(GLO)- Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt kết quả cao. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó một số tiêu chí khó đạt đúng tiến độ. Thực tế đó đặt ra yêu cầu bức thiết đối với các ngành và địa phương trong thời gian tới.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM cách đây 10 năm, Gia Lai là tỉnh có xuất phát điểm rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao (năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ khu vực nông thôn là 25,13%) và có 4 huyện nghèo. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 45% dân số, trình độ dân trí hạn chế, còn nhiều tập quán lạc hậu, khả năng tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chậm nên việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống người dân như: giao thông, thủy lợi, điện... là rất lớn. Ngoài ra, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Do đó, việc thực hiện các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, trường học, tổ chức sản xuất gặp nhiều khó khăn. Đến nay, dù đã rất nỗ lực nhưng một số tiêu chí vẫn còn đạt thấp như: môi trường và an toàn thực phẩm chỉ có 60/184 xã đạt chuẩn (chiếm 32,6%), hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật có 67/184 xã đạt chuẩn (chiếm 36,4%), hộ nghèo mới có 71/184 xã đạt chuẩn (chiếm 38,6%), thu nhập có 78/184 xã đạt chuẩn (chiếm 42,4%), cơ sở vật chất văn hóa có 71/184 xã đạt chuẩn (chiếm 38,6%), nhà ở dân cư có 97/184 xã đạt chuẩn (chiếm 52,7%), giao thông có 100/184 xã đạt chuẩn (chiếm 54,3%), trường học có 102/184 xã đạt chuẩn (chiếm 55,4%)...
|
Người dân xã Cư An (huyện Đak Pơ) trồng rau theo hướng VietGAP để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: L.N |
Ông Lê Trọng Nam-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) cho hay: Trong thực tế xây dựng NTM của xã, những tiêu chí về cơ sở hạ tầng được sự đầu tư của Nhà nước thì đến nay cơ bản đã hoàn thiện. Những tiêu chí đòi hỏi nội lực từ trong dân như: thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm… rất khó thực hiện. “Nguyên nhân do người dân còn nghèo, trong khi đó những năm gần đây, nắng hạn, dịch bệnh gây mất mùa làm cho đời sống của bà con càng khó khăn. Tiêu chí khó nhất của xã là môi trường và an toàn thực phẩm, bởi việc di dời nhà mồ ra xa khu dân cư rất khó thực hiện, người dân còn chăn nuôi thả rông, nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn, thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn…”-ông Nam chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ thì cho biết: Đức Cơ là huyện biên giới, đời sống người dân còn nghèo. Nhiều xã đến nay vẫn chưa đạt các tiêu chí như: trường học, thu nhập, nhà ở dân cư, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. “Bộ tiêu chí NTM thay đổi theo từng giai đoạn và đòi hỏi chất lượng càng ngày càng cao. Nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ cấp trên còn hạn chế và dàn trải. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng nông sản giảm, sâu bệnh hại diễn biến phức tạp nên khó huy động đóng góp từ người dân. Ngoài ra, huyện có địa bàn rộng, tỷ lệ người DTTS cao, trong đó đa phần là hộ nghèo. Tập quán sinh hoạt lạc hậu, vẫn còn tình trạng thả rông gia súc, gia cầm, chưa xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh”-ông Tư cho biết thêm.
Đến nay, toàn tỉnh còn 68,5% số xã chưa đạt chuẩn NTM. Phần lớn các xã đều khó khăn về mọi mặt, không theo kịp với bộ tiêu chí NTM tăng dần theo từng giai đoạn. Trong đó, Kông Chro và Ia Pa là 2 huyện vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn NTM. Theo ông Nguyễn Duy Tùng-Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro, nguyên nhân là do xuất phát điểm quá thấp. Năm 2011, khi rà soát theo bộ tiêu chí NTM, 13 xã của huyện đều chỉ đạt 1 tiêu chí là quốc phòng và an ninh. “Đến nay, Kông Chro vẫn là một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh. Trình độ dân trí còn hạn chế, phương thức sản xuất chưa phù hợp, việc liên kết ngành hàng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Tỷ lệ người DTTS chiếm 72,5% dân số toàn huyện. Đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 34%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 18,5 triệu đồng/năm. Do đó, các tiêu chí cần huy động nguồn lực tham gia đóng góp của người dân đều rất khó khăn”-ông Tùng chia sẻ.
Nhiều giải pháp để sớm hoàn thành mục tiêu
Kbang là một trong 6 huyện điểm xây dựng NTM của cả nước. Hiện nay, huyện đã có 3 xã đạt chuẩn NTM. Để địa phương này hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2020, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ. Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và phân công các sở, ngành hỗ trợ cho 10 xã còn lại của huyện Kbang để sớm về đích NTM trong năm 2020. Cùng với sự hỗ trợ của các ngành, Kbang đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
|
HTX Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ Tơ Tung (huyện Kbang, Gia Lai) giới thiệu sản phẩm tinh dầu sả và măng khô cho khách hàng. Ảnh: Lê Nam |
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM (Chư Sê, Chư Pưh), thêm 40 xã đạt chuẩn NTM; có ít nhất 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 80% số thôn, làng đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 17 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Giai đoạn 2025-2030 có thêm 1-2 huyện đạt chuẩn NTM, thêm 40 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 150; thêm 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 60; có thêm 10 xã NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã NTM kiểu mẫu lên 20. |
Huyện Kbang đang phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm xã Sơn Lang đạt chuẩn NTM, 9 xã còn lại sẽ nỗ lực về đích vào năm 2020. Ông Lê Quý Truyền-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang-cho biết: Đầu năm 2019, xã còn 4 tiêu chí chưa đạt chuẩn gồm: nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, xã đã hỗ trợ 19 con bò, vật tư nông nghiệp cho các hộ nghèo để phát triển kinh tế. Xã cũng hướng dẫn người dân chuyển đổi, định hướng phát triển cây ăn quả nhằm đa dạng hóa cây trồng; triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chanh dây với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để giúp người dân ổn định đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập. “Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có 44 hộ thoát nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,04%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm. Ngoài ra, từ các nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện và các doanh nghiệp, xã đã hỗ trợ người dân xóa được 39 nhà tạm, xây dựng 182 nhà vệ sinh đạt chuẩn. Hiện UBND xã đã hoàn tất hồ sơ trình cấp trên thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn NTM”-ông Truyền phấn khởi nói.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, tỉnh Gia Lai phải đạt 3 chỉ tiêu cơ bản gồm: 1 huyện đạt chuẩn NTM, 70 xã đạt chuẩn NTM và bình quân đạt 15,14 tiêu chí NTM/xã. Ông Trần Văn Văn-Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh-cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 đơn vị cấp huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM là TP. Pleiku và thị xã An Khê. Ngoài ra, theo kế hoạch, đến cuối năm 2019, thị xã Ayun Pa phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, qua đó nâng số xã đạt chuẩn NTM của địa phương này lên 100%. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có thêm 2 huyện Kbang và Đak Pơ đạt chuẩn NTM. Còn với chỉ tiêu 70 xã đạt chuẩn NTM, tỉnh cũng sẽ hoàn thành bởi hiện tại đã có 58/184 xã đạt chuẩn và dự kiến đến cuối năm có thêm 14 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 72 xã.
Cũng theo ông Văn, đối với chỉ tiêu bình quân đạt 15,14 tiêu chí NTM/xã thì hiện tại tỉnh đạt 12,8 tiêu chí/xã. Cuối năm 2019, tỉnh phấn đấu đạt bình quân 14,24 tiêu chí/xã và đến năm 2020 sẽ đạt bình quân 15,14 tiêu chí/xã. “Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai xây dựng NTM. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để phát huy vai trò chủ thể của người dân. Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các tổ chức đoàn thể chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; tập trung nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển công nghiệp, dịch vụ, nâng cao đời sống người dân”-ông Văn cho biết thêm.
Xác định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, không ngừng nâng cao đời sống của người dân nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện bộ tiêu chí xã NTM nâng cao được quy định tại Quyết định số 301/QĐ-UBND của UBND tỉnh và tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019 có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đến năm 2025 có ít nhất 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đến năm 2030 nâng lên thành 60 xã.
LÊ NAM