(GLO)- Làm từ thiện xuất phát từ trái tim, “gieo mầm” yêu thương để kết nối thêm nhiều trái tim đến với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Đó là thông điệp mà những người làm từ thiện như gia đình các anh chị: Lê Thống Nhất-Bùi Thị Tường Vân, Nguyễn Tấn Minh-Trương Thị Cẩm Thạch, Nguyễn Thị Hồng Phượng đã và đang lan tỏa trong cộng đồng.
Vì học trò nghèo
Ở huyện Mang Yang, hầu hết trường Tiểu học, THCS vùng khó khăn như: Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đê Ar, Đak Trôi đều biết đến hoạt động thiện nguyện của vợ chồng anh chị Nguyễn Tấn Minh-Trương Thị Cẩm Thạch (đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Kon Dơng). Hơn 7 năm qua, họ đã hỗ trợ các trường nhiều công trình ý nghĩa như: nhà nội trú yêu thương, sân vui chơi, giếng khoan, nhà vệ sinh hay đơn giản hơn là chiếc xe đạp, suất học bổng, những chiếc ba lô mới để giúp các em đến trường.
Ngày 22-8, tôi có dịp cùng gia đình chị Thạch vào tổ chức chương trình “Sách đến vùng cao-trao ngàn tri thức” tại Trường Tiểu học Kon Chiêng (điểm trường làng Ktu). Đây là chương trình chị Thạch kết nối với nhóm Những ước mơ xanh thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Trước đó 1 ngày, chị đã vào chuẩn bị từ maket, trang trí, thông báo giờ học sinh tập trung nhận quà.
Ngay khi xuống xe, chị Thạch nhanh chóng cho học sinh đứng theo từng hàng, hỗ trợ nhóm tặng quà. Không chỉ được nhận kẹo và thưởng thức những que kem mát lạnh, các em còn được xem những màn ảo thuật, tham gia trò chơi lăn bowling, ném bóng vào rổ, vẽ tranh và được cắt tóc miễn phí. Cùng với đó, 338 phần quà được trao cho các em vào cuối chương trình. Với học sinh vùng khó, những món quà này thực sự ý nghĩa khi ngày tựu trường sắp đến.
Thầy Đinh Tấn Cảnh-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Kon Chiêng-nhận xét: “Chị Thạch đã vào trường tổ chức rất nhiều chương trình, vừa đem đến niềm vui vừa động viên để các em gắn bó với con chữ. Là địa bàn vùng khó, nhà trường rất vui khi có sự đồng hành giúp đỡ của gia đình chị Thạch”.
|
Chị Trương Thị Cẩm Thạch tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Kon Chiêng. Ảnh: Phan Lài |
Tâm huyết với hoạt động từ thiện hơn 10 năm qua, vợ chồng anh chị Lê Thống Nhất-Bùi Thị Tường Vân (đường Wừu, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cũng đã kết nối với các Mạnh Thường Quân giúp đỡ được nhiều học sinh khó khăn ở trên địa bàn tỉnh. 6 giờ sáng ngày 25-8, vợ chồng anh Nhất lái chiếc xe ô tô bán tải đến chợ đêm Pleiku nhận thực phẩm do các tiểu thương ủng hộ để hỗ trợ Mái ấm Ayun (huyện Mang Yang). Đây là mái ấm đang nuôi dưỡng 26 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Năm 2016, trong một đợt đi từ thiện, anh Nhất tình cờ biết được mái ấm này. Khi thấy nơi sinh hoạt khá chật hẹp, thiếu nhà vệ sinh, phòng ở thì chật chội, nóng bức vào mùa hè, anh Nhất đã đăng thông tin trên trang Facebook và được nhiều Mạnh Thường Quân kết nối, giúp sửa sang, xây dựng thêm một số công trình mái ấm để các em tiện sinh hoạt. Hơn 4 năm qua, anh cùng các Mạnh Thường Quân nhận cung cấp thực phẩm và chở đến tận nơi cho các em.
Sơ Nía-phụ trách Mái ấm Ayun-cho hay: “Các em sinh sống tại mái ấm ở nhiều huyện khác nhau, do có hoàn cảnh khó khăn hay mồ côi cha mẹ nên được gửi đến đây. Thời gian qua, nhờ sự kết nối của anh Nhất, chúng tôi có thêm cơ sở vật chất, điều kiện để chăm sóc các em tốt hơn”.
Qua trò chuyện, chúng tôi biết thêm nhiều gia đình giàu lòng thiện nguyện, có tấm lòng hướng về học sinh nghèo. Đó là gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Phượng (đường Đoàn Thị Điểm, phường Diên Hồng, TP. Pleiku). Những năm gần đây, chị Phượng cùng nhóm thiện nguyện Hiểu và thương đã kết nối với các Mạnh Thường Quân để hỗ trợ học bổng cho các em học sinh nghèo Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê). Từ danh sách học sinh khó khăn do nhà trường cung cấp, chị Phượng hỗ trợ 6-10 em, mỗi tháng 200.000 đồng/em trong nhiều năm học.
Em Đỗ Thị Thúy Hạnh sinh ra trong gia đình có 6 chị em và thuộc diện cận nghèo, là một trong những học sinh được nhận học bổng hàng tháng. Em vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với điểm xét nguyện vọng: Toán 9; Sinh học 7,25; Hóa học 8,25. “Có được kết quả này là nhờ sự giúp đỡ của các thầy-cô giáo và cô Phượng. Em rất vui vì kết quả thi tốt và sẽ cố gắng học tập tốt ở môi trường mới để không phụ tấm lòng thầy cô, nhất là cô Phượng”-Hạnh chia sẻ.
|
Vợ chồng anh Lê Thống Nhất nhận thực phẩm hỗ trợ cho Mái ấm Ayun (huyện Mang Yang). Ảnh: Phan Lài |
Đồng lòng làm thiện nguyện
Anh Nhất là chủ của một công ty tổ chức sự kiện, còn chị Tường Vân là biên tập viên công tác tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku. Dù bận rộn công việc, nhưng nghe nói có người khó khăn đang cần giúp đỡ, anh chị lại sắp xếp thời gian để tới khảo sát, kêu gọi sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân. Nhiều lúc, chị Vân bận việc, anh Nhất lại chạy xe đi một mình.
Gặp chị Phượng sau chuyến từ thiện ở làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang), qua trò chuyện, tôi thấy được niềm tin và tâm huyết với hoạt động thiện nguyện của người phụ nữ này. Chị Phượng chia sẻ: “Kinh tế gia đình tuy không dư dả nhưng tôi muốn góp một phần nhỏ vào các hoạt động từ thiện. Tôi với bạn học cùng lớp là chị Đào Thị Thùy Dương lập nhóm thiện nguyện Hiểu và thương. Mục tiêu của nhóm là hỗ trợ các em học sinh khó khăn và người dân vùng khó”.
Lúc đầu, nhóm chỉ có 2 thành viên, khi thấy được những hoạt động ý nghĩa của nhóm, 2 người chị dâu của chị Phượng đã tham gia hỗ trợ rồi trở thành thành viên của nhóm. Chị Phượng bày tỏ: “Tôi vui vì gia đình ủng hộ hoạt động từ thiện của mình. Nếu gia đình không hiểu, không tạo điều kiện thì sẽ rất khó duy trì tâm huyết”.
|
Vợ chồng anh Nguyễn Tấn Minh chụp hình cùng em nhỏ xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang). Ảnh: Phan Lài |
Từng mất 2 đứa con ngay từ khi còn trong bụng, sau biến cố đó, chị Thạch thường đến các trại trẻ mồ côi hay vào làng để tặng quà cho các em nhỏ như một cách làm vơi bớt nỗi đau buồn. Những ngày đầu, chị Thạch tự bỏ tiền túi để mua quà tặng. Nhìn thấy những đứa trẻ thiếu thốn, nước mắt chị lăn dài. Sau đó, chị kết nối với các Mạnh Thường Quân để có điều kiện giúp các em vơi đi phần nào khó khăn, thiếu thốn.
Thấy việc làm ý nghĩa nên gia đình luôn ủng hộ chị Thạch, đặc biệt, cô con gái năm nay 18 tuổi cũng là người luôn đồng hành cùng mẹ trong các chuyến đi. Còn anh Minh đang làm kế toán tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang, cũng sắp xếp thời gian những ngày cuối tuần để cùng vợ con vào làng làm từ thiện. Những nơi họ đến, người dân và các em nhỏ đều vui mừng như gặp người thân.
“Có đi mới biết mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Vì thế, gia đình tôi cứ cố gắng hết mình, bởi trao niềm vui cũng là nhận lại niềm vui”-anh Minh tâm sự.
Hạnh phúc là sự sẻ chia
Anh Nhất, chị Vân, anh Minh, chị Thạch, chị Phượng đã gắn bó với hoạt động từ thiện nhiều năm, họ không còn nhớ đã trao đi bao nhiêu món quà ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần đến tận tay người cần được giúp đỡ.
Các hoạt động từ thiện của anh Nhất đều hướng đến các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Để những chuyến đi có ý nghĩa, các phần quà đến đúng đối tượng thực sự cần, anh dành thời gian đi tiền trạm để tìm hiểu thực tế. Những phần việc là công trình lớn như xây cầu, xây nhà, anh Nhất phải đi lại tìm hiểu rất nhiều lần. Đi từ thiện nhiều, nhưng kỷ niệm anh nhớ mãi là lần vào tặng quà tại xã Kon Pne (huyện Kbang). Chương trình dự kiến tổ chức vào buổi tối nhưng vì quãng đường dài gần 200 km, xe lại bị sa lầy nên chương trình phải dời đến sáng hôm sau.
Anh Nhất chia sẻ: “Tôi vui vì thấy niềm vui trên gương mặt của người dân, và vui hơn khi nhận được sự tin tưởng, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân khắp nơi gửi về. Để làm được công việc này, một mình tôi không thể nào đủ sức mà có sự chung tay của tất cả mọi người”.
|
Nhóm thiện nguyện Hiểu và thương tặng quà cho học sinh Trường THPT Trường Chinh. Ảnh: Phan Lài |
Hơn 7 năm “bén duyên” với hoạt động từ thiện, đến nay, vợ chồng chị Thạch là “địa chỉ” tin cậy được nhiều người gửi gắm để giúp đỡ người nghèo. Nhiều lúc không kêu gọi trên trang Facebook cá nhân nhưng những nhóm thiện nguyện có kinh phí muốn hỗ trợ xây dựng các công trình đã chủ động kết nối sẻ chia thực hiện.
Chị Thạch cho hay: “Có người gọi điện thoại rồi chuyển khoản, có nhiều người trực tiếp đem đến vài trăm ngàn đồng. Tất cả tôi đều ghi chép cẩn thận để rõ ràng, minh bạch, tạo được uy tín với các Mạnh Thường Quân”.
Gắn bó hoạt động thiện nguyện trong nhiều năm qua, chị Phượng cũng thấy mình thật may mắn khi nhận được sự tin tưởng của các Mạnh Thường Quân. “Tôi chỉ mong mình có được sức khỏe để tiếp tục làm từ thiện. Những món quà tặng nhiều khi không lớn về vật chất, nhưng nó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh tinh thần để những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống”-chị Phượng tâm niệm.
...Chứng kiến những hoạt động đầy ý nghĩa vì cộng đồng của gia đình anh Nhất, anh Minh, chị Phượng, chúng tôi xiết bao cảm phục và biết ơn trước những suy nghĩ tích cực và lòng thương người. Tôi gọi họ là những người “gieo” mầm yêu thương, bởi chính sự từ tâm, tấm lòng thơm thảo của họ sẽ còn tiếp tục lan tỏa và sẽ có thêm nhiều mảnh đời khó khăn được giúp đỡ.
PHAN LÀI