(GLO)- Với một tỉnh giàu tiềm năng sản xuất nông nghiệp như Gia Lai, con đường xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và thông minh sẽ là tất yếu.
Vậy nhưng, muốn có một nền nông nghiệp như vậy trong khi đã có công nghệ sản xuất thì phải có lực lượng sản xuất tương ứng. Nhập khẩu phương tiện phục vụ cho nền nông nghiệp này là chuyện phải làm. Tuy nhiên, nếu không có một đội ngũ nông dân nắm được kỹ năng, kỹ thuật điều hành sản xuất công nghệ cao thì câu chuyện nông nghiệp công nghệ cao này chưa thể thành hiện thực.
Ảnh minh họa |
Một khi người nông dân đã dần làm quen với các thiết bị công nghệ như: điện thoại thông minh, máy vi tính và tự mình lên mạng để tìm hiểu những kiến thức về công nghệ sản xuất nông nghiệp thì đó chính là cơ sở để bắt đầu hình thành một đội ngũ “nông dân công nghệ cao”. Dĩ nhiên, sự hình thành này không thể có kết quả ở diện rộng trong ngày một ngày hai, nhưng với sản xuất nông nghiệp, những mô hình sản xuất nào mang lại hiệu quả cao, mang lại lợi nhuận cao, chắc chắn sẽ được nhân rộng. Vấn đề ở đây là ai sẽ làm công việc “nhân rộng điển hình” ấy?
Trước tiên, đó là các tổ chức khuyến nông, từ tổ chức của Nhà nước tới các tổ chức phi chính phủ chuyên về nông nghiệp. Những tổ chức này được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về nông nghiệp đã có từ cấp xã lên cấp huyện và cấp tỉnh sẽ tạo những điều kiện căn bản cho sự truyền thụ kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao, thông qua các mô hình thực tế. Với nông nghiệp, không có những mô hình thực tế thành công thì không thể nói chuyện phát triển hay “nhân rộng điển hình”. So với những biện pháp phát triển nông nghiệp khá thủ công trước đây, việc đưa những kiến thức công nghệ về nông nghiệp hiện nay đến với nông dân có những điều kiện thuận lợi rất cơ bản.
Hiện nay, nông dân không còn hoàn toàn xa lạ với công nghệ thông tin, nhất là tầng lớp nông dân trẻ, nông dân có trình độ học vấn. Công nghệ thông tin trong nông nghiệp có sức thu hút họ rất mạnh, vì sự mới mẻ, tạo nên niềm đam mê và mang lại lợi ích rất nhanh chóng nếu làm chủ được nó. Vì thế, muốn có một đội ngũ nông dân công nghệ cao thì trước nhất phải xây dựng được một hạ tầng công nghệ cao về nông nghiệp ở nông thôn nhằm thu hút nông dân đến với hạ tầng này, làm chủ nó, đồng thời áp dụng nó vào sản xuất nông nghiệp. Làm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay có một thuận lợi cơ bản, đó là việc “người dạy người, nghề dạy nghề”. Chỉ cần trong thôn xóm có những người đầu tiên làm việc này và đạt kết quả thì những người học theo sẽ không thiếu và việc học theo cũng khá hiệu quả. Lâu nay, chúng ta hay nói về “xã hội học tập”. Vậy thì không có xã hội học tập nào thu hút được nông dân tham gia như xã hội học tập công nghệ cao trong nông nghiệp. Vấn đề là phải có những người đi trước và phải có công cụ học tập và ứng dụng.
Không có sự liên kết với những công ty sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao thì sẽ khó có mô hình thực tập, khó có công cụ học tập và ứng dụng, đồng thời khó tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nhưng nhất định phải là công ty thực chất, không phải loại “mượn đầu công nghệ cao… nấu cháo” để mưu lợi chỗ khác, việc khác. Chỉ cần có được những công ty thực tâm muốn làm nông nghiệp công nghệ cao, kiên trì tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp mình sản xuất thì sẽ làm hạt nhân để hình thành một nền nông nghiệp công nghệ cao, cũng như hình thành một đội ngũ nông dân công nghệ cao. Đó cũng là cách tốt nhất để thu hút học sinh thi vào các trường nông nghiệp, thu hút ngày càng nhiều những người trẻ say mê với công nghệ cao về nông nghiệp và quyết dấn thân cho lĩnh vực này.
Hình thành một đội ngũ “nông dân công nghệ cao” là việc lớn của cả đất nước nhưng rất cần những địa phương đi trước, tiên phong cho công việc lớn này. Và, Gia Lai có tiềm năng để trở thành một địa phương đi trước như vậy.
Thanh Thảo