Nỗi niềm giáo viên trường tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đội ngũ giáo viên các trường tư thục bỗng dưng rơi vào cảnh... thất nghiệp. Ngoài một bộ phận nhận được sự hỗ trợ từ phía đơn vị chủ quản, nhiều người trong số họ phải vất vả xoay xở tìm kế sinh nhai.
Chật vật mưu sinh
Gần 7 năm công tác tại Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên (phường Yên Đổ, TP. Pleiku), chị Lê Quảng Bình Thủy xem đây như là ngôi nhà thứ 2 của mình. Thế nhưng, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài bất đắc dĩ vì dịch Covid-19 đã khiến chị không còn được đến lớp mỗi ngày. Đáng nói là khoản thu nhập chính từ việc nuôi dạy trẻ của chị cũng bị “cắt đứt”. Sau một thời gian “được thuê đâu thì làm đấy”, qua sự giới thiệu của bạn bè, chị Thủy tìm đến Công ty TNHH Nhà sạch Âu Cơ (TP. Pleiku) xin làm nhân viên dịch vụ nhà sạch. Tại đây, chị được công ty này tư vấn sang làm dịch vụ “Dạy và chăm sóc trẻ mẫu giáo tại nhà” mà họ sắp triển khai. “Tôi cảm thấy công việc này rất phù hợp với nhiệm vụ dạy trẻ kỹ năng và chơi với trẻ, đồng thời chuẩn bị cơm trưa cho gia đình phụ huynh. Thời gian làm việc từ 7 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần, trừ chủ nhật. Mức lương Công ty dự kiến sẽ trả cho tôi là 3,7 triệu đồng/tháng. Nhưng trước mắt, tôi vẫn chưa thể đi làm vì đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ”-chị Thủy chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài phải đưa con theo cùng trong những ngày đi hái hồ tiêu thuê. Ảnh: N.T
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài phải đưa con theo cùng trong những ngày đi hái hồ tiêu thuê. Ảnh: N.T
Trong khi đó, nhiều giáo viên không thể xin làm thời vụ tại các doanh nghiệp đành phải tự kinh doanh, bán hàng online, thậm chí làm thuê việc đồng áng. Dưới nắng trưa gay gắt, chị Nguyễn Thị Thu Hoài (tổ 2, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) vẫn cần mẫn hái hồ tiêu thuê. Bên cạnh là đứa con gái 3 tuổi được chị đưa theo cùng vì không có người trông coi. Chị Hoài vốn là giáo viên hợp đồng môn Tiếng Anh. Vì vậy, trong thời gian học sinh tạm nghỉ để phòng-chống dịch Covid-19, chị mất việc và không được nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào. “Nhiều năm qua, thu nhập chính của tôi đều dựa vào tiền lương hợp đồng theo số tiết đứng lớp. Giờ đây, tôi phải xoay xở đủ cách mới có thể tạm duy trì nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Mỗi ngày tôi đều phải làm quần quật từ 7 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều, không dám nghỉ trưa. Khi thì tưới, cắt cành, bón phân cà phê, lúc lại hái hồ tiêu, chanh dây… thuê. Bản thân vốn không quen với công việc làm rẫy nên tôi thấy rất vất vả. Mong sao dịch bệnh sớm qua mau để tôi có thể tiếp tục trở lại trường lớp”-chị Hoài thở dài tâm sự.
Tương tự, chị Trần Thị Thơm-giáo viên Trường Mầm non tư thục Chim Non (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cũng bộc bạch: “Khi còn đứng lớp, tôi nhận trung bình 3,5-4,5 triệu đồng/tháng. Nhưng khi nghỉ dạy, ai cũng phải đứng trước nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Để có chi phí trang trải cuộc sống, tôi phải đi cuốc cỏ hay hái hồ tiêu, chanh dây thuê với tiền công 150.000 đồng/ngày. Nhưng cái khó là không phải ngày nào mình cũng được thuê mướn; mọi thứ đều phụ thuộc vào người ta. Một số công việc khác nặng nhọc hơn thì mình không đủ sức theo”.
Chỉ hơn 30% cán bộ, giáo viên ngoài công lập được hỗ trợ
Để phòng-chống dịch bệnh, UBND tỉnh đã quyết định cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS, THPT, học viên, sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh tạm nghỉ từ đầu tháng 2-2020 tới ngày 15-4 và có thể sẽ còn tiếp tục kéo dài. Điều này khiến hệ thống các trường tư thục phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi chẳng còn nguồn thu, dẫn đến không có khả năng chi trả lương, bảo hiểm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Theo số liệu tổng hợp từ Phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo), tính đến tháng 1-2020, toàn tỉnh có 34 trường mầm non tư thục, 3 trường mầm non dân lập và 206 nhóm/lớp mầm non tư thục độc lập. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên ngoài công lập là 1.744 người nhưng chỉ khoảng hơn 30% trong số đó là nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Mức hỗ trợ dao động trong khoảng 1-2,3 triệu đồng/người/tháng.
Các trường mầm non im lìm mùa dịch bệnh. Ảnh: H.T
Các trường mầm non im lìm mùa dịch bệnh. Ảnh: H.T
Bà Nguyễn Thị Sang-Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (phường Ia Kring, TP. Pleiku) thông tin: “Nhờ sự quan tâm của Hội dòng con Đức mẹ Vô Nhiễm, 40 giáo viên, nhân viên của trường đã được hỗ trợ lương và bảo hiểm trong tháng 2 với tổng số tiền hơn 87,7 triệu đồng. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường, chưa biết khi nào trẻ mới có thể đi học trở lại. Vì vậy, chúng tôi đề xuất ngành Giáo dục-Đào tạo có phương án hỗ trợ thêm cho các trường tư thục trong giai đoạn khó khăn này”.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo)-cho hay: Trước tình hình khó khăn chung, phần lớn các cơ sở giáo dục tư thục đều đã chủ động đề ra giải pháp hỗ trợ cán bộ, giáo viên ổn định cuộc sống nhằm giữ chân họ tiếp tục gắn bó với trường, nhóm lớp. Phương thức và mức hỗ trợ tùy theo điều kiện của mỗi đơn vị. “Mới đây, chúng tôi cũng đã làm việc với các phòng Giáo dục và Đào tạo, sau đó đề xuất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao đổi với UBND cấp huyện để có hướng hỗ trợ. Đồng thời, đề nghị các chủ cơ sở huy động sự đóng góp của phụ huynh hoặc nhà hảo tâm để giúp những giáo viên chưa được cơ sở giáo dục hỗ trợ lương vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
HỒNG THI-NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.