(GLO)- Tình cờ đến với nghề báo, nhưng khá nhiều cây bút, tay máy tại Gia Lai đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình qua nhiều năm công tác. Nổi bật ở họ là sự đeo bám, dấn thân, là tinh thần trách nhiệm cao độ thể hiện qua mỗi đơn vị tin bài, từng thước phim. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, Báo Gia Lai đã có cuộc trò chuyện với những nhà báo “tay ngang” này.
* Nhà báo Mạnh Hà (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh):
“Mong muốn đem đến những thước phim đẹp, ý nghĩa”
“Tôi đến với nghề báo rất tình cờ. Ngày đó, tốt nghiệp Đại học Luật-Đại học Quốc gia Hà Nội, trong thời gian chờ việc thì có người giới thiệu về Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thử việc, thử rồi không dứt ra được”- nhà báo Mạnh Hà cho biết về lý do anh ngẫu nhiên đến với nghề báo từ hơn chục năm trước.
Lâu nay, khi nói về truyền hình, nhiều người vẫn thường đề cao vai trò của người biên tập, song vai trò của người quay phim cũng quan trọng không kém. Quay sao cho đúng ý đồ, kịch bản, làm tôn thêm lời bình của người biên tập, làm cho tác phẩm tốt hơn là điều không hề dễ dàng. Điều này rõ ràng là không hề dễ dàng với Mạnh Hà khi đến với chiếc máy quay mà không được đào tạo bài bản, chỉ học qua lớp quay phim ngắn hạn trong vòng 1 tháng.
Anh thẳng thắn thừa nhận: “Tôi từng quay phim rất kém, có đạo diễn đã yêu cầu không cho tôi cầm máy quay nữa. Lúc đó mình rất bực, tự nghĩ tại sao người ta làm được mà mình không làm được?”. Chính sự “tự ái” đáng giá này mà anh quyết định phải không ngừng học hỏi và vươn lên bằng cách xem tác phẩm của đồng nghiệp ở các Đài Phát thanh-Truyền hình ở các thành phố lớn, học hỏi, tự điều chỉnh từng khung hình, từng góc máy một. Anh còn có lợi thế là được đồng nghiệp tạo điều kiện chỉ bảo, giúp đỡ rất tận tình.
Khi đã ổn định, tay nghề cứng cáp thì Mạnh Hà bắt đầu nghĩ đến việc sáng tạo cái riêng, đó là không “nói nhiều” mà thường chịu khó để ý và đặc tả cảm xúc nhân vật, để cho cảm xúc nói lên tâm trạng của nhân vật. Với sự nỗ lực và chín chắn trong nghề, Mạnh Hà là cái tên thường xuất hiện trong nhóm tác giả đạt giải tại Giải Báo chí tỉnh hay các liên hoan Phát thanh-Truyền hình; mới đây nhất là giải A Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần II-2013 với tác phẩm “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” mà anh là người quay chính.
* Nhà báo Công Bắc (Đài Tiếng nói Việt Nam):
Bản lĩnh, nhanh nhạy
Tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, chuyên ngành Nông Lâm nhưng Công Bắc lại bất ngờ rẽ sang nghề báo. Công Bắc có 2 năm công tác ở cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tây Nguyên (Đak Lak), sau đó chuyển sang thường trú ở Gia Lai. Qua 2 năm, cái tên Công Bắc dần được bạn đọc, bạn nghe đài chú ý.
Mới đây, thông tin loạt 5 bài “Xe chở gỗ quá khổ, quá tải và những nghi vấn tiêu cực” đạt giải nhì Giải Báo chí Quốc gia 2012 khiến cái tên Công Bắc càng đáng nhớ hơn. Anh cho biết, loạt bài này thuộc thể loại phát thanh trực tiếp, đòi hỏi phóng viên phải có bản lĩnh và đủ nhanh nhạy để có thể mô tả và tường thuật trực tiếp ngay tại hiện trường và đưa thông tin tức thời đến bạn nghe đài.
Ít ai biết rằng, trong 1 tháng đầu khi đến với nghề báo, Công Bắc đã định bỏ việc vì cảm thấy không phù hợp; tuy nhiên, khi có những sản phẩm đầu tay thì lại thấy được tiếp thêm sự lạc quan. Thêm vào đó, một đồng nghiệp động viên: “Trong nghề báo, quan trọng nhất là tính trung thực, sau đó mới nói đến chuyện chuyên môn và đam mê”. Kiến thức nền về lĩnh vực nông lâm cũng là một lợi thế của nhà báo trẻ này khi xông pha vào những đề tài liên quan đến rừng.
2 năm thường trú, Công Bắc cho hay: “Đi thường trú có những ưu điểm: phóng viên va chạm, tiếp xúc nhiều hơn, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng hơn, độc lập hơn”. Khoảng thời gian này cũng giúp Công Bắc nhận ra rằng môi trường báo chí ở Gia Lai rất sôi động, có thể nói là sôi động nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên, là nơi lý tưởng cho phóng viên trẻ học việc. Theo lý giải của anh, nói sôi động nhất là bởi tính cạnh tranh thông tin cao, tính tương tác giữa phóng viên và chính quyền cao, chính quyền rất quan tâm đến đội ngũ làm báo cũng như thông tin báo chí đưa ra.
* Nhà báo Nguyễn Giác (Báo Gia Lai):
Đeo bám “tin nóng” đến cùng
Từng thi vào Khoa Báo chí-Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh nhưng vì không đủ điểm nên Nguyễn Giác đành chuyển sang học Khoa Lịch sử. “Ngày đó thích nghề báo nhưng chỉ là thích một cách cảm tính thôi”-Nguyễn Giác cho biết. Ra trường, anh về công tác tại Phòng Nghiệp vụ-Bảo tàng tỉnh từ năm 2004.
Sẵn niềm yêu thích với nhiếp ảnh, trong quá trình công tác, ngoài nhiệm vụ chụp hình hiện vật anh còn tranh thủ ghi lại nét đẹp của đất và người trên những ngôi làng mình đi qua và gửi ảnh cộng tác với Báo Gia Lai, sau đó mạnh dạn cộng tác thêm những tin ngắn. Niềm yêu thích ngày nào với nghề báo lại quay trở lại.
Tháng 2-2009, Nguyễn Giác đang là Trưởng phòng Nghiệp vụ-Bảo tàng tỉnh, xin về Báo Gia Lai làm… phóng viên thử việc. Tiếp cận dần nghề báo với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, Nguyễn Giác dần dần xác định được thế mạnh của mình khi đeo bám “tin nóng”; nơi nào có sự vụ là có mặt Nguyễn Giác, từ nhà cháy, tai nạn, đâm chém đến vỡ nợ, phá rừng…, một mảng tin tức xã hội mà bạn đọc rất quan tâm, đòi hỏi nhà báo phải hết sức nhanh nhạy và có mạng lưới thông tín viên rộng.
Gần đây nhất, Nguyễn Giác nổi bật với những bài viết về những sự vụ như phá rừng phòng hộ ở Đak Đoa, phá rừng thông Mang Yang, vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2… Chính vì thường “nhảy dù” vào những điểm nóng nên Nguyễn Giác cũng không ít lần bị đe dọa. Nói về những nguy hiểm có thể xảy đến cho cho bản thân và gia đình, anh chia sẻ: “Cũng có nghĩ tới nhưng bị sự kiện thu hút là mình lại muốn đeo bám. Có người nói với mình rằng “gan thì nhỏ mà cứ làm cho to”, nhưng hễ có việc thì mình phải làm”. Song, có lẽ cũng chính vì điều đó mà nghề báo trở nên vô cùng thú vị, hấp dẫn.
Phương Duyên