Nhờ những người mẹ không phải ruột thịt mà con của những người đàn bà điên có được tương lai.
|
Mẹ Thảo cùng các con ở làng trẻ SOS. ẢNH: LAM NGỌC |
Ở mái ấm tình thương, những đứa trẻ có mẹ điên tránh được cái nhìn mỉa mai của cuộc đời. Hơn thế, các em có thêm một gia đình với những người anh em mới cùng chung cảnh ngộ.
|
Ngôi nhà riêng trong làng trẻ là chỗ ở cho từng gia đình với một người mẹ và khoảng 10 người con |
Sống lại tuổi thơ
Ngài Hermann Gmeiner - người sáng lập Làng trẻ em SOS từng nói: "Tất cả mọi việc lớn trên đời chỉ có thể trở thành hiện thực khi có ai đó làm nhiều hơn những việc mà họ phải làm". Như châm ngôn đó, những người mẹ ở làng trẻ đã làm cho các đứa trẻ bất hạnh nhiều hơn những gì có thể.
Hôm tôi đến, Làng trẻ SOS ở Nghệ An vừa tiếp nhận bốn đứa trẻ (quê Đắk Lắk) là chị em ruột có mẹ bị tâm thần còn cha bị tai nạn lao động đang nằm liệt. Bốn đứa trẻ được đưa vào nhà mẹ Thảo, tuy hơi chật chội nhưng bốn chị em ruột được ở cùng nhau. Chúng lại tự ý thức được hoàn cảnh của mình nên rất ngoan cũng khiến mẹ Thảo giảm một phần áp lực.
13 đứa trẻ sàn sàn tuổi, cùng sống chung trong ngôi nhà có sân vườn, cây cỏ. Thức ăn hằng ngày được mẹ Thảo đi chợ mua và về tự chế biến. Tới bữa, bọn trẻ tập trung ăn trong bếp chừng 5 - 7 m2. 13 đứa trẻ ngủ theo giường tầng, có gối riêng. Được sống trong môi trường như thế là ngoài sức tưởng tượng với bốn đứa trẻ mới được đưa vào.
Có lẽ trước khi được đưa vào làng trẻ SOS chúng đã phải trải qua những ngày tháng đầy ám ảnh bên người mẹ điên. Bởi vậy, cứ nghe ai nói đưa về nhà là chúng co rúm: “Con muốn ở đây”, “Mẹ hay đánh lắm, con sợ mẹ lắm”.
|
Mỗi gia đình trong làng trẻ SOS đều lưu lại hình ảnh của những người con dù hiện tại họ không còn ở trong làng trẻ |
Bốn đứa trẻ đều là con gái (hai chị em sinh đôi 9 tuổi, đứa 7 tuổi và đứa 6 tuổi). Dân gian thường nói: “Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần” (ba đứa con trai thì không giàu, bốn đứa con gái thì không nghèo). Vậy mà cha mẹ của bốn bé gái này lại nghèo xơ nghèo xác.
Chỉ khi được đưa vào làng SOS chúng như bắt đầu được sống với tuổi thơ, được yêu thương bằng tình yêu dịu dàng của một người mẹ. Mẹ Thảo vuốt ve những đứa bé mới đến đầy yêu thương: "Hôm mới đưa vào, Mỹ Ngọc (6 tuổi) nhỏ nhất nhà nên ngủ với mẹ. Còn ba chị ngủ cùng nhau trong phòng khác. Chúng dễ chịu lắm. Cho ăn là ăn, nói học là học. Lúc rảnh cứ lẽo đẽo bám mẹ. Có lẽ chúng thèm được yêu thương".
Từ ngày có thêm chị em Ngọc, nhà mẹ Thảo trở thành ngôi nhà đông trẻ nhỏ nhất, ồn ào nhất nhưng cũng nhiều tiếng cười nhất làng. Kiên nhẫn và ân cần với từng đứa từ miếng ăn cho đến cách ứng xử, chị Thảo tâm sự: "Nhà có 1 - 2 đứa trẻ đã ồn ào, đằng này mười mấy đứa rồi đủ thứ chuyện từ ăn ở cho tới học hành. Nếu chỉ coi đây là công việc tôi nghĩ không ai trụ được. Chỉ khi nghĩ đến hoàn cảnh bất hạnh của các con và những điều mình có thể mang lại cho chúng, khi đó mình mới có động lực để gắn bó".
Người mẹ thứ hai
Cao Thị Lan (24 tuổi, con gái của một người mẹ điên) chân thành chia sẻ cô cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được lớn lên trong làng trẻ. Giờ đây, khi đã là “người của công chúng” (được nhiều người biết đến qua chương trình giải phẫu thẩm mỹ “hành trình lột xác” của Bệnh viện Kang Nam), nhưng mỗi việc từ nhỏ nhất Lan đều hỏi ý kiến của mẹ Nguyễn Thị Vĩnh (người nuôi dưỡng cô tại làng trẻ SOS). Hiện tại, Lan đã là sinh viên của Trường đại học Kinh tế Vinh, phải chuyển ra khỏi làng trẻ để dành chỗ cho các em nhỏ khó khăn khác. Tuy nhiên, tuần nào Lan cũng về làng để ăn với mẹ Vĩnh bữa cơm, ngủ với mẹ một đêm để thủ thỉ, tâm tình với mẹ.
|
Làng trẻ SOS đã cho những đứa trẻ một ngôi nhà thứ hai |
Lan kể, lúc còn ở trong làng, mỗi lần có việc tranh cãi mẹ lại gặp riêng Lan và đứa em ruột hỏi từng chuyện cặn kẽ rồi phân xử. Mẹ thường không đứng hẳn về một phía nào để không bị cho là thiên vị nên sau mỗi lần như vậy, chị em Lan đều tâm phục khẩu phục. Tới khi đủ 18 tuổi, ra khỏi làng thì vẫn theo lệ đó, mỗi khi có chuyện không thể thống nhất, mỗi người lại nói với mẹ để mẹ hướng dẫn cách xử lý. Gần nhất là việc Cường định nghỉ học. Mẹ gọi cả Lan và Cường về để khuyên răn. “Em nói, Cường không nghe nhưng mẹ nói thì nghe liền”, Lan cho biết.
Từng là thanh niên xung phong trở về sau thời chiến, không có con nên mẹ Vĩnh dành trọn tình thương, lo lắng cho những đứa con mẹ chăm sóc trong làng. Hơn 30 năm gắn bó ở làng trẻ, tới nay tính ra mẹ Vĩnh có tới trăm người con. Con của mẹ từ làng trẻ giờ có mặt làm việc và thành công ở khắp ba miền đất nước. Trong số đó, có những người thành công, trở thành người đứng đầu doanh nghiệp. Với những đứa con sắp hoàn thành bậc đại học mẹ Vĩnh lại giúp kết nối với những anh chị lớn đã thành công để được hướng dẫn.
Theo chế độ ở làng trẻ, mỗi em sau khi đủ 18 tuổi phải ra khỏi làng. Nếu học cao đẳng sẽ được làng trợ cấp 1,7 triệu đồng/tháng và 2 triệu đồng/tháng với người học đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học, các em còn được nhận một số tiền trợ cấp trong 3 tháng chờ tìm việc. Ngoài ra, còn có một số tiền tiết kiệm từ các khoản phí dư ra trong những năm ở làng. Tất cả để tạo điều kiện để các em sau khi hoàn thành việc học sẽ có được một số vốn làm công cụ bước vào cuộc sống.
Không chỉ quan tâm tới công việc, học hành của các con sau khi rời làng, mẹ Vĩnh còn giúp các con quản lý số tiền tiết kiệm để sử dụng vào những việc có ích. Sổ vẫn đứng tên con nhưng mẹ Vĩnh giữ sổ để đảm bảo các con không rút tiền để sử dụng không đúng mục đích. Khi nào thấy các con thật chín chắn, số tiền các con dùng thật sự có ý nghĩa, mẹ đồng ý cho rút thì mới giao sổ. Và trên thực tế, cách làm của mẹ đều khiến những đứa con khi rời làng cảm thấy biết ơn. Bằng cách làm nghiêm khắc như vậy mà 10 đứa con của mẹ Vĩnh khi ra khỏi làng trẻ đều ngoan ngoãn và sau một thời gian rời trường đã đạt được thành công.
Mang hơi ấm gia đình
Người sáng lập làng trẻ SOS bản thân cũng từng là một trẻ mồ côi mẹ nên ông luôn mong ước về một trung tâm gia đình chăm sóc trẻ em dựa trên bốn yếu tố: một người mẹ, một ngôi nhà, anh chị em và một ngôi làng. Bởi vậy ngoài việc lo ăn, ở, ông tâm huyết muốn tạo hơi ấm gia đình. Có lẽ cũng bởi vậy mà làng SOS tồn tại theo kiểu từng gia đình nhỏ trong ngôi làng lớn. Ngoài những sinh hoạt chung thì còn có sinh hoạt gia đình riêng. Ở môi trường đó, những đứa trẻ không có cảm giác bị tách rời xã hội và cũng không cảm thấy trống rỗng và lạc lõng.
Theo Lam Ngọc (TNO)