Ly kỳ sâm Ngọc Linh: Ông Việt 'cuồng sâm'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đam mê sâm đến nỗi sẵn sàng bán đồ nhà để mua sâm, có cả nhà sâm khô (tương đương hàng tấn sâm tươi), được giới hàn lâm nghiên cứu sâm Ngọc Linh nể trọng..., đó là người đàn ông “cuồng sâm” Nguyễn Tấn Việt, 45 tuổi.
 
Ông Việt bên củ sâm quý trên 70 năm tuổi. Ảnh: Quang Viên
Mời tôi đến nhà sâm của mình ở Q.Tân Phú (TP.HCM), ông Việt chia sẻ: “Cả chục năm nay tôi chỉ âm thầm sưu tầm sâm với ước mơ có một bảo tàng sâm VN. Mấy hôm nay đọc loạt bài về sâm Ngọc Linh (SNL) của Báo Thanh Niên như “gãi đúng chỗ ngứa”…”.
Rồi ông thao thao bất tuyệt về sâm đúng như “cảnh báo” của TS Lê Thị Hồng Vân, giảng viên bộ môn dược liệu Trường ĐH Y Dược TP.HCM: “Nói đến sâm, anh Việt có thể nói từ sáng đến tối”.
Bán đồ nhà để mua sâm
“Tôi bén duyên với sâm từ khi má tôi bị… bệnh”, ông Việt mở đầu. Năm 2010, mẹ ông Việt bị ung thư trực tràng giai đoạn 3. Sau khi cắt bỏ khối u, bác sĩ cho biết mẹ ông sẽ sống không lâu. Nghe có người nói khi sau hóa xạ, dùng SNL sẽ phục hồi tốt, ông Việt chợt nhớ có lần người chú ở Quảng Nam tặng SNL, uống thấy rất khỏe nên nhờ mua giùm.
“Hồi đó sâm rẻ lắm chứ không đắt như bây giờ. Sâm tươi cắt lát ngâm với mật ong, má xài liên tục, sức khỏe dần phục hồi. Tôi cảm ơn bác sĩ đã cho má phác đồ điều trị chính xác, thuốc men tốt, nhưng tận trái tim thầm cảm ơn SNL. Đến nay, má vẫn khỏe mạnh, nhìn bề ngoài không ai nghĩ đang ung thư giai đoạn 3”.
 
Giáo sư Park (bìa phải) đến thăm nhà trưng bày sâm của ông Việt. Ảnh: NVCC
Từ đó, ông Việt bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về SNL. Lúc đầu mua vài ký sâm nhỏ về ngâm rượu, ngâm mật ong. Uống sâm thấy khỏe, “yêu đời”, thế là ông nhờ mua những củ lớn hơn. Đặc biệt, những củ lớn (có củ gần 2 kg) khi mới ngâm vào bình nhìn đã đẹp, sau một thời gian ra màu cánh gián hoặc vàng ươm còn đẹp hơn. Ngâm một bình rượu sâm có đầy đủ rễ, củ cái, thân củ, thân lá, hoa và hạt trong bình như một dáng bonsai.
 
 
 
Những củ sâm với nhiều hình dáng độc đáo. Ảnh: Quang Viên
“Màu rượu vàng sóng sánh trong sắc lung linh của bình thủy tinh, củ sâm lại nhiều dáng thế độc đáo khiến tôi say đắm cả ngày không chán. Tôi trở thành người cuồng sâm từ đó, làm được đồng nào là mua sâm, bán được món đồ nào của gia đình cũng mua sâm. Đến độ ba tôi nói thần kinh tôi có vấn đề”, ông Việt cười ha hả nói.

Bộ sưu tập sâm của anh Việt rất giá trị, có nhiều củ lâu năm, khó kiếm. Tôi rất ủng hộ ý tưởng lập bảo tàng sâm VN để mọi người hiểu về sâm VN hơn

TS Lê Văn Minh, Phó giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM
Mua được củ sâm về, ông tỉ mẩn rửa, có khi cả tiếng đồng hồ mới xong, không dám cho nhân viên rửa vì sợ bất cẩn làm gãy củ sâm mất vài trăm triệu. Nhiều khi đói quá, lấy rễ sâm khi rửa bị đứt, bỏ vào miệng nhai, khỏe ra, bỏ luôn bữa cơm chính. Rồi ông ngâm vào bình, ngắm nghía, “tự sướng”, nói một mình “đẹp quá Việt ơi!”.
Theo ông Việt, mấy năm gần đây mua được củ sâm lớn “chua lè”. Người bán chào nhiều nơi, ai trả giá cao nhất thì bán. Mà đâu phải lúc nào ông cũng có tiền, nhiều khi phải vay mượn. “Nói thì hơi tâm linh nhưng tôi được “trợ duyên” để sở hữu những củ sâm đẹp. Có hôm người ta chào củ sâm, lại nhằm lúc tôi hết tiền nên tiếc hùi hụi. Tự nhiên vài tiếng sau, có người hỏi mua bức tranh hay bộ bàn ghế, tôi bán liền giá rẻ rồi tức tốc điện chỗ bán sâm, thế là được thêm củ đẹp”, ông kể.
Kho sâm “hàng độc”
Kho sâm của ông Việt có nhiều củ sâm hình dạng kỳ lạ. Sâm hình thù giống người có cả hai chân, hai tay, một tay vẫy chào. Có củ hình người đang chạy, hình rồng, hình chữ S giống như bản đồ VN, củ hình rùa, ngựa, đà điểu… “Tôi còn giữ những củ sâm độc đáo dài cả mét, số mấu (đốt) gần cả trăm. Lúc khó khăn định bán bớt, nhưng hình như cái gì đó cách trở, nên may mắn còn”, ông Việt tâm sự.
Theo ông Việt, “sâm biết đi tìm nhau”. Năm 2014, ông mua một củ sâm hình con phượng hoàng đang bay (có cả lá, cả hạt). Ba năm sau, ông mua được một củ sâm khác giống củ sâm phượng hoàng đến độ kinh ngạc nên đặt tên cho cặp sâm này là “sâm vợ sâm chồng”. Điều thú vị là củ sâm mua sau từng sang tay qua hai người tận Hà Nội, chuyển ngược vào Sài Gòn qua tay một người khác rồi mới về đến nhà ông.
Ông Việt kể: “Có lần Giáo sư Park, cựu Chủ tịch Hiệp hội Sâm Hàn Quốc, đến thăm, khi tham quan các phòng trưng bày, giáo sư ngỡ ngàng, cứ lấy tay vỗ trên trán mình vì quá ngạc nhiên. Giáo sư cứ ôm chầm lấy tôi, bảo Việt là vô giá”.
TS Lê Thị Hồng Vân cho biết: “Người của anh Việt rải khắp nơi nên ảnh sưu tầm được tất tần tật các loại sâm từ SNL, sâm Vũ Diệp cho tới tam thất hoang. Anh cũng bỏ rất nhiều tiền để kiểm định. Đây là việc mà không phải người chơi sâm nào cũng làm được”.
Ngoài sưu tầm sâm, ông Việt còn nghĩ ra cách “luyện sâm” bằng phương pháp sấy lạnh tự nhiên để “luyện” ra những củ sâm “cứng như đá” lưu trữ lâu dài. “Sâm luyện đem ngâm rượu sẽ cho ra màu coca cola, uống tuyệt lắm. Nhiều người dùng một ly sâm của tôi nói rằng, lần đầu tiên họ uống một ly rượu sâm ngon như vậy”, ông nói. Ông Việt trải lòng: “Tôi sưu tầm vì SNL là “Thanh Điển” - “ân huệ của đất trời” ban cho VN. Nó hỗ trợ điều trị bệnh cho nhiều người, trong đó có má tôi. Nói một cách nào đó, tôi hàm ơn loại sâm này” .
Ước mơ bảo tàng sâm VN
Giáo sư Park khi qua VN đến thăm ông Việt đã đề nghị ông thành lập một bảo tàng về sâm VN, giáo sư sẽ giúp đỡ. Theo ông Việt, bảo tàng mà ông ấp ủ sẽ có đầy đủ những tiêu bản của sâm VN: SNL Kon Tum, SNL Quảng Nam, sâm Lai Châu, sâm Vũ Diệp, sâm tam thất hoang. Riêng sâm tam thất hoang có nhiều loại: ruột trắng, ruột tím, ruột vàng, ruột xám ghi, ruột vàng mỡ gà, ruột đỏ. Khách đến bảo tàng sẽ có một cái nhìn tổng quát về sâm VN, phân biệt được SNL ở vùng nào. Ví dụ, SNL trồng ở Kon Tum thì rễ nhiều, màu da sậm. SNL trồng ở Nam Trà My (Quảng Nam) có nhiều u (bướu), bước đốt thưa, màu da củ sâm mỏng và vàng hơn sâm ở Kon Tum. Khách sẽ phân biệt được sâm tự nhiên khác với sâm trồng, sâm vùi như thế nào; phân biệt được sự khác nhau giữa tam thất hoang và sâm hoang dã ra sao.
“Tôi có đủ đầy tiêu bản, hiện vật gốc để làm bảo tàng. Mong cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện cho giấc mơ “bảo tàng sâm” của tôi thành hiện thực”, ông Việt bày tỏ.
Nếu thành lập bảo tàng sâm VN, ông Việt cho biết sẽ có người phụ trách thuyết minh đầy đủ cho khách. Ông sẽ nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia về sâm tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thông tin. Quan trọng là lưu giữ được nguồn gien quý cho sâm VN.
TS Lê Văn Minh, Phó giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, nhận xét: “Bộ sưu tập sâm của anh Việt rất giá trị, có nhiều củ lâu năm, khó kiếm. Tôi rất ủng hộ ý tưởng lập bảo tàng sâm VN để mọi người hiểu về sâm VN hơn”. (còn tiếp)
Quang Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.