Cho dược liệu phát triển và vươn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum được biết đến là thủ phủ trồng dược liệu, đặc biệt là Quốc bảo sâm Ngọc Linh.

Ở mảnh đất Tu Mơ Rông, ngoài thành công từ mô hình liên kết trồng sâm Ngọc Linh, các mô hình liên kết trồng các loại cây dược liệu khác như sâm dây, sơn tra, lan kim tuyến và gừng, nghệ, bưởi… đã tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu, đưa dược liệu vươn xa và giúp đồng bào Xơ Đăng đổi đời.

Yên tâm đầu ra

Huyện Tu Mơ Rông có tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Nơi đây được biết đến là thủ phủ trồng dược liệu, đặc biệt là Quốc bảo sâm Ngọc Linh. Từ lợi thế ấy, đến nay Tu Mơ Rông đã xây dựng được vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 1.700ha. Đa phần diện tích trên do doanh nghiệp phát triển. Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý nên hiện mỗi cây giống 1 năm tuổi có giá tới 300.000 đồng/cây. Vì thế, người đồng bào Xơ Đăng dù muốn trồng sâm nhưng ngặt nỗi không có tiền mua cây giống.

Do đó, 6 năm trước, dưới sự định hướng của địa phương, người dân đồng bào Xơ Đăng đã xây dựng các tổ, nhóm để liên kết trồng sâm với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Đây là cách thức hợp tác nhằm tận dụng thế mạnh của nhau. Người dân trồng sâm cho doanh nghiệp, được trả lương, tặng sâm giống; còn doanh nghiệp hưởng lợi nhờ kinh nghiệm trồng sâm của đồng bào Xơ Đăng. Khi người đồng bào DTTS tham gia các tổ, chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, một phần cây con giống và vật tư nông nghiệp, vay vốn với lãi suất ưu đãi…và đặc biệt là được hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.

Người dân Tu Mơ Rông phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: P.N

Người dân Tu Mơ Rông phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: P.N

Đến nay, trên địa bàn Tu Mơ Rông, Kon Tum đã có 30 tổ với số lượng khoảng 400 người dân của 3 xã liên kết trồng sâm với doanh nghiệp. Nhờ đó, người dân có điều kiện phát triển vườn sâm của riêng mình và có điều kiện để cải thiện, nâng cao đời sống.

Ba năm nay, Hợp tác xã (HTX) Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông (xã Đăk Na) đã liên kết với đồng bào dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn tiến hành trồng nghệ, gừng, chanh, bưởi trên cánh đồng mẫu lớn rộng 20ha với 37 hộ dân tham gia. Việc liên kết nhằm mục đích xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. HTX cung ứng giống, người dân góp đất và sản phẩm được bao tiêu. Sản phẩm được HTX thu mua luôn cao hơn giá bán chợ. Chỉ riêng chanh, giá thu mua cao hơn 5.000 đồng/kg so với giá thị trường. Trong 2 năm 2022 và 2023, HTX đã thu mua 36 tấn nghệ, gừng, chanh, bưởi của người dân để chế biến sâu, phục vụ xuất khẩu sang Châu Âu.

Ông Hà Văn Phương- Giám đốc HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông cho biết: “Với thành công đã mang lại, đơn vị có kế hoạch từ đây đến năm 2025 sẽ mở rộng liên kết với người dân trên diện tích 100ha. Bên cạnh đó, sẽ đặt thêm nhà máy tại Kon Tum để tăng khả năng chế biến, phục vụ xuất khẩu. Trong mối liên kết này, người dân vẫn giữ vai trò trung tâm, sẽ hưởng lợi lớn, bền vững khi tham gia chuỗi sản xuất này”.

Người dân đổi đời

Giữa trưa nắng, tổ liên kết 12 hộ dân thôn Tu Mơ Rông (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) tất bật leo lên quả đồi cao hun hút để chăm sóc vườn sâm dây rộng 2ha. Họ chia thành từng tốp nhỏ. Có tốp hì hục nhổ cỏ, tốp khác kéo đường ống để chống hạn cho vườn sâm dây.

Lau giọt mồ hôi nhễ nhại trên má, anh A Blinh (thành viên tổ liên kết) cho biết, trên phần diện tích này, trước đây, bà con chỉ trồng mì, nhưng năng suất thấp, cuộc sống mãi nghèo khó. Thấy cây sâm dây cho lợi nhuận cao gấp 10 lần mì nên bà con chuyển đổi sang trồng với hy vọng đổi đời. Từ suy nghĩ ấy, 12 hộ quyết định thành lập tổ liên kết và bắt tay hợp tác trồng sâm dây với hợp tác xã trên địa bàn. Tổ liên kết thành lập được 1 năm nay. Riêng vườn sâm dây này được tổ trồng 2 tháng và 12 hộ thay nhau chăm sóc.

Cũng theo anh A Blinh, do vị trí trồng là đồi dốc cao, nên chi phí đầu tư lớn, nhất là hệ thống nước tưới, phân bón. Anh hy vọng, nhà nước sẽ có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, đầu tư hạ tầng, vốn nhằm giúp bà con mở rộng diện tích liên kết trồng sâm dây.

Người dân liên kết phát triển sâm dây. Ảnh: P.N

Người dân liên kết phát triển sâm dây. Ảnh: P.N

Vườn sâm Ngọc Linh của anh A Ngôm (40 tuổi, thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri) có 1.000 cây, hiện phát triển xanh tốt dưới tán rừng già. Trong đó, nhiều cây đã 7 năm tuổi, cho ra những chùm hạt giống chất lượng để nhân rộng vườn. Giữa trưa nắng, vợ chồng anh lên rừng nhổ cỏ, tưới nước chống hạn cho vườn sâm. Theo anh, vườn sâm này là tài sản lớn nhất của gia đình, đã giúp anh thoát nghèo. Gia đình kỳ vọng thời gian tới, khi vườn sâm được nhân rộng, sẽ vươn lên làm giàu, mua được xe ô tô.

“Cuộc sống tốt đẹp như bây giờ là do gia đình đã tham gia tổ liên kết trồng sâm với doanh nghiệp. Tổ có hàng chục người, cùng huy động sức lực, kinh nghiệm bảo vệ rừng và tham gia trồng sâm. Đổi lại, doanh nghiệp trả lương mỗi tháng 3 triệu đồng, được tặng heo ăn tết, mỗi năm còn được tặng 100 cây sâm giống. Từ sâm giống được tặng khi tham gia liên kết, gia đình mới phát triển được vườn sâm giá trị như hiện tại” - anh Ngôm nói.

Ông Nguyễn Minh Trí- Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 300 hộ đồng bào DTTS liên kết trồng sâm với doanh nghiệp. Việc liên kết đã mang lại lợi ích cho đôi bên. Nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, bà con có nguồn lực để xây dựng vườn sâm. Thậm chí, nhiều người không chỉ thoát khỏi hộ nghèo mà còn vươn lên thành tỷ phú. Và cũng nhờ sự bắt tay này mà rừng được bảo vệ tốt hơn bởi bà con ý thức phải giữ rừng mới trồng được sâm.

Vẫn cần sự tiếp sức

Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất vùng đồng bào DTTS còn thiếu và yếu. Giá trị mang lại chưa tương xứng tiềm năng. Nhiều HTX cũng “than” việc liên kết đang gặp khó vì thiếu vốn.

Ông Hoàng Văn Tuấn- Trưởng Ban kiểm soát HTX Thảo dược cộng đồng Ngọc Yêu (xã Tu Mơ Rông) cho biết, trước kia, đơn vị tham gia thu mua măng tự nhiên của bà con đi thu hái trên núi về. Do măng tự nhiên chỉ có vào mùa mưa, nên việc thu mua măng bị gián đoạn, không bền vững. Hơn 1 năm nay, HTX chuyển hướng tái cơ cấu theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu để có sản phẩm quanh năm. Theo đó, đơn vị đã liên kết trồng măng với 26 hộ đồng bào của xã với diện tích 20ha. Trong việc liên kết này, vấn đề khó khăn là đời sống người dân còn nghèo nên bà con chỉ góp đất, công lao động, xe cộ; còn lại vốn đa phần do HTX lo.

“Ngặt nỗi, HTX cũng khó khăn về vốn. Do đó, đơn vị phải vay mượn tiền của người thân và đi thu mua nông sản, thảo dược trong dân để lấy kinh phí duy trì cho việc liên kết trồng măng nói trên. Cũng vì khó khăn này nên HTX mới liên kết trồng 20ha măng, dự định chờ 2 năm sau, măng cho thu hoạch, mang lại nguồn thu, thì HTX mới tính chuyện mở rộng thêm diện tích liên kết”- ông Tuấn nói.

Người dân liên kết trồng gừng. Ảnh: P.N

Người dân liên kết trồng gừng. Ảnh: P.N

Ông Võ Trung Mạnh-Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện có tiềm năng phát triển dược liệu. Để trồng dược liệu có hiệu quả, cần nhiều tổ liên kết cộng đồng tham gia chuỗi sản xuất với doanh nghiệp, HTX để cùng tận dụng thế mạnh của mỗi bên. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện chỉ có trên 50 tổ liên kết cộng đồng, chưa nhiều so với quy mô 28.000 dân của huyện. Trong khi đó, quy mô liên kết chưa lớn. Chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh về kỹ thuật, vốn để làm đầu tàu liên kết, dẫn dắt dân cùng tham gia chuỗi sản xuất. Ngoài ra, bà con đồng bào khi liên kết sản xuất nông nghiệp đang gặp một số khó khăn như địa bàn có địa hình đồi dốc, gây tốn kém đầu tư hạ tầng, nước tưới; nguồn vốn hỗ trợ đồng bào còn hạn chế…

“Để nâng cao đời sống người đồng bào Xơ Đăng, trong thời gian tới, huyện sẽ thúc đẩy, vận động xây dựng, hình thành thêm nhiều tổ liên kết để tham gia chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng; cho dân vay vốn ưu đãi để liên kết sản xuất; kêu gọi doanh nghiệp lớn, có tiềm lực vào sản xuất”- ông Mạnh nói.

Hy vọng với sự hợp tác chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, HTX, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ kịp thời về nguồn lực sẽ giúp các mối liên kết ngày càng chặt chẽ hơn, đôi bên cùng có lợi và cùng nhau song hành đưa dược liệu vươn xa hơn.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.