Nữ 'cao bồi' trên thảo nguyên M Đ'rắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thảo nguyên M Đ’rắk hấp dẫn bao người qua hình ảnh nên thơ “từng đàn bò đùa nắng tung tăng mặt trời…” trong ca khúc “Ơi M’Đrắk” của nhạc sỹ Nguyễn Cường. Song bước ra đời thực, cuộc mưu sinh của người dân nơi đây, nhất là với những phụ nữ chăn bò thuê luôn nhọc nhằn và đầy nỗi ưu lo.
 
Thả bò trên đồi
Rừng là nhà
Ngày đầu mùa khô, chúng tôi theo chân hai chị Trần Thị Loan và Trương Thị Nguyên cùng trú thôn 18 (xã Cư M’ta, huyện M Đ’rắk, Đắk Lắk) đưa đàn bò gần 70 con lên đồi xa ăn cỏ. Trước khi đi, hai chị liên tục “test” sức khỏe, thấy chúng tôi quần jean, giày bata sẵn sàng mới gật đầu cho theo. Bà Loan lý giải: Chăn bò đường xa, nếu không đủ sức khỏe thì khó mà cuốc bộ đường trường, trèo đồi lội rừng cả ngày vài chục cây số.
 
Cơm trưa giữa rừng
Hơn 1 giờ đồng hồ theo sau chân bò, chúng tôi mới tới điểm chăn thả. Nhấp ngụm nước mát, bà Loan trải lòng về cơ duyên gắn nghiệp “cao bồi”. Năm 1990, bà rời quê Nghệ An vào Tây Nguyên sinh sống, thời gian đầu cuộc sống khó khăn, bà nhận giữ bò giúp anh trai kiếm thêm thu nhập. Từ 1-2 con ban đầu, đàn bò phát triển sinh sôi thành đàn. Kể từ đó bà chuyển hẳn sang nghề chăn bò thuê. Bà thức dậy từ sáng sớm tinh sương lo cơm nước cho gia đình rồi đùm cơm nước lùa bò đi ăn tối mịt mới về. Bất kể nắng mưa, đông giá, những “cao bồi” như bà Loan vẫn phải làm việc. Do đàn bò đông từ 50-70 con thậm chí 120 con (năm 2007) nếu nhốt ở nhà sẽ không có đủ nguồn thức ăn. Nhiều lúc ốm đau, mệt mỏi, bà cũng không dám nghỉ.
Một mình với đàn bò lên tới vài chục con trong rừng, bà Loan rất sợ mất bò. Bà thường đặt tên những con bò mẹ rồi kiểm đếm theo cặp mẹ con vừa nhanh lại chuẩn xác. Cẩn thận là vậy nhưng nhiều lúc bà đã “lo đến khóc” vì bò lạc.
Bà Loan tâm sự: Thời gian ở rừng còn nhiều hơn ở nhà. Riết rồi bà xem rừng là nhà luôn. Một mình lủi thủi trong rừng, bà chỉ biết làm bạn với cỏ cây, sương gió. Lắm lúc ngẫm phận, bà cũng tủi. Song vì mưu sinh, bà tiếp tục gắng gượng đến nay đã hơn 25 năm. Chăn bò thuê, mỗi ngày bà được trả 100 nghìn đồng cộng với tiền bán phân bò. Tính ra mỗi tháng bà thu nhập 5-6 triệu đồng, số tiền này ở vùng nông thôn cũng đủ để gia đình bà trang trải cuộc sống.
Theo bà Loan, việc chăn bò bây giờ khó hơn ngày xưa nhiều. Trước đây, đồng cỏ, đồi núi bao la, chỉ cần lùa bò đi khoảng 5 cây số là thả được. Bây giờ đất chật người đông, cho bò đi xa hàng chục cây số vẫn không có cỏ. Thiếu thức ăn là nỗi lo canh cánh đối với những người chăn bò thuê.
Hiểm nguy bủa vây
Ngoài việc mỗi đêm suy nghĩ tìm nơi thả bò, những “cao bồi” còn đối mặt với nhiều hiểm nguy trong quá trình đi chăn. Bà Nguyên người có thâm niên hơn 17 năm theo nghề “cao bồi” chia sẻ: Chuyện bị ong đốt, kiến rừng cắn, gai rừng đâm thậm chí té đồi bầm da chảy máu… là những tai nạn nhỏ. Bà rất sợ gặp phải mấy tay xỉn rượu chặn đường xin đểu hoặc bị chủ rẫy đánh đập, bắt đền tiền vì bò ăn hoa màu.
Chỉ cho tôi xem những vết bầm trên người đã thành sẹo theo năm tháng, bà Nguyên rưng rưng kể: Năm 2015, bà chăn bò xa trong buôn đồng bào. Chẳng may đàn bò tạp ăn, nhảy vào rẫy mì nhà dân. Thấy vậy, chủ nhà vác dao chặt đứt cả đuôi, chân 2 con bò. Xót ruột, bà chắp tay van xin chủ rẫy mới chịu ngưng, ra giá đền 2 triệu nếu không sẽ chặt hết cả đàn. Nghĩ đàn bò mới ăn có vài cây, bà Nguyên xin giảm tiền phạt. Chủ rẫy hùng hổ vút gậy quất liên tục vào người mặc cho bà gào thét. Để bảo toàn tính mạng bà chỉ còn cách chấp nhận, xin khất ngày mai đưa đủ tiền. Sau lần suýt chết, bà không dám thả bò đến đó. Hỏi tiền phạt ai chịu, bà Nguyên bảo người chăn phải trả. Chỉ khi bò ốm đau tự chết thì chủ mới chịu còn việc để bò ăn hoa màu, dân phạt thì người chăn thuê tự đền. Bà Nguyên nhận giữ bò cho nhiều chủ, mỗi chủ vài ba con, với giá 70 nghìn đồng/con/tháng. Hiện bà nhận giữ gần 30 con, quy ra tiền mỗi tháng được hơn 2 triệu, tháng nào bị đền tiền thì coi như đói. Để đủ miếng ăn, bà còn nhặt thêm ve chai kiếm sống.
Cùng cảnh ngộ, thậm chí mỗi năm dính vài vụ phạt song bà Loan may mắn hơn vì giữ thuê cho người thân, được họ thông cảm đền thay. Còn việc đối đầu hiểm nguy thì bà Loan cũng lắm phen khiếp vía. Bà Loan chia sẻ: Trước đây có đứa cháu gái theo bà chăn bò dịp cuối tuần. Có cháu bầu bạn, bà cũng an tâm song mối nguy trong rừng nhiều vô kể. Bà sợ nhất là gặp lâm tặc người ngợm bặm trợn, trên tay cầm rựa, xe máy rú ga cười hét trêu chọc con bé. Sợ chúng làm bậy nên chỉ bấm bụng cầu chúng đi cho nhanh. Có lần hai cô cháu lùa bò về thì gặp hai gã say rượu chặn đường xin tiền. Đang đoạn đường vắng, trời chập choạng tối mà hai gã cứ đeo theo, bà phải rút túi đưa 20 nghìn. Từ sau lần ấy, bà Loan để cháu gái ở nhà, một mình “độc hành” trong nơm nớp lo âu. Ba năm nay, bà bắt cặp với bà Nguyên, cùng đi chăn một chỗ để dễ bề hỗ trợ nhau.
Mải trò chuyện, đàn bò đi tuốt hút bóng sau đồi, hai “cao bồi” tá hỏa chia nhau mỗi người tìm một hướng. Giữa rừng núi âm u, các bà lấy tiếng hú làm tín hiệu an toàn. Mặt trời đứng bóng, họ mới gặp lại ở điểm hẹn ăn cơm trưa. Bà Loan cho hay: Do hôm nay có hai khách đi theo, hai bà mới ăn cùng nhau. Chứ ngày thường mỗi người canh một hướng, vừa tự ăn vừa căng mắt trông bò.
Ngắt lá rừng rải ra làm mâm, bà Nguyên bày cơm, ít thịt kho; còn bà Loan có thêm trứng cá chiên. Tất cả thức ăn đều đựng trong túi nilon. Bà Loan lý giải: mang đồ vào rừng càng ít, càng tiện. Nói về dự định tương lai, bà Nguyên trầm ngâm: Cũng muốn bỏ nghề “cao bồi” lắm nhưng hiện tại thì chưa. Bà có hai đứa con, đứa lớn đã đi làm cũng đủ nuôi thân, còn con út đang học năm 2 cao đẳng dưới Đồng Nai. Mỗi tháng bà chắt chiu từng đồng gửi tiền hỗ trợ con học. Đợi con ra trường có việc làm ổn định, bà sẽ nghỉ nghề chăn bò thuê.
Bà Loan nói theo: “Bà nghỉ thì tôi cũng nghỉ. Xương khớp mỏi hết rồi không đi nổi nữa”. Nhìn đôi mắt bà, tôi nhận thấy nhiều điều chất chứa trong lòng và cái sự rời bỏ nghề “cao bồi” còn ở thì tương lai. Bởi hiện tại và quá khứ, cái nghề “cao bồi” bất đắc dĩ đã nuôi sống cả nhà, giúp con bà có cái chữ bước vào đời.

Trước đây, đồng cỏ, đồi núi bao la, chỉ cần lùa bò đi khoảng 5 cây số là thả được. Bây giờ đất chật người đông, cho bò đi xa hàng chục cây số vẫn không có cỏ. Thiếu thức ăn là nỗi lo canh cánh đối với những người chăn bò thuê.

Huỳnh Thủy (TP)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.