(GLO)- Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” ở xã A Dơk (huyện Đak Đoa) đã có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế trên địa bàn xã, ông Byin-Chủ tịch Hội Nông dân xã A Dơk, cho biết: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” phát triển mạnh không chỉ tạo động lực cho hội viên, nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu mà còn có tác động tích cực đến kết quả xây dựng nông thôn mới của xã. Vì vậy, thời gian qua, Hội đã luôn tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào để hội viên đăng ký tham gia. Trên cơ sở đó, Hội tạo mọi điều kiện để hội viên, nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật, các nguồn vốn vay phát triển kinh tế.
Cán bộ Hội Nông dân xã A Dơk hướng dẫn hội viên cách sử dụng phân bón. Ảnh: N.H |
Theo đó, từ năm 2011 đến nay, Hội Nông dân xã A Dơk đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp 140 hội viên vay vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất kinh doanh với tổng dư nợ 2,5 tỷ đồng. Đồng thời, Hội phối hợp tổ chức 18 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ cho trên 900 hội viên, nông dân tham gia. Thông qua dự án IFAD, Hội đã thành lập được 27 nhóm chung sở thích (gồm 15 nhóm trồng và chăm sóc cà phê, 9 nhóm chăn nuôi heo, 4 nhóm chăn nuôi bò và 1 nhóm dệt thổ cẩm) để giúp hội viên, nông dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn sản xuất, chăn nuôi.
Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích cộng với sự siêng năng, chăm chỉ trong lao động, nhiều hội viên đã đầu tư sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả và thoát nghèo; số hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp cũng tăng lên gần 285 hộ với thu nhập 50-300 triệu đồng/năm (toàn Hội có 813 hội viên). Một trong số đó là gia đình ông Y Nhứi (làng Biơng). Nhờ được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, gia đình ông đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như: cà phê, lúa nước. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu gần 300 triệu đồng từ 2,5 ha cà phê, lúa nước và chăn nuôi heo. Gia đình ông cũng vừa đầu tư trồng 1.000 trụ hồ tiêu.
Tương tự, từ nguồn vốn vay được, gia đình ông Nguyễn Văn Chữ (thôn Tân Lập) đã đầu tư vào chăm sóc cà phê và hồ tiêu để nâng cao năng suất. Đến nay, gia đình ông đã trồng được 1,5 ha cà phê, trên 500 trụ hồ tiêu, mỗi năm thu 250 triệu đồng. Ông Chữ chia sẻ: Trước đây, vườn cà phê của gia đình cho năng suất thấp phần vì thiếu kinh nghiệm canh tác, phần vì nguồn vốn đầu tư phân bón hạn hẹp. Những năm gần đây, nhờ biết áp dụng kỹ thuật canh tác học được từ các buổi tập huấn và được vay vốn đầu tư phân bón mà năng suất đạt cao. Nhiều hộ đã đến tham quan vườn cây của gia đình để học hỏi kinh nghiệm.
Trao đổi với P.V, ông Byin-Chủ tịch Hội Nông dân xã A Dơk, cho biết thêm: Nhờ đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, hội viên, nông dân trong xã đã đổi mới tư duy, suy nghĩ, tích cực đưa các loại cây, con giống mới cho năng suất cao vào sản xuất kinh doanh để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Đặc biệt, khi đời sống được nâng cao, họ đã có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, ngoài việc hiến gần 2.000 m2 đất, hội viên, nông dân trong xã còn đóng góp hơn 600 ngày công và gần 1 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, nạo vét kênh mương, dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn. Ngoài ra, họ cũng rất có ý thức trong giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhờ đó, đến nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nhật Hào