân, vừa giúp truyền đam mê, cảm hứng cho nhiều người cùng sở thích. Mỗi một hành trình chia sẻ của bà được đáp lại bằng hàng ngàn lượt like, chia sẻ và những bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ, khâm phục. Nhờ thế, bà cũng có thêm những người bạn quen qua Facebook để tư vấn, hỗ trợ chuyến đi.
“Chinh phục những thử thách mà bản thân đã đặt ra, được đối diện và tự giải quyết những khó khăn một mình là những trải nghiệm thú vị không dễ có được. Với những gì mà bản thân đã trải qua, tôi muốn gửi gắm thông điệp: Khi đã đam mê thì tuổi tác không còn là vấn đề”-bà Vân chia sẻ.
THỦY BÌNH-PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...