Những cánh chim không mỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời trẻ, họ là những người năng động, tiên phong trong mọi lĩnh vực. Về già, họ trở thành những người uy tín đầy quyền uy trong lòng của người dân. Đó là câu chuyện của những nữ “thủ lĩnh” như Y Hlạng và Y Pan, họ là những tấm gương sáng được người dân kính trọng, thế hệ trẻ noi theo.

Đầu tàu của đồng bào dân tộc Xơ Đăng

Về đến xứ sở sương mù Măng Ri, nói đến chị Y Hlạng (53 tuổi, người Xơ Đăng) thì già trẻ ai cũng dành cho chị những lời khen ngợi và khâm phục. Chị Y Hlạng không chỉ là người đầu tàu trong phát triển kinh tế gia đình, trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh và các loại cây trồng khác để vươn lên thoát nghèo, làm giàu mà chị còn là hạt nhân tiêu biểu trong việc giữ gìn nghề dệt truyền thống của người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông (Kon Tum). Chị Y Hlạng như một người “chị cả” không chỉ của làng Pu Tá mà cả xã Măng Ri.

Trước đây, bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Pu Tá nói riêng, trong xã Măng Ri nói chung thường lên rừng tìm những sản vật rồi mang bán để trang trải cuộc sống. Những loại sâm quý như sâm dây, sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác người dân tìm được đều đem bán hết.

Lúc này, Y Hlạng nhận thấy tiềm năng của sâm dây nên tiên phong trồng sâm dây trên những triền đồi trống, xen trong lúa rẫy và đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, khi tìm được sâm Ngọc Linh rừng, chị cũng không bán và mang lên rừng già trồng để vừa gìn giữ nguồn gene vừa phát triển kinh tế gia đình. Thấy hiệu quả, chị đã vận động người dân đưa loại sâm dây từ rừng về trồng ở các khu rẫy sản xuất, khi cần tiền thì ra nhổ bán sẽ có hiệu quả về kinh tế hơn.

Chị Y Hlạng hướng dẫn các chị em làng Pu Tá dệt vải góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng. Ảnh: PN

Chị Y Hlạng hướng dẫn các chị em làng Pu Tá dệt vải góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng. Ảnh: PN

Nghe theo Y Hlạng, đến nay, không chỉ cả làng Pu Tá mà cả ở các làng khác trong xã Măng Ri cũng học tập, làm theo Y Hlạng. Vì vậy, hiện nay, diện tích sâm dây, cũng như sâm Ngọc Linh ở thung lũng Măng Ri ngày càng mở rộng. Gần như 100% số hộ trong làng Pu Tá và xã Măng Ri đều trồng sâm dây và sâm Ngọc Linh. Đến nay, toàn xã đã phát triển được gần 22ha sâm Ngọc Linh và gần 28ha sâm dây. Sâm dây và sâm Ngọc Linh đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân ở làng Pu Tá và cả xã Măng Ri không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Không những đi đầu trong phát triển kinh tế, chị Y Hlạng còn là người đầu tàu trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng, trong đó có nghề dệt. Theo chị Y Hlạng, nghề dệt thổ cẩm của người Xơ Đăng là nghề truyền thống có từ lâu đời; trước đây, với người phụ nữ Xơ Đăng hầu như ai cũng biết dệt. Tuy nhiên, sau này, sự phát triển của xã hội và gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” mà nghề dệt ở làng Pu Tá nói riêng và cộng đồng người Xơ Đăng ở Măng Ri nói riêng dần mai một.

Chị nhớ lại, năm 2015, trong một lần đi tham quan ở các tỉnh phía Bắc, chị thấy đồng bào phía Bắc phát huy rất tốt các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong số đó có trang phục. Chị trằn trọc suy nghĩ, mong muốn dân làng mình cũng như bà con nơi khác biết phát triển văn hóa và tôn vinh vẻ đẹp của đồng bào mình. Từ những suy nghĩ, khát khao đó, chị đã vận động các chị em trong làng và đứng ra thành lập tổ hợp tác phát triển nghề dệt. Mới đầu tổ hợp tác của chị Y Hlạng chỉ được hơn chục thành viên, nhưng về sau, thấy hiệu quả và giữ được nghề truyền thống, lại có thu nhập nên nhiều chị em khác trong làng tham gia vào tổ hợp tác.

Nhờ sự nỗ lực của chị Y Hlạng cùng với sự ủng hộ của chị em trong làng mà nghề dệt thổ cẩm ở Pu Tá đã từng bước được vực dậy. Đến nay, các sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm của người dân làng Pu Tá đã được đông đảo đơn vị, cơ quan, trường học đặt hàng, được khách du lịch đến thăm và đặt mua.

Ngoài những đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, hiện nay, làng Pu Tá đang được xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) xây dựng thành làng du lịch cộng đồng, trong đó, chị Y Hlạng là một trong những hạt nhân đặc biệt quan trọng của làng.

Ông Dương Đình Chung- Chủ tịch UBND xã Măng Ri đánh giá: Chị Y Hlạng không chỉ là người tiên phong trồng cây sâm dây, sâm Ngọc Linh, tạo “đòn bẩy” để người dân học tập, làm theo mà còn là người có uy tín, đi đầu trong bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của người Xơ Đăng. Măng Ri giàu lên cũng có phần đóng góp không nhỏ của chị Y Hlạng.

Thủ lĩnh của người Brâu

Cũng như Y Hlạng, bà Y Pan (93 tuổi) luôn được người Brâu ở làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) tôn kính. Dân tộc Brâu là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Họ sinh sống tập trung ở làng Đăk Mế. Dù là phụ nữ, nhưng với uy tín, đóng góp của mình, Y Pan được dân làng bầu làm già làng. Được biết, Y Pan là người đầu tiên của dân tộc Brâu được học “con chữ Bác Hồ”, được kết nạp vào Đảng, rồi đưa đi đào tạo ngành y ở miền Bắc. Đào tạo xong trở về, bà Y Pan phục vụ điều trị, cấp cứu chiến sĩ cách mạng ở chiến dịch Tây Nguyên. Đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bà xin về công tác tại bệnh viện huyện nhà để phục vụ quê hương và sinh sống ổn định tại quê hương cho đến nay.

Theo bà Y Pan, trở về quê hương làng Đăk Mế, chứng kiến cảnh người dân bị bủa vây bởi đói nghèo, lạc hậu, bà cứ day dứt mãi. Tìm hiểu nguyên nhân thì bà biết do bà con không biết con chữ nên không biết cách trồng trọt, chăn nuôi.

Bà Y Pan. Ảnh: PN

Bà Y Pan. Ảnh: PN

Xác định được nguyên nhân, không kể ngày đêm, bà Y Pan phối hợp cùng cấp uỷ đảng, chính quyền đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động bà con đi học con chữ. Trong công tác vận động, bà đem những lời “gan ruột” để thuyết phục dân làng. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng nhận thức của người dân cũng được thay đổi. Những đứa trẻ dần dà kéo nhau đến trường thay vì lên rừng, ra ruộng. Nhờ đó mà đến nay, dân tộc Brâu đã có hàng chục người đậu đại học, cao đẳng và đang công tác trong các ngành nghề tại địa phương.

Khi con chữ đã phổ cập đến từng người dân, từng nóc nhà, Y Pan lại cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động mọi người áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xóa nghèo. Thế là già Y Pan đi khắp làng gọi những thanh niên tiến bộ đến xã học tập kỹ thuật trồng cà phê, cao su và cũng bắt đầu từ đây, kinh tế của nhiều hộ gia đình trong làng có nhiều khởi sắc; đời sống người dân cũng ngày càng được nâng lên, cái nghèo từng bước được đẩy lùi.

Song song với đó, bà Y Pan cũng tích cực vận động bà con trong làng giữ gìn nét văn hóa truyền thống; tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn đối với đời sống người Brâu; vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, đoàn kết và tích cực xây dựng kinh tế mới, không nghe những lời xúi giục của kẻ xấu, luôn tuân thủ chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Nhờ những đóng góp của mình bà được người dân tín nhiệm bầu làm già làng, đây được xem là chuyện xưa nay hiếm ở dân tộc Brâu.

Bà Vũ Thị Thu Hà- Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y cho hay, dân tộc Brâu là một trong 2 dân tộc ít người nhất Việt Nam. Dân tộc này chỉ có 173 hộ dân với 558 người. Bà Y Pan như thủ lĩnh của người Brâu. Với cương vị là đảng viên, già làng, người có uy tín, bà Y Pan đã có nhiều đóng góp trong công tác vận động tuyên truyền người dân chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước.

“Để có được kết quả đó, bà Y Pan đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư tại làng Đăk Mế, từ đó, huy động sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng thôn, làng an ninh, an toàn”- bà Hà đánh giá.

Để bà con đồng bào DTTS thay đổi nhận thức và lắng nghe là cả quá trình lâu dài và cũng không hề dễ dàng, Nhưng nhờ sự kiên nhẫn, khéo léo và gương mẫu của “những cánh chim không mỏi” như Y Hlạng, Y Pan đã nhận được sự hưởng ứng của bà con. Họ trở thành người uy tín, là những tấm gương sáng trong mọi hoạt động tại địa phương được người dân học tập, làm theo.

Có thể bạn quan tâm