(GLO)- Sau 12 năm thành lập, Nông trường Cao su Hà Tây (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah) đã có những bước tiến vững chắc. Trong 3 năm gần đây, Nông trường đều hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, chi bộ 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Huyện ủy Chư Pah tặng giấy khen.
Nông trường Cao su Hà Tây hiện có 470 cán bộ, công nhân, người lao động, trong đó có 86% là công nhân dân tộc thiểu số. Tổng diện tích cao su của Nông trường là 1.390,75 ha. Ông Nguyễn Thế Sỹ-Bí thư chi bộ, Giám đốc Nông trường-cho biết: “Trong 3 năm gần đây, chúng tôi đều về đích trước kế hoạch và là đơn vị dẫn đầu Công ty. Để có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực không ngừng của chi bộ, ban giám đốc và cán bộ, công nhân, người lao động”.
Theo ông Sỹ, Nông trường Cao su Hà Tây nằm ở nơi có địa hình hết sức khó khăn, địa bàn trải dài trên 3 xã của 2 huyện Đak Đoa và Chư Pah, điểm xa nhất cách trụ sở đơn vị hơn 20 km. Nhưng khó khăn lớn nhất của Nông trường là đội ngũ công nhân đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ có phần hạn chế. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết khắc nghiệt, đường sá đi lại vất vả cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất. Trước những khó khăn ấy, cấp ủy, Ban Giám đốc đã có sự phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu. Nông trường xác định muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra thì trước hết phải chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho người lao động.
Công đoàn Công ty Cao su Chư Pah trao quà cho công nhân dân tộc thiểu số Nông trường Hà Tây. Ảnh: N.T.T |
Trong những năm gần đây, giá mủ cao su liên tục giảm, tiền lương và chế độ của người lao động theo đó cũng bị ảnh hưởng phần nào, tác động đến tư tưởng của công nhân. Do đó, chi bộ Nông trường cùng với tổ chức Công đoàn đến từng tổ sản xuất để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế lao động của Công ty. Lãnh đạo Nông trường cũng đã thường xuyên làm việc với chính quyền xã để tuyên truyền, vận động công nhân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hoàn thành kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, Nông trường còn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Thông qua các buổi đối thoại, lãnh đạo Nông trường đã chia sẻ, giải quyết những băn khoăn, khó khăn của công nhân, tạo niềm tin của người lao động đối với đơn vị. Đặc biệt, chi bộ Nông trường chú trọng đến công tác quản lý điều hành, nâng cao năng lực quản trị, nhất quán trong quan điểm chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao sản lượng khai thác, giao quyền chủ động cho các đơn vị gắn với việc phân định quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng đối với tổ sản xuất. Đồng thời, gắn kết quả sản xuất với tiền lương để phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công việc của cán bộ quản lý, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý gián tiếp cấp cơ sở. Nông trường cũng đổi mới phương thức khoán sản phẩm, đảm bảo công khai, minh bạch. Mức giao khoán sản lượng hợp lý, đúng với năng lực vườn cây cùng với cơ chế thưởng-phạt hợp lý đã khuyến khích cán bộ, công nhân nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ.
Giám đốc Nông trường Cao su Hà Tây cho biết thêm: Để vườn cây đạt sản lượng cao nhất, Nông trường chú trọng đến giải pháp quản lý kỹ thuật, nâng cao tay nghề cạo mủ cho công nhân. Ngay từ đầu năm, Nông trường đã đánh giá, phân chia vườn cây, định mức lao động hợp lý, rà soát tay nghề của đội ngũ công nhân cạo mủ, đặc biệt là công nhân dân tộc thiểu số để lập kế hoạch đào tạo mới, đào tạo thay thế cũng như tập huấn kỹ thuật cho những người có tay nghề yếu. Nông trường cũng tổ chức giám sát chặt chẽ quy trình khai thác; vườn cao su kinh doanh luôn được chăm sóc đảm bảo thông thoáng, thuận tiện cho việc khai thác và thu gom sản phẩm. Chính sự chỉ đạo kịp thời và sát sao ấy mà năm 2019, Nông trường vượt chỉ tiêu được giao là 2.396 tấn và trở thành đơn vị đạt sản lượng vườn cây khai thác cao nhất Công ty với 1,9 tấn/ha.
NGUYỄN THÀNH TRUNG