- Hai trăm rưỡi được không cậu trai, được thì tui lấy hết 3 cái luôn?
- Không được cô ơi, giá đó tụi con không có lời.
Cuộc ngã giá không thành, cô khách quay xe đi, tiếp tục rảo qua các phòng tranh khác. Anh thợ vẽ tiếp tục với bức tranh hoa sen đang dang dở.
Họa sĩ Nam Phương đang vẽ theo đơn đặt hàng của khách |
Chuyện ở phòng tranh
Cô khách rời đi, phía sau có tiếng của một anh thợ khung nói vọng lên: “Có khách tới hỏi là vui rồi, có khi cả ngày không thấy ai”. Anh thợ vẽ nhẹ nhàng đáp lại: “Mới đầu năm mà, còn ế lắm!”. Nói rồi, mạnh ai nấy tiếp tục công việc của mình.
Người qua lại trên đường Trần Phú (quận 5, TPHCM) khá nhộn nhịp, tuy nhiên các phòng tranh đều vắng khách. Mỗi phòng tranh một không gian với màu sắc, cọ vẽ và những người thợ vẽ đang tập trung, mọi thứ đều tĩnh lặng. Thi thoảng vài phòng tranh có khách ghé lại, hoặc nhân viên vận chuyển tới lấy tranh để giao cho khách.
Bức tranh hoa sen hoàn thành khoảng 70%, nghỉ tay một chút, thợ vẽ Hoàng Công (20 tuổi) cho biết: “Dịch bệnh, ai buôn bán gì cũng than ế, bán tranh ít nhiều cũng ảnh hưởng, nhưng một phần là mới đầu năm, ế là tình hình chung. Năm nào thì tầm này cũng vắng khách lắm, đắt nhất là mùa gần tết, trong năm thì lai rai thôi”.
Tranh chép có tiếng trong TPHCM phải kể đến đường tranh Trần Phú. Các tay cọ chép tranh ở đây khá đa dạng, một số ít là họa sĩ chuyên nghiệp, còn lại là họa sĩ không chuyên, sinh viên trường mỹ thuật, kiến trúc và những người học vẽ theo cách truyền nghề từ những người đi trước hoặc kiểu cha truyền con nối. Bởi thế mà mỗi phòng tranh có nét đặc sắc riêng, phụ thuộc vào tay nghề và tài năng riêng của các thợ vẽ, cùng là một bức tranh chép với kích thước, chất liệu như nhau, nhưng giá cả mỗi phòng tranh đều có chênh lệch.
“Dân trong nghề thì mình để ý chuyện chép tranh thế nào, chứ nhiều khách mua chỉ cần thấy vừa túi tiền là họ chọn thôi. Ở đây, cũng không hẳn chỉ có tranh chép, còn có tranh vẽ phong cảnh, hoa lá, hay phong thủy theo ý khách hàng, rồi tranh vẽ theo những trào lưu đang hot trong giới trẻ như Chibi, hay các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc đang ăn khách”, anh Công chia sẻ thêm. Dứt lời, anh đóng gói cẩn thận 5 bức tranh phong cảnh và tĩnh vật vừa kịp cô khách tới lấy. Tiền bạc xong xuôi, cô khách Trần Thị Hà (ngụ quận 6) nói: “Đủ hết 5 bức bữa trước tui lựa hen, mua về treo trong quán cho nó vãn bớt tường vôi, xi măng, khách tới ăn có tranh, có cảnh để có cái mà nhìn, chứ tui cũng không mấy khi mua tranh ảnh, lựa đại hoa lá cho có màu sắc tươi tắn để treo trong quán”.
Giờ cơm trưa, vài nhóm nhân viên văn phòng đi ngang, cũng tranh thủ ngắm nghía vài bức tranh treo phía ngoài, có tiếng vọng lại: “Tranh con cá bán rồi hả anh?”. “Bán rồi, hôm qua có ông khách quen ghé lấy”. Phía các quán cơm nhộn nhịp giờ trưa, nhưng các phòng tranh vẫn tĩnh lặng, cánh thợ vẽ miệt mài với cọ, màu, nhân viên coi phòng tranh thì cặm cụi với cái điện thoại, thi thoảng ngước nhìn khi có tiếng xe dừng lại phía trước.
Xem tranh cũng có thị phần
Khu phố Tây Bùi Viện, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, đôi ba phòng tranh lọt thỏm giữa các quán ăn, quán nhậu, bar, club. Mặc kệ không gian nhộn nhịp của các hàng quán kế bên, thợ vẽ vẫn miệt mài, người lo vẽ, người đóng khung tranh để giao cho khách, thi thoảng có vài khách Tây lẫn khách ta ghé lại.
Rít xong một điếu thuốc, tiếp tục với bức tranh đang vẽ dở, anh Thanh Tòng (30 tuổi, thợ vẽ tại một phòng tranh trên đường Bùi Viện, quận 1) kể: “Mới đầu năm mà còn đang dịch bệnh nữa, buôn bán cái gì cũng oải ghê. Cũng hên là có mối khách quen, chứ không thì chắc nghỉ dài dài”. Có tiếng hỏi phía ngoài cửa: “Chưa xong nữa hả, nghỉ tay còn ăn cơm trưa chứ”. Anh Tòng đáp lại: “Chưa đâu chú ơi, cũng phải hai ba bữa nữa. Nay ăn mình hen, hồi sáng con ăn trễ giờ còn lình xình, chưa đói”. Chú xe ôm ké chút bóng mát của bạt che, đậu xe tạm để ăn vội cữ trưa. “Chú hay chạy ở khu này hả?”, chúng tôi hỏi. Chú đáp: “Chạy đủ hết bây ơi, tại khoái đậu ké ở đây nói chuyện với mấy ông thợ vẽ, vui tánh lắm, sẵn coi tranh ké luôn. Mà tao cũng không biết chi đâu nha, khoái dòm cảnh đồng lúa, con trâu vậy hà, bữa trước ổng vẽ bức tranh đồng ruộng đẹp lắm, có khách tới lấy rồi”.
Chuyện của chú xe ôm phía trước phòng tranh trên đường Bùi Viện có lẽ không hiếm, vòng đi vòng lại hai lần trên đường Trần Phú (quận 5), tôi cũng bắt gặp vài cô bán hàng rong, vé số dừng lại nghỉ chân trước các phòng tranh, rồi ngắm nghía vài bức tranh phía ngoài và họ lại đi… Hay quán cơm sát cạnh phòng tranh của anh Công, người ta ghé ăn cơm trưa, rồi dòm qua một chút, họ bảo nhau: “Nay treo tranh mới kìa, chắc tranh hôm qua bán rồi”.
Chúng tôi cũng từng nghe đâu đó vài ý kiến cho rằng, tranh chép làm lũng đoạn thị trường mỹ thuật, ảnh hưởng đến các họa sĩ chân chính. Có lẽ đó là một góc khuất của những bức tranh chép với mục đích không chân chính. Người xem, người mua ắt hẳn cũng có những thị phần khác nhau, giới sưu tầm, hay người hiểu về mỹ thuật chuyên môn sẽ biết tìm cho mình những gallery, những tên tuổi họa sĩ để thưởng thức tranh. Còn với khách phổ thông, lao động bình dân thì với họ, bức tranh hợp mắt nhưng còn phải vừa túi tiền.
Ở một gallery khá hoành tráng trên đường Trần Phú (quận 5), tôi gặp họa sĩ Nam Phương (Trần Ngọc Khương), nói chuyện về đường tranh lẫn tranh chép. Ông chia sẻ: “Hồi trước, tôi ở bên đường Bùi Viện, cũng 25 năm trời nhưng bây giờ không còn phù hợp nữa, tôi dời qua đây. Bên kia giờ chỉ còn hàng quán ăn uống, quán bar nhạc xập xình, mình đặt phòng tranh ở đó thấy không còn thích hợp. Còn ở đây, mình có con mắt trong nghề, đôi khi nhìn một số nơi họ vẽ, họ chép tranh khá ngô nghê, chủ yếu là chiều vừa lòng khách muốn màu gì, hình ảnh nào cho hợp phong thủy gia chủ, chứ không có bố cục hay bút pháp nghệ thuật gì hết. Nhưng việc ai người đó làm, tranh bình dân thì khách mua giá cả cũng dễ chịu, còn tranh nghệ thuật có khi giá vài ngàn đô thì hỏi làm sao mà ai cũng thường thức được”.
Có lẽ sẽ cần nhiều thời gian để có thể hình thành một gu thưởng thức mỹ thuật một cách nghệ thuật. Nhưng khi người ta còn biết dừng lại, ngắm nhìn và rung cảm trước cái đẹp thì sẽ dễ hướng mình đến những hành động văn minh, dịu dàng hơn.
Theo KIM LOAN (SGGPO)