Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, tính đến 31-5-2018, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương là 1.631,9 tỷ đồng...
Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, tính đến 31-5-2018, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương là 1.631,9 tỷ đồng (giảm 89,3% so với tổng số nợ 15.218 tỷ đồng vào thời điểm tháng 1-2016).
Sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Hà Tĩnh có 115 xã đạt chuẩn NTM; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. |
Cụ thể, đã có 40 tỉnh cơ bản xử lý xong nợ đọng, 22 tỉnh có số nợ đọng trên 10 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có những địa phương có số nợ đọng trên 100 tỷ đồng và 2 địa phương tự cân đối ngân sách còn nợ đọng đã xử lý xong nợ.
Như vậy, với tiến độ như hiện nay thì nhiều địa phương sẽ hoàn thành sớm mục tiêu xử lý nợ xây dựng cơ bản của Chương trình theo yêu cầu của Quốc hội.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, dự kiến năm 2018, cả nước huy động khoảng 322.174 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách Trung ương là 8.719 tỷ đồng, đối ứng từ ngân sách địa phương là 29.935 tỷ đồng, lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác 34.127,9 tỷ đồng; vốn tín dụng 217.336,7 tỷ đồng; doanh nghiệp 13.720,8 tỷ đồng; cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp 18.335,2 tỷ đồng.
Đến nay, có 50/51 địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đã có Quyết định phân bổ kế hoạch vốn năm 2018 được giao (tỉnh Thái Bình đang trình UBND tỉnh phê duyệt).
Tính đến tháng 5/2018, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình đạt khoảng 14% so với kế hoạch.
Nhờ đó, hạ tầng nông thôn tiếp tục được các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng. Đến nay, cả nước đã có 4.944 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt 55,4%), 7.653 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt 85,7%), 5.063 xã đạt tiêu chí trường học (đạt 56,7%), 4.707 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 52,7%), 6.362 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (đạt 71,3%)...
Bên cạnh đó, các địa phương đã quan tâm, chú trọng đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chủ động bố trí nguồn lực từ Chương trình nông thôn mới để hỗ trợ phát triển HTX (vốn ngân sách Trung ương được các địa phương bố trí tăng gấp 7 lần, từ 22 tỷ đồng lên 154 tỷ đồng).
Đến nay, cả nước có 32 liên hiệp HTX nông nghiệp và 12.388 HTX nông nghiệp.
Doanh thu bình quân khoảng 980 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động là 1,5 triệu đồng/tháng; Số lượng HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã cũng tăng từ dưới 10% trước đây lên 20,5%.
Nhiều địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực cũng như tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn.
Đến nay, đã có 38 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có nhiều địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai,...).
Đến nay, cả nước đã có 4.893 xã (54,8%) đạt tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm...
Thành Trung/TTXVN