Những người bảo tồn "quốc bảo" sâm Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa núi rừng Ngọc Linh hùng vĩ, nhiều lúc cái lạnh giá như thấu buốt vào tim can, những chàng trai Xê Đăng vẫn miệt mài bám núi, bám rừng vun trồng, chăm sóc, tuần tra, bảo vệ. Họ ăn, ngủ cùng rừng để bảo tồn giống sâm "quốc bảo" của Việt Nam.
Nhân giống cây sâm
Cách trung tâm hành chính huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khoảng 40km, Trạm dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam) nằm chót vót trên một đỉnh đồi ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) với độ cao hơn 1.800m, xung quanh trạm dược liệu đã được rào kỹ, cô lập với bên ngoài.
Nơi đây là địa điểm bảo tồn, phát triển, nhân giống nguồn giống sâm Ngọc Linh quý hiếm để cung ứng cho người dân, doanh nghiệp trồng mới và thử nghiệm việc áp dụng một số phương pháp mới vào khâu nhân giống nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng cây giống.
 
Vườn nhân giống sâm ở Trạm dược liệu Trà Linh.
Ở Trạm dược liệu Trà Linh mùa này hoa sâm đã nở rộ, đỏ cả khoảng rừng. 15 chàng trai Xê Đăng vẫn miệt mài tách hạt, ươm, nhân giống, bảo vệ sâm Ngọc Linh. Tôi theo chân anh Hồ Văn Dem (45 tuổi, nhân viên thu hái sâm) ra vườn sâm quý.
Trước khi đi, anh Dem nhắc nhẹ: "Đi khéo không giẫm phải sâm". Đúng vậy, dưới tán rừng tươi xanh, thảm thực vật phong phú, từng cây sâm mọc lên khắp các nẻo đường đi ở vườn sâm, nếu không chú ý kỹ rất có thể giẫm lên loài cây quý giá này.
Ở trong khoảng rừng tươi xanh ấy, hàng nghìn cây sâm quý dưới bàn tay chăm sóc của các nhân viên đã đến mùa thu hạt, từng chùm quả đỏ mọng được bao bọc kỹ lưỡng trong bọc lưới. Nhẹ nhàng đưa tay vào gỡ mí nối của tấm lưới choàng một chùm hạt sâm chín đỏ, anh Dem ngắt bông sâm đã chín đều cho vào những chiếc giỏ mang theo.
Anh Dem nói rằng, hạt sâm Ngọc Linh thường mọc tập trung ở trung tâm tán lá. Sau hai tháng hạt bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm, vàng lục, khi chín ngả màu đỏ. Mỗi cây sâm Ngọc Linh có khoảng 10 - 40 hạt. "Đối với người dân ở vùng núi này, hạt sâm vô cùng quý giá.
Vì vậy việc chăm sóc cây sâm luôn được mỗi người đặt lên hàng đầu và kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng. Khi cây sâm cho hạt, để tránh những hạt sâm "thất thoát", người dân tiến hành bọc kỹ trong bọc lưới. Điều này cũng tránh cho những "kẻ trộm 4 chân" phá hoại", anh Dem nói.
 
Những chùm hoa sâm Ngọc Linh chín đỏ.
Dưới đôi mắt tinh tường của người nhân viên lâu năm tại trạm dược liệu, chỉ cần nhìn vào chùm hạt, anh Dem có thể đánh giá được mức độ chín của từng chùm hạt sâm. Vừa cẩn thận nhưng cũng rất điệu nghệ, chỉ trong 3 giờ đồng hồ, anh Dem đã thu hái được hàng chục chùm hạt sâm chín đỏ mang về khu nhà làm việc mà không rơi rụng bất cứ hạt nào.
Trong lúc anh Dem thu quả, ở một khoảng rừng khác, một nhóm thanh niên cũng đang tranh thủ lấy mùn cây dưới tán rừng tự nhiên Ngọc Linh về trộn thật kỹ phục vụ cho việc gieo ươm này.
Trưa đến, tranh thủ trước giờ cơm, cả nhóm các chàng trai cùng ngồi tách hạt sâm khỏi cành, phân loại thật kỹ những hạt sâm đảm bảo chất lượng để chiều đến mang đi gieo ươm.
Khác với cách gieo ươm thông thường của những người trồng sâm ở vùng Trà Linh, ở trạm dược liệu, việc gieo ươm được cải tiến gieo giống trong nhà ươm được che bạt xung quanh. Khi gieo ươm khoảng cách giữa các hạt cũng đều dần.
Theo một cán bộ ở Trạm dược liệu Trà Linh, việc nhân giống sâm tạo khoảng cách đều nhau góp phần nâng cao hiệu quả cây sâm và khi cây sâm giống phát triển không cần phải tỉa…
Ông Trần Út, Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho hay, Trạm dược Liệu Trà Linh hiện có tổng diện tích 50ha, đã phát triển trồng sâm khoảng 10ha với khoảng 250.000 cây sâm Ngọc Linh.
Hiện, trung tâm đang tập trung nhiều giải pháp để phát triển cây giống đạt hiệu quả cao như đưa cây giống vào trong nhà có mái che, chăm sóc trên giá thể mùn núi được lấy từ mùn đen ở trong rừng, đưa vào khay để gieo ươm rồi chăm sóc, đóng khung, đóng giàn rồi đổ mùn lên để gieo các cây giống để cung cấp các giống cây với chất lượng cao cung cấp ra bên ngoài.
Ngoài ra, việc tuần tra, bảo vệ sâm cũng được Trạm dược liệu Trà Linh chú trọng với công tác trực bảo vệ nghiêm ngặt 24/24, các hàng rào được gia cố thường xuyên, kiên cố dần, một số điểm xung yếu trung tâm gắn báo động, các camera giám sát.
"Ở Quảng Nam hiện nay thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nên nhu cầu mở rộng diện tích và cây giống đặt ra tính cấp thiết. Thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu, áp dụng nhiều phương pháp nhân giống hơn nữa để đưa tới cho bà con những giống sâm tốt nhất", ông Út nói.
Dành cả thanh xuân bảo tồn sâm
Đêm xuống, không khí ở vùng đất cao hơn 1.800m lạnh buốt, ngồi quây quần cùng các nhân viên ở bữa cơm tối, ngồi nghe những câu chuyện mới biết được rằng, trong những chàng thanh niên ấy, có người đã dùng cả thanh xuân để ăn, ngủ cùng sâm.
Như câu chuyện của anh Hồ Văn Dem, người Xê Đăng, ở nóc Con Pin, xã Trà Linh. Anh Dem năm nay 45 tuổi thì đã có đến 26 năm anh miệt mài gắn bó với ngôi nhà thứ 2 này. Anh Dem kể rằng, từ năm 1993, anh đã lên xin làm tại Trạm dược liệu này.
Lúc đó, đường sá vô cùng khó khăn nên anh phải lội bộ nhiều tiếng đồng hồ liền mới đến nơi. "Hồi xưa từ nhà tôi lên tới trạm dược liệu như bây giờ phải đi mất tầm hơn 2 tiếng lội đường rừng. Mà đường đi lúc đó khó khăn lắm, phải lòng vòng và vượt qua biết bao con dốc mới tới nơi", anh Dem kể lại.
Đường sá đi lại khó khăn đã đành, lúc bấy giờ điều kiện ở trung tâm dược liệu này cũng khốn khó. Nhiều năm liền anh Dem cùng các đồng nghiệp phải sống với cái lạnh giá với căn lều bằng lồ ô, mùa mưa bão xiêu vẹo, dột nát. Có lúc nhiệt độ xuống còn 5-6 độ C, nhiều người chịu không nổi khi xuống núi thì bị sốc nhiệt. Nhiều đêm đi tuần tra vườn sâm, xa quá, mệt quá nằm ngủ giữa rừng. Đang ngủ trời đổ mưa phải bật dậy tìm chỗ núp.
 
Nơi đây có biết bao chàng trai Xê Đăng dành cả tuổi trẻ để bảo tồn sâm "quốc bảo".
Dù khó, khổ là thế nhưng trải qua những tháng ngày công tác anh Dem dần quen với trạm dược liệu, dần dần công việc bảo vệ, nhân giống sâm Ngọc Linh trở thành "máu mủ" của anh lúc nào không hay. "Làm ở đây lâu quá rồi mình cứ ngỡ đây là nhà của mình. Có những khi về nhà được một ngày nhớ trạm, nhớ sâm quá nên lên lại anh Dem nói.
Hay như cặp cha truyền con nối Hồ Văn Dề (75 tuổi) và Hồ Văn Chính (29 tuổi, tổ trưởng tổ 2 của trạm) làm nhiều người khâm phục. Ông Dề từng là nhân viên của Trạm dược liệu Trà Linh, những năm tháng làm việc ở đây ông có dẫn theo cậu con trai Hồ Văn Chính đến trạm, cuối cùng anh Chính yêu cây sâm lúc nào không hay. Sau khi ông Dề nghỉ hưu, anh Chính quyết định lên đây nối gót cha tiếp tục làm việc.
"Mình làm ở đây ngoài tiền lương còn là đam mê và tình yêu của mình với cây sâm. Trách nhiệm của mình là bảo vệ, bảo tồn vườn sâm, chính vì thế nên phải canh gác cẩn thận không để mất sâm. Ở vườn sâm lâu ngày, mình xem vườn sâm như là ngôi nhà thứ 2 của mình", anh Chính tâm sự.
Anh Trần Xuân Huấn (37 tuổi, Trạm phó Trạm dược liệu Trà Linh) cũng là một trong những người gắn bó tuổi xuân với vườn sâm khi đã có hơn 13 năm gắn bó ở nơi này. Anh Huấn kể lúc mới chập chững làm nhân viên ở trạm đường sá chưa có, mỗi lần từ nhà lên Trạm dược liệu cũng mất hơn vài giờ lội bộ băng rừng. Lên đây anh phải sống trong căn lều nhỏ giữa rừng già, điện không có, đêm về phải chống chọi với cái lạnh thấu xương.
Công việc đầu tiên của anh Huấn là làm công nhân, canh gác vườn sâm không để bị mất một cây sâm quý nào. Sau đó anh trồng và chăm sóc sâm dù lúc đó lương mỗi tháng chỉ 200 đến 300 nghìn đồng nhưng anh Huấn vẫn luôn gắn bó. "Suốt ngày ở vườn sâm riết rồi cũng quen, ăn núi ngủ rừng là chuyện cơm bữa. Vì nhiệm vụ bảo vệ vườn sâm nên mình rất ít khi về nhà, có khi một tháng mới về một lần", Huấn cho biết.
Hiện nay, đầu ra của cây sâm Ngọc Linh rất tốt với giá khá cao, nếu phát triển tốt có thể trở thành "quốc kế dân sinh" ở vùng đất Nam Trà My này. Tuy nhiên, việc người dân trồng tự phát, không đúng kỹ thuật khiến năng suất, sản lượng thấp; tình trạng thu hoạch cây non dẫn đến sự thiếu hụt, cạn kiệt cây giống.
Vì vậy, công tác nhân giống, bảo tồn giống sâm quý của Trạm dược liệu Trà Linh là một điều thiết yếu. Có những người dành cả tuổi xuân của mình hết lòng với công tác nhân giống như anh Dem, anh Huấn…. cũng thật đáng tự hào.
Hà Vy (Cảnh sát toàn cầu online)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

null