(GLO)- Đến nay, người dân thị xã An Khê đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích mía. Tuy vậy, cùng với giá mía bị hạ xuống thấp chỉ còn 400-450 đồng/kg, việc chậm thanh toán tiền mía của Công ty cổ phần (CP) Đường Bình Định đã khiến cho đời sống của nông dân càng trở nên điêu đứng. Nhiều người không đòi được nợ nên buộc phải lấy đường của Công ty về bán phá giá để có tiền trang trải cho các khoản thuê nhân công và tiền đầu tư trồng mía.
Dù bị nợ tiền mía nhưng nông dân vẫn phải thu hoạch. |
Theo bà Đ.T.N. (ở thôn An Xuân 3, xã Xuân An) trồng gần 40 ha mía với tổng chi phí gần 400 triệu đồng. Từ đầu mùa đến nay, bà đã thu hoạch được hơn 20 ha và nhập hết cho Công ty CP Đường Bình Định nhưng đến nay mới chỉ được trả 18 triệu đồng. Bà bức xúc nói: “Khi đến cân mía, Công ty CP Đường Bình Định có dán giấy thông báo là sau khi bán mía khoảng 15 ngày sẽ được nhận tiền nhưng từ đầu mùa đến nay tôi nhập gần 400 tấn mía nhưng mới chỉ được trả 18 triệu đồng. Không chỉ riêng tôi mà còn nhiều người rơi vào tình cảnh này. Vì không biết lấy tiền ở đâu để trang trải nợ nần nên chúng tôi phải lấy đường về bán. Tuy vậy, giá bán ra ngoài thấp hơn giá lấy từ Công ty nên chúng tôi không biết lấy tiền ở đâu để bù khoản tiền bị lỗ”.
Bà Giang-chủ đại lý thu mua mía ở phường Ngô Mây cho hay “10 ngày đầu, Công ty CP Đường Bình Định vẫn trả tiền bình thường nhưng những ngày sau đó chúng tôi không nhận được đồng nào. Trước tình hình này, lãnh đạo Công ty đã tổ chức họp và hứa sẽ làm thủ tục vay vốn và trả sớm cho nông dân. Tuy nhiên, vì cần tiền để trả cho nhân công và tiền lãi nợ ngân hàng nên chúng tôi đã thương lượng với Công ty là sẽ lấy đường về bán. Sau khi trao đổi, lãnh đạo Công ty đã đồng ý với mức giá đường là 11.100 đồng/kg. Song, khi bán ra ngoài, chỉ những người quen biết với các chủ đại lý mới bán được giá 11.100 đồng/kg, số còn lại muốn bán lấy được tiền liền phải chịu lỗ 50-100 ngàn đồng/tấn đường hoặc hạ thấp xuống 1-2 giá”. Cũng theo bà Giang, hai hôm trước, có trên 20 hộ nông dân và các chủ đại lý thu mua mía trên địa bàn thị xã An Khê đã lấy đường của Công ty về bán. Hiện tại, Công ty đã nâng giá đường lên 11.300 đồng/kg nên một số hộ đã dừng việc lấy đường.
Không chỉ chủ ruộng mía và các chủ đại lý thu mua đang gặp khó mà những người chặt mía, chất mía và chở mía thuê trên địa bàn thị xã cũng đang héo mặt vì không được thanh toán tiền công. Bà Đào Thị Kim Loan (ở thôn An Xuân 3, xã Xuân An) nói: Tôi bỏ ra 4 ngày đi chặt thuê mía từ đầu vụ mùa được 560 ngàn đồng tiền công nhưng đến nay mới chỉ được trả 300 ngàn đồng. Lý do được các chủ ruộng đưa ra là do Công ty CP Đường Bình Định chưa thanh toán tiền bán mía nên họ không có tiền để trả tiền thuê nhân công. Nản quá nên tôi và nhiều người dân ở đây cũng không còn muốn đi chặt mía thuê nữa vì không biết đến khi nào mới được nhận khoản tiền mà mình đã đổ mồi hôi và công sức để làm ra.
Để xác minh thêm sự việc, P.V Báo Gia Lai đã gọi điện cho ông Phan Lâm Tường-Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Bình Định nhưng không được ông Tường tiếp chuyện. Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Lê Thanh Tâm-Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: Hiện nay, nông dân đang rất bức xúc vì đã bán mía cho Công ty CP Đường Bình Định nhưng không được thanh toán bằng tiền mặt mà thanh toán bằng đường với mức giá do Công ty quy định là 11.100 đồng/kg, cao hơn giá đường bán bên ngoài là 100 đồng/kg. Đã thế, nhiều hộ không bán được phải nhờ đến các đại lý mua nhưng vì sản phẩm của các đại lý đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết nên không thể thu mua nổi số đường của nông dân đã lấy từ Công ty. Điều này đã khiến cho thu nhập của những nông dân bán mía cho Công ty CP Đường Bình Định gặp nhiều khó khăn. Trong tình hình này, UBND thị xã sẽ có văn bản đề nghị Công ty nên tạo điều kiện trả bằng tiền cho người dân. Nếu không trả bằng tiền được thì Công ty phải có văn bản gửi cho UBND thị xã biết để tuyên truyền, hướng dẫn giải quyết vấn đề thu mua mía để đảm bảo quyền lợi cho nông dân trên địa bàn.
Hồng Thương