Nông nghiệp miền Trung - Tây Nguyên cần "cú hích" để tạo đột phá (bài cuối): Tăng liên kết và chế biến sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

TS Trần Công Thắng (ảnh) - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NNPTNT, cho rằng khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần một chính sách có tính đột phá để trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao mới.

 


Hy vọng có thêm chính sách cho tam nông

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Đăk Lăk vào ngày 28/9 sau 2 lần tổ chức rất thành công tại , ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của các hội nghị này?

- Đây là lần thứ 3 người đứng đầu Chính phủ cùng đại diện các bộ, ban, ngành trực tiếp đối thoại với nông dân và sau 2 lần đối thoại trước đều có sự chuyển biến tích cực, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ đối với người nông dân, với nông nghiệp, nông thôn.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân một mặt thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nông nghiệp, nông dân; thể hiện vai trò của ngành nông nghiệp, mặt khác người dân thấy được sự lắng nghe của Chính phủ nên càng tin tưởng vào sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.


 

Rang xay cà phê tại một cơ sở chế biến ở TP.Gia Nghĩa (Đăk Nông). Ảnh: TTXVN
Rang xay cà phê tại một cơ sở chế biến ở TP.Gia Nghĩa (Đăk Nông). Ảnh: TTXVN


"Chỉ cần chính sách thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư thì khu vực miền Trung -Tây Nguyên hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước".

TS Trần Công Thắng




Đồng thời thông qua hội nghị này, nông dân có thể bày tỏ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất với Thủ tướng và đại diện các bộ ngành; người đứng đầu Chính phủ thông qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân để ra được quyết sách hiệu quả, đúng theo nguyện vọng của người dân.

Ông có kỳ vọng có những đột phá chính sách cho nông nghiệp, nông thôn miền Trung - Tây Nguyên sau cuộc đối thoại lần này?

- Tôi nghĩ sau hội nghị lần thứ nhất và thứ 2, các chính sách phục vụ nông nghiệp, nông thôn đều có những chuyển biến tích cực. Có những trường hợp vướng mắc của nông dân được giải quyết ngay sau hội nghị, có những việc các bộ ngành, địa phương ngay sau đó triển khai vào cuộc, gỡ rối.

Với hội nghị lần này, Chính phủ có thể có những chính sách mới giúp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đến một bộ phận người dân, trong đó có dân nông thôn, hộ phi nông nghiệp, là những nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch.

"Cú hích" chế biến sâu

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, tuy nhiên dường như tiềm năng này vẫn chưa được khai thác đúng mức. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Có thể nhìn thấy rất rõ, dù ảnh hưởng của dịch nhưng ngành nông nghiệp ở các địa phương, trong đó có khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn có sự tăng trưởng, vượt qua khó khăn để trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa giữ vững giá trị kim ngạch xuất khẩu, dù con số có giảm nhưng không đáng kẻ, trong khi các nước trong khu vực đều giảm 20 - 30%.

Chuỗi cung ứng nông sản của nhiều nước bị đứt đoạn nhưng tại Việt Nam hàng hóa vẫn lưu thông, phục vụ trong nước và xuất khẩu.


 

 Kiểm tra nhiệt độ bên trong nhà phơi cà phê tại Nông trại cà phê Tà Đùng, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh Hưng Thịnh - TTXVN
Kiểm tra nhiệt độ bên trong nhà phơi cà phê tại Nông trại cà phê Tà Đùng, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh Hưng Thịnh - TTXVN



Đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có thể thấy, đây là vùng có tiềm năng phát triển nông nghiệp, với nhiều cây công nghiệp chủ lực, trong đó có cà phê, tiêu, cao su, trái cây.

Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, đạt kim ngạch xuất khẩu thường xuyên trên 3 tỷ USD/năm (chiếm 17,4% về lượng và 9,5% về giá trị xuất khẩu cà phê của thế giới, cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ).

 Cà phê cũng là cây trồng chủ lực của nhiều tỉnh Tây Nguyên, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân.

Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm nông sản chủ lực của Tây Nguyên vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, hàm lượng chế biến còn thấp. Những năm qua, dù có sự tăng trưởng về diện tích, sản lượng nhưng chất lượng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Vì vậy, để nâng cao giá trị phải chú trọng sản xuất gắn với chế biến, phát triển thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc, tập trung sản xuất bền vững, kết nối được với công nghệ chế biến, đặc biệt là chế biến sâu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển thị trường, tạo thương hiệu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Vừa qua, cà phê và chanh leo của Tây Nguyên là đã được xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Ông đánh giá thế nào về cơ hội này?

- Hiệu quả, tiềm năng và giá trị của cây cà phê chúng ta đã thấy rất rõ, dù thị trường gần đây có giảm về giá nhưng cà phê Việt Nam vẫn có uy tín trên thế giới, những lô cà phê đi EU sẽ góp phần nâng cao uy tín sản phẩm.

EU cũng đang là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 - 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).

Ngành cà phê Việt Nam cũng đang từng bước đổi mới, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU, đặc biệt các tiêu chuẩn về chất lượng và phát triển bền vững, đưa Việt Nam là điểm tham chiếu cho cà phê Robusta toàn cầu.

Chanh leo tuy là cây trồng mới nhưng đã thể hiện lợi thế rất tốt nhờ gắn kết vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến. Nếu đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thì không chỉ có cà phê, chanh leo mà thời gian tới còn có nhiều nông sản khác của miền Trung - Tây Nguyên có thể xuất khẩu.

Nhân dịp Thủ tướng đối thoại với nông dân, Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức lễ khởi công dự án chăn nuôi lợn giống lớn nhất khu vực Tây Nguyên của Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus (Hà Lan). Theo ông, tiềm năng chăn nuôi của vùng Tây Nguyên có được đánh thức sau sự kiện này?

- Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể. Từ trước đến nay, Tây Nguyên chưa phải là vùng chăn nuôi tập trung, nguyên nhân không phải do thiếu tiềm năng, lợi thế mà là do chưa có doanh nghiệp đầu tư.

Nếu có công nghệ, cộng với vốn đất đai rộng lớn, Tây Nguyên có thể trở thành một vùng chăn nuôi tập trung, trong đó những dự án đầu tư như của Hùng Nhơn và De Heus sẽ tạo ra điểm nhấn.

Để nông nghiệp miền Trung - Tây Nguyên cất cánh, cần cú hích như thế nào về mặt chính sách?

- Hiện các chính sách đầu tư cho nông nghiệp tương đối đầy đủ, hỗ trợ tốt cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, nhưng vẫn cần có những chính sách mang tính đột phá mới. Trong đó, theo tôi, đột phá lớn nhất là phải đẩy mạnh sản xuất chuyên ngành theo chuỗi liên kết, quan tâm đến nguồn lực của miền Trung - Tây Nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Thu hút đầu tư chế biến sâu, với những vùng sản xuất quy mô lớn thì chế biến rất quan trọng. Hiện, đã có nhiều dự án lớn đầu tư vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thể hiện sự quan tâm của các bộ ngành. Miền Trung - Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, chỉ cần chính sách thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư thì khu vực miền Trung - Tây Nguyên hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Xin cảm ơn ông!

 

https://danviet.vn/nong-nghiep-mien-trung-tay-nguyen-can-cu-hich-de-tao-dot-pha-bai-cuoi-tang-lien-ket-va-che-bien-sau-20200925170257749.htm

Theo Anh Thơ (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm