(GLO)- Họ không chỉ làm cái nghề vốn dĩ xưa nay hiếm nữ mà còn “đầu quân” vào những vị trí đặc biệt, khiến đã hiếm lại càng hiếm hoi hơn. Lẽ dĩ nhiên là khó khăn sẽ càng nhân lên gấp bội.
Nữ quản giáo và nghiệp nghề phục thiện
Sẽ không có gì đặc biệt nếu chị không phải là nữ quản giáo duy nhất tại trại giam này. Hơn 50 tuổi đời, trong đó có trên 30 gắn bó với nghiệp “con nhà binh”, lại công tác ở chốn giam giữ phạm nhân vốn nhiều áp lực, chị Quách Thị Hạnh (khu giam giữ A5-trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai) vẫn giữ cho mình những nét trẻ trung. Gương mặt phúc hậu, hiền hòa kèm thái độ chân thành, cởi mở, chị lấy cảm tình của người đối diện bằng nét dịu dàng và vẻ dễ gần.
“Tôi mới gắn bó với công việc quản giáo chừng hơn chục năm nay…”- chị mở đầu câu chuyện như thế. Một mình chị thường phải đảm đương quản lý chừng 30-40 phạm nhân nữ. Chừng ấy cũng đủ để thấy những vất vả và áp lực công việc mà chị phải đối mặt.
Nữ quản giáo Quách Thị Hạnh chăm sóc vườn rau cùng phạm nhân tại trại tạm giam T20-CA tỉnh Gia Lai. Ảnh Lê Hòa |
Những ngày đầu chịu án luôn là quãng thời gian khó khăn nhất. “Đa phần họ đều bị sốc và khủng hoảng trầm trọng, có người vật vờ như mất hồn, bỏ ăn, bỏ uống, tinh thần suy sụp trầm trọng, không muốn tiếp xúc với ai. Không ít trường hợp luôn tìm mọi cách để tự kết thúc cuộc sống”- chị Hạnh, tâm sự. Làm sao để phạm nhân lấy lại được tinh thần, thắp lên cho họ niềm tin và hy vọng phía tương lai để bắt tay vào một cuộc sống mới bằng cái nhìn lạc quan hơn là việc làm bắt buộc mỗi quản giáo phải làm được.
Trong ký ức chị dường như vẫn chưa thể quên những ngày cách đây hơn 5 năm về trước. Khi ấy, khu trại giam do chị tiếp nhận quản lý, giam giữ cùng lúc 5 phạm nhân nữ chịu án chung thân, án 20 năm trở lên. Mỗi người một tâm lý, phản ứng khác nhau trước cái án quá nặng mà họ buộc phải trả giá cho tội lỗi đã gây ra. Người thì chán chường, ủ ê, kẻ thì bất mãn, buông xuôi số phận…
Kéo họ từ vực sâu của sự bi quan, sợ hãi khi phía trước là chuỗi ngày mênh mông vô tận, thăm thẳm như đường chân trời của kiếp sống ngục tù quả là điều vô cùng khó. “Tôi đặc biệt ấn tượng trường hợp phạm nhân Nguyễn Thị Kim Chi, chịu án tù 20 năm về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ban đầu Chi tỏ thái độ bất mãn, bất hợp tác với quản giáo, đồng thời tự hành hạ bản thân mình bằng cách tuyệt thực. Nhưng rồi, nhờ kiên trì động viên, Chi đã thay đổi, từ chỗ bất hợp tác trở nên yếu đuối, ngày nào cũng bắt tôi phải dành thời gian tâm sự, trò chuyện cùng. Từ đó, khi được chia sẻ, Chi dần sống lạc quan hơn…”.
Khủng khiếp không kém là phạm nhân bị nghiện ma túy, số này đa phần trẻ tuổi. Khoảng 10 ngày đầu để giúp phạm nhân cắt cơn, cai nghiện đó là chuỗi ngày nữ quản giáo phải kiên trì, dũng cảm, phải có “dây thần kinh thép”. “Những lúc ấy thì bất kể ngày hay đêm, có những lúc phải quên cả gia đình để theo sát phạm nhân. Mình cũng có con cái, nhìn cảnh ấy không nỡ dứt ra được”- chị chia sẻ.
Với chị Hạnh, người quản giáo không chỉ là một nhà tâm lý mà còn phải đặt mình vào vị trí của một người thân trong gia đình của phạm nhân. Từ đó, sợi dây gắn kết tình cảm mới giúp kéo phạm nhân tới gần hơn con đường chấp hành kỷ luật và phục thiện. “Không có tình cảm thực sự thì khó lòng thu phục được người khác, nhất là với những con người đã dám vượt qua ranh giới của luật lệ”- chị Hạnh chia sẻ.
Vất vả là vậy nhưng trót gắn bó, “trót đem cái nghiệp vào thân”, nghề tưởng chừng quá khắc nghiệt ấy lại dễ khiến con người ta như bị “nghiện”, chẳng dễ tách rời. “Chiếu theo quy định thì tôi cũng sắp tới tuổi về hưu rồi đấy, nhưng mà bây giờ, phần vì tôi còn sức, còn muốn gắn bó với công việc, phần vì chưa tìm ra người kế cận nên tôi cũng có ý định xin ở lại công tác thêm một thời gian”-chị Hạnh cười xòa. Như sợ bị… hiểu nhầm, chị phân trần: “Cái nghề của chúng tôi, chả có hoa lợi gì đâu để mà ra sức níu kéo, chẳng qua cái nghiệp lỡ dính vào máu rồi. Thực ra, khi thấy phạm nhân tìm cho mình được con đường sáng, mình lại thấy hạnh phúc. Ấy là chất keo khiến mình gắn với nghề này…”
Nữ trinh sát từng… nộp đơn xin đi nghĩa vụ
Chị cho đến nay là trường hợp nữ duy nhất trong lực lượng Công an tỉnh Gia Lai dám tự nguyện nộp đơn, xung phong thực hiện nghĩa vụ an ninh. Đối lập với cái tên nghe có vẻ mềm mại, nữ tính Võ Thị Hiền Lương là một nữ trinh sát nhạy bén, dũng cảm, mạnh mẽ và yêu nghề đến cảm phục.
18 tuổi, thi trượt đại học, Hiền Lương viết đơn xung phong đi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong lực lượng Công an. Chị được nhận về công tác tại trại giam Gia Trung-nơi chuyên giam giữ các đối tượng “dính” án nặng. Tại đây, nước mắt cô gái trẻ đã không ít lần rơi khi đối mặt với công việc quá nhiều áp lực.
Sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ, cô thi đậu vào trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân II (TP. Hồ Chí Minh). Học xong ra trường, cô về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45)-Công an tỉnh Gia Lai. Lúc ấy, cô là nữ duy nhất ở phòng này. Nhiệm vụ của Hiền Lương là phụ trách công tác đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội và mua bán người. Đó là thử thách không nhỏ đối với nữ cảnh sát trẻ.
“Tôi từng tham gia đánh và bắt án mại dâm”- Hiền Lương chia sẻ. Điển hình nhất là mới đây, cùng với các đồng đội của mình, chúng tôi đã triệt phá 2 tụ điểm mại dâm trá hình gây bức xúc trong dư luận trên địa bàn phường Đống Đa (TP. Pleiku). Đánh án mại dâm đã không còn là chuyện hiếm, song là nữ, tham gia trinh sát thì lại là chuyện dễ gây bất ngờ.
Chuyện triệt phá các ổ cờ bạc nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn song cũng không ít khi chuyện “tác nghiệp” của cô dễ khiến người nghe sớn tóc gáy: “Có khi, để nắm tình hình và quy luật hoạt động của một ổ cờ bạc, chồng đi công tác, 11 giờ đêm, tôi phải… chở theo con nhỏ để ngụy trang, xâm nhập vào địa bàn của chúng”. Ngoài sự dũng cảm của chính mình, đôi khi, vì công việc, nữ trinh sát đã buộc phải lựa chọn những biện pháp không dễ mấy người đủ can đảm…
May mắn cho Hiền Lương, người đi bên cạnh và luôn ủng hộ, song hành cùng với chị trong mọi khó khăn-người chồng đồng thời cũng là đồng nghiệp đã hiểu và thông cảm với niềm đam mê, đặc trưng công việc của một chiến sỹ cảnh sát hình sự. Anh là cảnh sát thuộc phòng Cảnh sát truy nã. “Có những lúc chồng đi ‘bắt nã”, vợ đi thực hiện nhiệm vụ xuyên đêm chẳng thể về, con cái đành phải nhờ vào người quen, người nhà. Hai đứa con dường như thích nghi với công việc của bố mẹ, lớn lên tự bảo ban và chăm sóc cho nhau mỗi khi bố mẹ vắng nhà. Có lúc con nản quá, bảo sau này …không dám chọn nghề bố mẹ nữa”- Hiền Lương cười, chia sẻ.
Với những người như chị Hạnh, Hiền Lương, để làm tròn được nghĩa vụ với gia đình và xã hội, để theo đuổi những đam mê nghề nghiệp mà họ đã quyết tâm gắn bó.
Lê Hòa