Những năm đầu thế kỷ 20, từ khi H.Parmentier đặt nền móng cho công tác nghiên cứu kiến trúc và nghệ thuật văn hóa Chăm Mỹ Sơn, ông Nguyễn Xuân Đồng là người VN đầu tiên tham gia ngay từ đầu nhiều cuộc trùng tu di tích, với vai trò chuyên viên.
Ông Nguyễn Xuân Đồng (1907 - 1986) sinh tại Bắc Ninh, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) từ năm 1928.
Ông Nguyễn Xuân Đồng (phải). |
Tham gia trùng tu nhiều ngọn tháp lớn
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Trần Kỳ Phương, từ tháng 7.1937, EFEO bắt đầu công việc trùng tu tại Mỹ Sơn dưới sự điều hành của Louis Bezacier và Nguyễn Xuân Đồng. Trong thời gian này, cả 2 chuyên gia đã tiến hành gia cố những đền tháp nhóm B và D. Đặc biệt, vào những năm 1937 - 1938, ngôi đền A1 - kiệt tác của kiến trúc Champa và 6 ngôi tháp nhỏ (từ A2 - A7) đã được đưa vào trùng tu trước. Từ năm 1938 - 1944, ông Nguyễn Xuân Đồng cùng đồng sự tiếp tục trùng tu, gia cố nền móng các tháp B3, B5, B6; C1, C2, C3; D1, D4. “Công cuộc trùng tu của Mỹ Sơn trong giai đoạn này được đánh dấu bằng lễ khánh thành công viên khảo cổ học Mỹ Sơn do Toàn quyền Đông Dương Decoux chủ trì vào tháng 8.1942”, ông Phương cho biết.
Không chỉ là người tham gia trùng tu nhiều ngọn tháp lớn ở Mỹ Sơn, ông Đồng còn là trợ thủ đắc lực của H.Parmentier trong việc nghiên cứu, phân loại và trưng bày các tác phẩm điêu khắc Chăm. Ông được EFEO bổ nhiệm làm quản thủ của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1938 - 1965 và là người Việt đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này. Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, kể sau khi nghỉ hưu, ông Đồng vẫn được bảo tàng mời làm cố vấn về chuyên môn cho đến ngày ông qua đời. “Cụ Đồng có kiến thức rộng, sâu sắc về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm. Cũng nhờ cụ giúp đỡ mà không ít cán bộ nghiên cứu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm thời bấy giờ nâng cao hiểu biết về văn hóa Champa…”, ông Tịnh nói.
Bức thư kêu cứu cho Mỹ Sơn
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho biết trong thời kỳ chiến tranh, giai đoạn bình yên của Mỹ Sơn kéo dài khoảng 10 năm (từ năm 1954 - 1964). Sau đó, từ năm 1965 trở đi, chiến tranh lan rộng, Mỹ Sơn dần bị bỏ phế rồi trở thành căn cứ hoạt động của du kích.
Từ năm 1966 trở đi, khu Thánh địa bị quân đội VNCH oanh kích liên tục vì khu vực này là địa điểm hoạt động của quân giải phóng miền Nam. “Tai họa lớn nhất đã xảy đến cho Mỹ Sơn là vào tháng 8.1969, khi máy bay B52 của Mỹ ném bom xuống khu di tích này. Trận bom này đã làm Mỹ Sơn hoàn toàn biến dạng. Hầu hết đền, tháp quan trọng đều bị sụp đổ, những hố bom lớn hiện còn thấy rải rác ở các nhóm B, E, F. Hai ngôi đền lớn của Mỹ Sơn là A1 (thế kỷ 10) và E4 (thế kỷ 11) bị sập hoàn toàn. Những ngôi đền khác đều hư hại nặng nề”, ông Phương nói.
Là người từng làm việc với ông Nguyễn Xuân Đồng trong suốt 3 năm (từ 1978 - 1981), ông Phương được cụ Đồng kể cho nghe câu chuyện về lá thư kêu cứu cho di tích. “Cụ biên một bức thư báo tin đồng thời tố cáo lính Mỹ phá hoại di tích gửi cho Philippe Stern (quản thủ Bảo tàng Guimet tại Paris)”, ông Phương kể. Philippe Stern là một học giả lỗi lạc và yêu nghệ thuật Ðông Dương. Sau khi nhận được bức thư, ông đã viết một bức thư khác tố cáo việc Mỹ Sơn bị đánh bom lên Nhà Trắng.
Bức thư đề ngày 8.12.1969 của Stern có đoạn: “Ngài tổng thống kính mến, là cựu tổng quản thủ của Bảo tàng Quốc gia Pháp, đặc trách về nghệ thuật Đông Nam Á (Bảo tàng Guimet), bao gồm nghệ thuật VN, tôi muốn nêu lên cùng ngài về tình trạng báo động của những di tích lịch sử Champa như một phần lịch sử thế giới…”. Ngay sau đó, vào tháng 1.1970, Tổng thống Nixon đã gửi thông điệp chính thức đến Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại miền Nam đề nghị tránh tối đa các thiệt hại cho các di tích do các hoạt động quân sự gây ra.
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng có lẽ thời điểm tổng thống Mỹ nhận được bức thư từ Philippe Stern, ông đã đọc được cuốn sách ảnh do một viên chức người Mỹ tại Đà Nẵng thực hiện với sự giúp sức của cụ Nguyễn Xuân Đồng. Nhiều khả năng chính cuốn sách này đã cung cấp thông tin đầy đủ về giá trị các di tích Chăm và Mỹ Sơn cho Nhà Trắng.
Hoàng Sơn/thanhnien