(GLO)- Đó là chủ đề loạt tranh sơn mài sắp ra mắt công chúng của nữ họa sĩ Mai Thị Kim Uyên-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai. “Giấu mình” khá lâu trong hành trình lao động nghệ thuật lặng lẽ, Uyên bất ngờ bước ra, gây ngỡ ngàng về một cá tính sáng tạo khác lạ, không lẫn với bất cứ ai.
Với sự thương yêu, dìu dắt tận tình của họa sĩ bậc thầy Hồ Thị Xuân Thu suốt 5 năm qua, Uyên đã cho thấy khả năng lĩnh hội và biến hóa để tự tìm cho mình một lối đi riêng.
“Đem tâm tư gửi vào tranh vẽ”
Loạt tranh sắp ra mắt của Uyên có khoảng 20 bức. Chỉ riêng việc chọn khổ tranh để thể hiện ý tưởng của chị cũng đã khá lạ. Thay vì khổ ngang thông thường, chị chủ yếu chọn khổ dọc (80x180 cm).
Ai trong nghề cũng hiểu những cực nhọc, tốn kém của cuộc chơi với tranh sơn mài truyền thống, nhất là với nữ giới. Vậy mà Uyên lại quyết đoán: “Tôi đem tâm tư gửi vào tranh vẽ. Khi mài ra mà không thấy tâm tư đâu, tôi sẽ vẽ lại từ đầu”. Cho nên không lạ khi có bức chủ nhân phải mất đến 6 tháng mới hoàn thiện.
Kết hợp các mảng màu nóng và lạnh, những bức tranh liên hoàn kể lại quan niệm của người phụ nữ hiện đại về sự bình yên từ trong sâu thẳm. “Khi bên trong ta vững vàng và cân bằng thì đứng ở khung cảnh nào cũng thấy mình yên bình. Dù là ở những nơi ồn ào, náo nhiệt nhất”-chị Uyên chia sẻ.
|
Nữ họa sĩ Mai Thị Kim Uyên bên một tác phẩm tranh sơn mài. Ảnh: Phương Duyên |
Từ đâu bỗng ùa đến niềm xúc động mạnh mẽ khi ngắm nhìn những tác phẩm ấy. Tranh của chị nữ tính đến lạ lùng. Này là một cô gái đầy tâm tư đang ngửa mặt lên bầu trời đêm, như muốn tìm câu trả lời cho chính mình. Trên khung trời ấy bỗng vụt lên những vì sao, như cứu rỗi, như an ủi rằng: dù thế nào đi nữa, những điều đẹp đẽ vẫn luôn hiện hữu. Này là cô gái nhỏ đang nép vào lòng mẹ hiền từ, chở che, như nép vào bóng mát vô bờ của tình thương. Góc kia là bức vẽ một cô gái khỏa thân đang nhờ làn nước mát cuốn đi những muộn phiền. Và không thể thiếu hình ảnh những phụ nữ thanh khiết, mềm mại mà vô cùng cá tính: chill với một ly rượu vang trong không gian chỉ ta với ta; đùa với một chú mèo; thả lỏng hoàn toàn hoặc sẵn sàng kéo vali cho cuộc hành trình để mở rộng tầm mắt và làm mới mình. Tất cả hàm chứa triết lý hạnh phúc trong lối biểu đạt của mỹ thuật đương đại, phảng phất nét Tây âu pha chút mạnh bạo của rock.
Nữ họa sĩ bày tỏ suy nghĩ khi thể hiện loạt tranh này: “Cuộc sống vốn nhiều thử thách khó khăn. Vậy phải xử lý như thế nào? Phải tự tìm điểm sáng, nhìn mọi thứ một cách tích cực, khó khăn đến đâu giải quyết đến đó. Quan trọng là ta đi tìm câu trả lời từ bên trong chứ không phải ở ngoại cảnh. Có vậy thì mới có thể “Gọi bình yên về”. Ở góc độ này, ngoài mỹ cảm mang lại, những nét vẽ, gam màu phóng khoáng, phá vỡ mô phạm của Uyên đã truyền đi cảm hứng sống mạnh mẽ.
Loạt tranh cũng không thiếu những bức vẽ phong cảnh của nữ họa sĩ 36 tuổi. Thật tài tình nét lô nhô của những ngôi nhà, cái lay lay của tàu lá chuối, hoặc góc phố quen với cây hoa sứ tinh khôi. Tất cả yên bình đến lạ.
Cuộc rong chơi với sắc màu
Trước khi truyền đi thông điệp về hạnh phúc trong tác phẩm, Uyên kể rằng chị cũng đã phải loay hoay rất lâu trong những lựa chọn khó khăn của chính mình.
Sau mười mấy năm làm giáo viên mỹ thuật ở một trường tiểu học, chị thấy mình thiếu thốn một điều gì đó. Trăn trở tìm lời giải đáp, chị đưa ra quyết định gây sửng sốt: nghỉ việc để toàn tâm toàn ý với tình yêu hội họa cháy bùng sau thời gian dài âm ỉ. Chứng kiến những lúc chị dỗ con ngủ rồi ngồi ôm cọ vẽ đến 2 giờ sáng, chồng chị gật đầu ủng hộ.
Phải chăng sự táo bạo trong lựa chọn đã dẫn đến những táo bạo trong phong cách? Uyên thực hành nghệ thuật với sự tự do tuyệt cùng, như chị bày tỏ là vẽ cho đã, vẽ mà không cần đặt nặng chuyện mình có thành công hay không. Hành trình quan trọng hơn đích đến. Với chị, sự bình yên nằm ngay trên giá vẽ cùng la liệt họa phẩm, khi “đeo phone vào và vẽ vài cái bông lau nở rung rinh trong gió, hai cái cây khẳng khiu trên đồi… Chỉ thế thôi mà chợt nghe lòng thênh thang một cảm xúc khó tả”.
|
Họa sĩ Mai Thị Kim Uyên thực hiện công đoạn rây bạc lên tranh sơn mài. Ảnh: Phương Duyên |
Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu: “Mai Thị Kim Uyên là một họa sĩ tài năng. Từ cách đây 10 năm, tôi đã rất yêu tranh sơn dầu của Uyên vì chúng bật lên cá tính riêng. Uyên làm gì cũng tâm huyết, đến nơi đến chốn nên rồi đây chắc chắn sẽ thành công. Bởi có nỗ lực thì sẽ được đền đáp. Nói thật, ở tuổi 65, tôi không còn thấy vui khi được tôn vinh là nữ họa sĩ duy nhất ở Tây Nguyên theo đuổi dòng tranh sơn mài. Tôi hạnh phúc khi nâng đỡ lớp trẻ kế thừa”. |
Ngoài chăm sóc gia đình, Uyên vẽ mọi lúc rảnh rỗi, như sợ phí hoài thời gian. Chị quan niệm, khi thực sự yêu nghề ta sẽ không còn nghĩ mình đang làm việc, không còn thấy cực nhọc. Khi đó chỉ là đang rong chơi, vẽ lại những rung cảm của chính mình. “Chơi” nhưng nghiêm khắc, kỹ lưỡng từng chút một. Không chọn Tây Nguyên làm đề tài xuyên suốt, chị ghi lại cuộc sống xung quanh bằng lối sử dụng màu sắc đằm thắm, làm nền cho những điểm nhấn phá cách. Nói về sự dìu dắt của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, chị bày tỏ: “Tôi vô cùng biết ơn cô, người đã hết lòng truyền đạt những kỹ thuật khó của sơn mài truyền thống. Những kinh nghiệm riêng có khi phải mất hàng chục năm trong nghề mới đúc rút được, vậy mà cô không ngại chia sẻ toàn bộ cho học trò. Tôi thấy mình quá may mắn!”.
Ngày 6-12 tới đây, nữ họa sĩ Mai Thị Kim Uyên lần đầu tham gia một triển lãm nhóm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Gọi bình yên về”. Tham gia sân chơi này đều là những tên tuổi lớn như: họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, nhà điêu khắc Nguyễn Vinh (Gia Lai); họa sĩ Bùi Văn Quang (Khánh Hòa); họa sĩ Lê Vấn (Đak Lak). Từ niềm vinh dự này, chị mong được học hỏi để thêm trưởng thành. Để hạnh phúc đầy lên mỗi ngày trên hành trình sáng tạo và kiếm tìm sự đồng điệu.
PHƯƠNG DUYÊN