Trước những diễn biến bất thường từ biến đổi khí hậu, nhiều nông dân ở Lâm Đồng đã từng bước ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong sử dụng nguồn nước tưới phù hợp, tiết kiệm với từng loại cây trồng hoặc đưa ra lựa chọn cây trồng phù hợp.
Nông dân tại trang trại Trường Phúc, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng thu hoạch rau thủy canh tiết kiệm nước |
“Tưới khỏe” giữa mùa khô
Trong khi nhiều khu vực phải vật lộn với tình cảnh thiếu nước tưới thì chỉ với ao nước rộng hơn 20m2, gia đình anh Nguyễn Đức Huy (phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) vẫn “tưới khỏe” cho hơn 2ha cây trồng trong trang trại nhờ áp dụng triệt để công nghệ tưới hồi lưu. “Đây là công nghệ không mới, không quá phức tạp. Toàn bộ lượng nước sau khi đi qua hệ thống dây dẫn tưới nhỏ giọt sẽ được thu hồi về một bể chung, sau đó máy bơm sẽ đẩy hệ thống này quay trở lại từng gốc cây trong khu vườn. Tỷ lệ hao hụt nước giảm nhiều lần, chi phí vận hành giảm, nhưng quan trọng nhất là tiết kiệm nước trong bối cảnh khô hạn ngày càng diễn biến bất thường”, anh Huy giới thiệu.
Tương tự, trang trại Trường Phúc (sản xuất và phân phối các loại rau cao cấp tại TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) từ gần 10 năm nay đã áp dụng hệ thống trồng thủy canh kết hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. “Xung quanh khu vực sản xuất không có ao, hồ nước lớn nên chúng tôi phải chủ động tìm kiếm nguồn nước tại các khe suối, nước ngầm nhưng điều này rất khó khăn bởi địa hình núi cao, dốc. Nhờ áp dụng công nghệ tưới kết hợp bổ sung dưỡng chất tự động nên đã giảm chi phí và nguồn nước”, ông Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc cho biết.
Trong khi đó, tại trang trại Hiếu Linh (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, chuyên sản xuất rau củ quả hữu cơ, trà bồ công anh, trà tía tô, cao bồ công anh), các thành viên trong tổ hợp tác xác định rõ biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nên từ lâu đã đầu tư hệ thống tưới phun sương tự động nhằm hạn chế sự thất thoát nước ra bề mặt đất. Công ty Đà Lạt Hasfarm (chuyên sản xuất hoa xuất khẩu) cũng lắp đặt thiết bị cảm biến trong nhà kính, kết nối với máy tính qua internet, chế độ hoạt động được thiết kế sẵn. Nếu nhiệt độ trong nhà kính vượt ngưỡng 21 độ C, màng chắn sáng sẽ tự động mở, máy tưới nước phun sương tự nhận biết chế độ ẩm ở trong nhà kính. Khi độ ẩm dưới giới hạn cài đặt, máy tự động tưới nước...
Thay đổi để thích ứng
Tại Lâm Đồng, nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tác, hay thậm chí hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng chuyển giao công nghệ, mua sắm thiết bị sử dụng hệ thống cảm biến và các thiết bị khác để có được những thông tin chính xác nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp, quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử… nhằm tối ưu hóa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện địa phương có 96 doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản về các thông tin nơi sản xuất, nhà sản xuất, tên loại nông sản, giá cả và ngày, tháng thu hoạch... TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, hiện mức độ ứng dụng công nghệ cao tại địa phương có tính đa dạng, nhiều kỹ thuật tiên tiến với 46.920 ha tưới tiết kiệm nước, trong đó 41.949ha tưới phun mưa, 4.971ha tưới nhỏ giọt, và trên 50ha thủy canh hồi lưu…
Trong sản xuất trồng trọt, toàn tỉnh có trên 465 ha ứng dụng công nghệ thông minh, tập trung trên rau, hoa, dâu tây và chè, giúp người sản xuất giảm 10%-20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; giảm 30%-50% lượng nước tưới. Qua đó góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích toàn tỉnh đạt bình quân 245 triệu đồng/ha.