Cả làng Lộc Bông cùng trồng “Quốc bảo”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nằm sát dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ, người Xơ Đăng ở làng Lộc Bông, xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) hiểu rất rõ giá trị của “Quốc bảo”- sâm Ngọc Linh.

Chọn phát triển sâm Ngọc Linh là hướng đi vừa góp phần giảm nghèo, vươn lên làm giàu, vừa gìn giữ được nguồn gene quý, 100% hộ gia đình ở làng Lộc Bông đã động viên, hỗ trợ nhau cùng mở rộng diện tích, hộ trồng ít cũng vài chục gốc, còn trồng nhiều sở hữu đến cả hàng nghìn gốc.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

Làng Lộc Bông nằm cách trung tâm xã Ngọc Lây khoảng 6,5km, sát ngay chân núi Ngọc Linh và đây cũng là làng duy nhất của xã có 100% số hộ dân đều trồng sâm Ngọc Linh.

Ông Nguyễn Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND xã vui mừng kể, toàn xã Ngọc Lây có 10 thôn thì có đến 5 thôn người dân chú trọng đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh với tổng diện tích khoảng 13ha. Trong số đó, đi đầu là người dân làng Lộc Bông có khoảng 8ha (tương đương khoảng 80.000 cây) chiếm hơn 60% diện tích sâm Ngọc Linh trồng trong dân trên địa bàn xã. Cả làng Lộc Bông có 82 hộ thì cả 82 hộ đều trồng sâm Ngọc Linh, hộ trồng ít cũng vài chục gốc, hộ trồng nhiều sở hữu lên đến hàng nghìn gốc.

Tiên phong trong phong trào cả làng trồng sâm Ngọc Linh phải kể đến những đảng viên ở làng. Trong các cuộc họp, cuộc trò chuyện, các đảng viên luôn động viên các hộ gia đình trong làng phải biết tiết kiệm, mạnh dạn vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, ngăn chặn sâu bệnh, chuột phá hoại. Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, các đảng viên ở làng Lộc Bông đã nêu gương, tiên phong thực hiện để người dân mắt thấy tai nghe, học tập, làm theo.

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng. Ảnh: PN

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng. Ảnh: PN

Đảng viên A Ghôi (45 tuổi) là một trong những người tiên phong trồng sâm Ngọc Linh của làng Lộc Bông. Theo ông A Ghôi, nhận thấy nguồn sâm tự nhiên ngày càng cạn kiệt dần, khi đi rừng tìm được cây sâm Ngọc Linh ông đã không bán mà giữ lại ươm, trồng trong khu rừng già kín đáo và được bảo vệ cẩn trọng. Hằng năm, khi cây có hạt, ông tiến hành ươm cây con, mở rộng diện tích. “Đến nay, gia đình mình đã phát triển được gần 4.000 cây sâm Ngọc Linh. Từ tiền bán sâm củ và sâm giống mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Mức thu nhập đó đã giúp cho gia đình mình xây dựng nhà cửa khang trang, lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn” – ông A Ghôi phấn khởi nói.

Tương tự như đảng viên A Ghôi, đảng viên, Trưởng thôn A Tai cũng là người đi đầu trong việc phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Bắt đầu được ông bà nội cho một số cây sâm, ông A Tai không đem bán mà mang vào rừng trồng. Ba năm sau, cây cho hạt, A Tai tiếp tục gieo ươm để mở rộng diện tích. Đến nay, ông A Tai sở hữu hơn 2.000 cây sâm Ngọc Linh, trong đó có nhiều cây đã hơn 10 năm tuổi. Mỗi năm, A Tai có thu nhập khoảng 250 triệu đồng từ sâm Ngọc Linh.

Ông A Tai cho biết: Qua các cuộc họp thôn, tôi thường xuyên tuyên truyền chỉ tiêu phát triển sâm Ngọc Linh trong dân mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra và nhấn mạnh tầm quan trọng, hướng đi giúp phát triển kinh tế gia đình từ trồng cây sâm Ngọc Linh đến toàn thể người dân. Thấy tôi nói được, làm được, bà con rất tin tưởng, quá trình trồng sâm gặp khó khăn về nguồn vốn hay có bị sâu bệnh hư hại đều tìm đến tôi và tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn.

Từ những đảng viên tiên phong như A Ghôi, A Tai, nhiều người dân trong làng Lộc Bông đã mạnh dạn vay vốn mua giống sâm Ngọc Linh về trồng. A Linh (27 tuổi) là một trong những người trẻ ở làng Lộc Bông đã dám nghĩ, dám làm, từ năm 2017 đã mạnh dạn vay hàng chục triệu đồng mua sâm giống của người bà con trong làng về trồng. Sau ba năm, cây sâm cho hạt giống, A Linh không vội bán kiếm lời mà lấy toàn bộ số hạt đó nhân giống mở rộng diện tích. Đến nay, sau 6 năm đầu tư trồng, A Linh đã sở hữu hơn 1.000 gốc sâm Ngọc Linh.

“Trồng sâm Ngọc Linh cũng rất vất vả, nhưng mình luôn được các đảng viên A Ghôi, A Tai động viên, hướng dẫn. Các chú đã chỉ bày cho mình kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn các thủ tục để vay vốn đầu tư mở rộng thêm diện tích. Cả nhà mình luôn động viên nhau phải phấn đấu mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh lên như các chú A Ghôi, A Tai để xây dựng cuộc sống ấm no hơn” - A Linh chia sẻ.

Cùng nhau giữ nguồn gene quý

Đến thôn Lộc Bông, điều khiến chúng tôi khâm phục là không chỉ 100% hộ dân đều trồng sâm Ngọc Linh mà người dân rất có tinh thần đoàn kết, cùng quyết tâm gìn giữ nguồn gene gốc của sâm Ngọc Linh. Người dân thống nhất với nhau khi mở rộng diện tích nhất quyết không mua loại giống sâm trôi nổi, không rõ nguồn gốc mà chủ yếu mua của người dân trong làng đã trồng trước đó.

Ông A Hơn là một trong những hộ trồng nhiều sâm Ngọc Linh của làng Lộc Bông, lên đến hàng nghìn cây. Bản thân ông A Hơn khi trồng sâm cũng đi mua giống sâm từ những người lớn tuổi trong làng. Những người lớn tuổi trong làng trồng đều lấy giống sâm rừng gốc nên đảm bảo tin tưởng về giống.

“Trong các cuộc họp thôn, mình được cán bộ huyện, cán bộ xã dặn dò khi đầu tư trồng sâm Ngọc Linh phải chú ý đến nguồn giống vì hiện nay trên thị trường có nhiều loại cây giống tương tự sâm giống Ngọc Linh. Để giữ gìn nguồn gene quý của sâm Ngọc Linh, người dân ở làng luôn nhắc nhau không mua những giống lạ, không có nguồn gốc rõ ràng. Mình cũng như bà con trong làng khi ai bán cây giống đều ưu tiên bán cho người dân trong làng” – ông A Hơn cho biết.

Ông A Hơn giới thiệu về cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: PN

Ông A Hơn giới thiệu về cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: PN

Nguồn giống có nguồn gốc từ trong tự nhiên nên sâm Ngọc Linh của người dân làng Lộc Bông khi đến tuổi trưởng thành có giá trị lớn, được nhiều người tìm mua. Mới đây, khi ông A Hơn vừa có ý bán 2kg sâm Ngọc Linh để xây dựng ngôi nhà mới là có người tìm đến mua với giá 500 triệu đồng, lại còn dặn dò khi nào ở làng có nhu cầu bán sâm Ngọc Linh chỉ cần thông tin họ sẵn sàng có mặt.

Nói về quyết tâm giữ nguồn gene quý của sâm Ngọc Linh, anh A Linh cho hay, so với các hộ gia đình khác trong làng, gia đình anh là người trồng sau nên khi biết ý định của anh nhiều người ở nơi khác đã gọi điện chào mời mua giống. Được cán bộ xã, cán bộ thôn quán triệt trong các cuộc họp thôn, tôi đều từ chối vì nguồn gốc cây giống không rõ ràng. Khi biết có người bà con trong làng bán, tôi liền tìm đến mua.

Theo Trưởng thôn A Tai, 100% hộ dân ở làng đều trồng sâm và qua từng năm đều mở rộng diện tích nên nhu cầu cây giống rất lớn. Bởi vậy, qua các cuộc họp chi bộ, họp thôn, họp các đoàn thể, chúng tôi đã quán triệt với bà con phải chú ý đến nguồn gốc cây giống, nếu để sâm giống giả trà trộn vào vườn sẽ gây lai tạp nguồn gene thuần chủng, nên phải ngăn chặn ngay từ đầu, tìm hiểu kĩ khi mua cây giống. Cũng có nhiều người lạ đến tận làng bán sâm giống với giá rẻ hơn nhưng bà con đều từ chối, kiên quyết không mua, chủ yếu tìm mua ở những người trồng sâm lâu năm, có uy tín trong làng. Nhờ đó, nguồn gene sâm Ngọc Linh thuần chủng ở làng Lộc Bông đã được bảo vệ tốt, đến nay chưa phát hiện bị lai tạp.

Cùng giúp đỡ nhau trồng sâm Ngọc Linh mà giờ đây cuộc sống của người dân ở Lộc Bông bên chân núi Ngọc Linh hùng vĩ ngày càng khởi sắc, no ấm. Cả làng không còn nhà tạm, tất cả đều là nhà kiên cố, nhà sàn ổn định. Thu nhập bình quân đầu người của làng Lộc Bông hiện nay đạt 32 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã trở thành hộ khá, như hộ A Hơn, A Linh, A Ghôi, A Tai có thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/năm. Biết ơn sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho người dân về nguồn vốn, về các điều kiện phát triển hạ tầng, kỹ thuật chăm sóc, kết nối đầu ra, bảo vệ thương hiệu người dân ở làng Lộc Bông đã gọi cây sâm Ngọc Linh là cây trồng “ý Đảng, lòng dân”.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.