(GLO)- Người dân ở 5 xã: Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, Đak Trôi, Kon Chiêng (huyện Mang Yang) rất phấn khởi vì nhiều hạng mục công trình giao thông, thủy lợi nhỏ do Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn cũng như cải thiện điều kiện sinh hoạt, sản xuất của bà con nơi đây.
Con đường từ xã Lơ Pang đi xã Đak Yă dài khoảng 8 km vốn lầy lội vào mùa mưa, bụi bẩn vào mùa nắng nay đã được đổ bê tông xi măng phẳng lì. Chị Phạm Thị Hiếu-hướng dẫn viên cộng đồng xã Lơ Pang, chia sẻ: “Nhờ có Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ tiếp đoạn cuối tuyến đường từ xã Lơ Pang đi Đak Yă gần 4 km với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng mà con đường liên xã đã được đổ bê tông xi măng, giúp liên kết các vùng với nhau”.
Đoạn cuối tuyến đường từ Lơ Pang đến Đak Yă. Ảnh: H.T |
Tuyến đường này hoàn thành không chỉ giúp người dân xã Lơ Pang mà cả người dân xã Đak Yă cũng được hưởng lợi. “Đường từ xã Lơ Pang đi Đak Yă giờ không còn cách trở nữa. Mỗi lần xuống làng, nhất là vào mùa mưa, người dân cũng không còn lo phải bỏ xe lại giữa đường. Đường làm bê tông xi măng rộng 6 m, đi lại thuận lợi vô cùng”-chị Hiếu phấn khởi nói.
Ngoài tuyến đường Lơ Pang-Đak Yă, tuyến đường từ trung tâm xã Đê Ar đi huyện Chư Sê dài gần 3 km cũng được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ liên tiếp trong 2 năm (2016-2017) với tổng kinh phí xây dựng trên 10 tỷ đồng. Tuyến đường này giờ đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Thường xuyên đi qua con đường này để vào khu sản xuất, ông Puih Thiu (làng Đôn Hyang, xã Đê Ar) cho biết: “Lâu nay, bà con phải đi trên con đường đất, mùa mưa thì trơn trượt, mùa khô thì bụi bặm. Nhất là ngay đầu đường có đoạn dốc kéo dài hàng cây số, mùa vận chuyển nông sản đã xảy ra không ít vụ tai nạn”. Xác định tính cấp thiết của công trình, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai đã lựa chọn đầu tư công trình giúp bà con nơi đây đi lại thuận tiện hơn. Năm 2016, đoạn đường từ trung tâm xã Đê Ar đi huyện Chư Sê được đầu tư 1 km. Đến năm 2017, Dự án đầu tư thêm 2 km nữa với chiều rộng mặt đường là 6 m, trong đó phần đổ bê tông rộng 3,5 m.
Cũng nhờ Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, từ năm 2015 đến nay, 5 xã được hưởng lợi ở huyện Mang Yang đã được đầu tư làm với 13,7 km đường giao thông, xây mới 3 phòng học, 1 nhà văn hóa, sửa chữa 1 công trình nước sạch, 1 đập thủy lợi.
Anh Bliêu (làng Hlim, xã Lơ Pang) cho biết, nhờ đường sá đi lại thuận lợi nên cuộc sống của gia đình anh đã khá lên rất nhiều. “Không chỉ rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại mà việc buôn bán cũng không còn khó khăn vất vả, không bị thương lái ép giá như trước. Từ ngày có đường đi lại thuận lợi, chúng tôi còn mang gà, heo, rau xanh đi chợ bán để có thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt gia đình”.
Kết quả trên có phần đóng góp quan trọng của chính quyền địa phương, cán bộ dự án. “Khi làm hồ sơ, chúng tôi đã cố gắng hoàn tất để được thẩm định nhanh nhất có thể. Khi hồ sơ được phê duyệt thi công, chúng tôi vui lắm nhưng cũng rất lo vì việc thi công không chỉ phải đúng thiết kế mà còn phải đảm bảo chất lượng từng hạng mục công trình. Thế nên, nhiều khi phải ngủ lại công trình để giám sát, điều hành đơn vị thi công, hạn chế sai sót”-ông Huỳnh Quốc Nam-cán bộ Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Mang Yang, chia sẻ.
Mỗi công trình được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ đầu tư đều có ý nghĩa quan trọng đối với người dân ở vùng xa, vùng sâu. Trao đổi với P.V, ông Mai Văn Luyện-Phó Trưởng ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Mang Yang, cho rằng: Sau hơn 3 năm thực hiện dự án, Ban Quản lý tỉnh, huyện đã giúp chúng tôi thực hiện tốt các hợp phần. Điều quan tâm hiện nay là phải đánh giá đúng kết quả mà dự án đem lại, tiếp tục phát triển ở mức cao hơn, nhất là năng lực của mỗi địa phương khi bàn giao các công trình để đưa vào sử dụng. Hy vọng, vấn đề này sẽ được các xã hưởng lợi quan tâm thực hiện để việc vận hành công trình đảm bảo tốt nhất.
Hà Tây