(GLO)- Sau vài vụ được mùa, được giá, thì đột nhiên giá mỳ mùa này rớt thê thảm khiến hàng nghìn nông dân ở Krông Pa phải đắng họng vì thua lỗ. Lối thoát được trông đợi nhất là Nhà máy mỳ Phú Túc lại “làm eo” quay lưng với lợi ích của nông dân trong khi đó diện tích trồng mỳ toàn huyện đã tăng lên chóng mặt…
“Có được sào đất nào cũng đem trồng mỳ hết, làm ra mười củ, nhà máy chỉ mua có hai củ, xắt lát bán ra ngoài thu về không đủ chi phí sản xuất. Làm gì mà chẳng chết !”- nông dân Mai Văn Vọng ở thị trấn Phú Túc ví von một cách đầy chua xót về thực trạng trồng mỳ ồ ạt ở Krông Pa khi nhìn đống mỳ lát của gia đình gặp phải trận mưa đã bốc mùi thối rữa sau nhiều ngày chờ đợi mà không bán được.
Cây mỳ trồng kín huyện
Tận dụng mọi diện tích để trồng mỳ. Ảnh: Đức Phương |
Ở vùng chảo lửa Krông Pa từ trước đến nay có lẽ chưa có loại cây trồng nào mà sự gia tăng về diện tích lại có thể nhanh như cây mỳ. Đi khắp các xã cánh Nam và cánh Bắc huyện ở đâu cũng thấy trồng mỳ. Người ta tận dụng mọi diện tích để trồng mỳ. Thậm chí người dân đang âm thầm cạo trọc các vùng đồi núi để lấy đất trồng mỳ khiến cả chính quyền và ngành chức năng lo ngại.
Ngoài những nguy cơ về tàn phá rừng và làm bạc màu đất thì việc phát triển mỳ ồ ạt đang gây tai họa khiến hàng nghìn nông dân ở huyện nghèo Krông Pa phải đắng họng vì giá mỳ rớt thê thảm.
Nếu như vụ thu hoạch mỳ năm ngoái, giá mỳ khô có lúc lên đến 6.000 đồng/kg và mỳ tươi là 3.600 đồng/kg, thì vụ thu hoạch này giá mỳ đã rớt thê thảm, có thời điểm xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg mỳ khô và 1.000 đồng/kg mỳ tươi. Người nông dân năm ngoái kiếm lời khoảng 40 triệu đồng/ha mỳ một cách nhẹ nhàng thì năm nay họ đang “buồn nẫu ruột vì biết chắc rằng có thu hoạch về thì may lắm là hòa vốn vì chi phí để trồng, chăm sóc và thu hoạch đã lên đến 15-20 triệu đồng/ha”. - Nông dân Mai Văn Vọng ở thị trấn Phú Túc (Krông Pa) chua chát nói.
Dẫu lo sợ bị thua lỗ vì rớt giá nhưng người dân Krông Pa vẫn phải tiếp tục trồng mỳ. Vụ mùa này họ đem cả những mảnh đất bằng phẳng, đẹp đẽ ra để trồng mỳ chỉ vì một lý do đơn giản là chưa có loại cây nào dễ trồng và phù hợp với điều kiện vùng đất khô khát, không có nước tưới ở đây như cây mỳ. Bà Phi Thị Xuyên, ở khối 12, thị trấn Phú Túc, có đám rẫy 4 ha nằm đối diện trụ sở Xí nghiệp Khai thác Công trình thủy lợi Ia Mláh, nhưng “quanh năm chỉ biết trồng mì, được mất nhờ nước trời”.
Bà Xuyên ngán ngẩm: “Thiếu kênh mương, thiếu cả cánh đồng nên nước chỉ chảy về tưới đường nhựa thôi chú à. Người dân vùng đất “khát” Krông Pa chúng tôi không trồng mỳ thì chẳng trồng được thứ gì khác ở những diện tích xa sông suối này”.
Vì thế mà diện tích trồng mỳ của huyện Krông Pa liên tục tăng lên đến 11.000 ha, được xếp vào tốp địa phương dẫn đầu tỉnh.
Khủng hoảng thừa
Sản lượng củ mỳ tăng mạnh nhưng giá bán thấp khiến nhiều nông dân đối mặt với thua lỗ nặng. Ảnh: Đức Phương |
Theo quy hoạch cây trồng, toàn huyện Krông Pa có 8.000 ha mỳ. Tuy nhiên, hiện diện tích mỳ toàn huyện đã lên đến 11.000 ha (vượt 3.000 ha) và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc người dân tự phát trồng mỳ ồ ạt đã khiến cho diện tích và sản lượng mỳ tăng lên một cách nhanh chóng và gây nên tình trạng dư thừa sản phẩm.
Trong khi đó, trên địa bàn huyện có Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu Phú Túc chuyên sản xuất bột mỳ được xây dựng với kỳ vọng tiêu thụ sản phẩm củ mỳ giúp nông dân thì lại gây quá nhiều thất vọng. Liên tục 5-6 năm liền, nhà máy đã ì xèo, dây dưa nợ nần tiền mua mỳ của nông dân. Sang vụ thu hoạch mỳ này, đơn vị chủ quản là Công ty điện máy Hải Phòng (thuộc Bộ Công thương) đã cho Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm ở Hà Nội thuê lại nhà máy. Những tưởng chủ mới thì mọi chuyện sẽ khá hơn, nhưng “bình vẫn thế mà rượu vẫn cũ”.
Nhà máy mỳ này vẫn cứ ép dân, vào vụ thì mua mỳ giá thấp, lúc trời mưa thì chỉ mua cầm chừng mỗi ngày vài chục xe (khoảng 100 tấn mì tươi). Theo nhiều người dân thì vụ này nhà máy vẫn tiếp tục không ký hợp đồng mua mỳ củ trực tiếp với dân mà nông dân muốn bán mỳ cho nhà máy phải thông qua các “cò mì” là cánh lái xe tải. “Chỉ có đám lái xe mới có phiếu nhập mỳ nhanh được” - nông dân Nay Khương ở xã Ia Rsai ngại ngần cho biết.
Một lý do khác khiến sản phẩm mỳ bị dồn ứ, tiêu thụ không được là do công suất của nhà máy này quá nhỏ, chỉ chạy 300 tấn mỳ tươi/ngày. “Nhà máy chạy suốt mùa chỉ tiêu thụ hết sản lượng của 3.000 ha mỳ, trong khi toàn huyện có 11.000 ha mỳ. Rõ ràng là không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân. Vì thế gần 80% sản lượng mỳ của huyện vẫn phải xắt lát để chờ bán mỳ khô, và khi thị trường xuống giá thì nông dân thua thiệt nặng”. - Ông Trần Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nói.
Đâu là lối thoát ?
Để tìm đầu ra cho sản phẩm củ mỳ giúp nông dân Krông Pa, UBND tỉnh đã đồng ý cho Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu Phú Túc nâng công suất nhà máy lên gấp đôi hiện tại, đạt 200 tấn bột mì/ngày, tương đương gần 600 tấn mỳ tươi. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì đã một thời gian dài trôi qua nhưng phía nhà máy vẫn không thực hiện nâng công suất.
Trước tình hình đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành mới đây, ông Trần Văn Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Krông Pa đề xuất tỉnh cho xây dựng thêm một nhà máy chế biến tinh bột sắn tại địa phương. Còn ông Bùi Khắc Quang- Bí thư Huyện ủy thì đề xuất tỉnh điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh để huyện chuyển đổi 5.000 đất trồng mỳ sang trồng mía.
Thế nhưng cả hai ý kiến đề xuất của lãnh đạo huyện gặp phải trở ngại vì đại diện Sở Công thương, ông Huỳnh Ngọc Tục cho rằng cần phải cẩn trọng khi xây thêm nhà máy vì qua tìm hiểu sản phẩm bột mỳ của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc thường bị ép giá và đang chịu cạnh tranh rất lớn từ sản phẩm bột mỳ của Campuchia và Lào.
Còn ông Kpă Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cũng cho rằng viêc phát triển mỳ ồ ạt sẽ dẫn đến nguy cơ phá rừng để lấy đất sản xuất và gây bạc màu đất. “Trước tình hình các nhà máy mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn về tiêu thụ mía cho nông dân trong một vài năm gần đây thì việc tăng thêm diện tích mía của tỉnh là điều cần phải tính toán kỹ”.
Thực tế đó đồng nghĩa với việc diện tích và sản lượng mỳ đang tăng ồ ạt ở Krông Pa sẽ gặp nhiều bất trắc về thị trường trong thời gian tới nếu như chính quyền địa phương không có biện pháp kịp thời xử lý thu hẹp diện tích sản xuất.
Đức Phương