Theo Công an tỉnh Tây Ninh, hiện xuất hiện nhiều đường dây lừa bán lao động trái phép qua Campuchia bằng các đường tiểu ngạch. Khi vào làm việc mà không đáp ứng yêu cầu thì dễ bị bán cho chủ khác với giá cao hơn để thu lại tiền và lãi...
Ngày 22.6, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình sống trên địa bàn có người thân bị lừa sang Campuchia lao động, bị bóc lột, cưỡng bức nếu muốn trở về Việt Nam thì phải đưa tiền chuộc.
Thượng tá Trần Minh Kiệt, Phó trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Tây Ninh, nhận định: “Thời gian gần đây, tình trạng người dân xuất cảnh trái phép qua Campuchia lao động trên tuyến biên giới diễn biến phức tạp. Thông qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Wechat, Telegram ... các đối tượng ở Campuchia đã đăng tải thông tin, tuyển dụng người ở Việt Nam vào làm việc, với mức lương rất cao và mọi chi phí đi lại được chi trả trước. Trong khi đó, hiện, số lượng lớn thanh thiếu niên Việt Nam lại đang tìm việc làm nên khi thấy những lời mời chào đó đã dễ dàng chấp thuận”.
|
BĐBP Tây Ninh kịp thời ngăn chặn nhóm thanh niên vượt biên tìm việc làm lương cao sang Campuchia. Ảnh: Giang Phương |
Cũng theo thượng tá Kiệt, khi người tìm việc đồng ý thì các đối tượng ở Campuchia móc nối với các “chân rết” ở Việt Nam để tổ chức thành đường dây sắp xếp, hướng dẫn đưa họ xuất cảnh bằng các đường tiểu ngạch trái phép sang Campuchia. Khi sang nước bạn, thì lao động bị mua bán qua lại.
“Các tội phạm này có nhiều dấu hiệu mua bán người, vì khi người lao động sang Campuchia làm việc, nếu chủ công ty thấy không đáp ứng yêu cầu thì họ sẽ bán lại cho những ông chủ khác với giá cao hơn để thu lại tiền và lãi suất mà họ đã trả trước đó. Nếu nạn nhân muốn trở về thì phải liên hệ với gia đình để chuyển tiền sang chuộc lại. Còn những trường hợp mà gia đình không có tiền chuộc thì các nạn nhân đó sẽ bị trừng phạt theo kiểu xã hội đen”, thượng tá Kiệt nói.
9 trường hợp tự tử nhảy lầu, treo cổ, mất tích
Theo Công an tỉnh Tây Ninh, số liệu mới nhất mà lực lượng chức năng của Campuchia cung cấp từ tháng 9.2021 đến nay, có 9 trường hợp tự tử nhảy lầu, treo cổ, một số trường hợp mất tích không rõ nguyên nhân... Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, người dân không nghe theo lời lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Campuchia tìm việc làm; không tiếp tay, giúp đỡ cho số đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép và khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu đưa người xuất cảnh trái phép phải thông báo cho cơ quan công an gần nhất.
|
Bốn đối tượng tham gia đưa lao động Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia bị Công an Tây Ninh bắt giữ vào tối ngày 16.5. Ảnh: Ngọc Hà |
Liên quan tội phạm xuất nhập cảnh trái phép, từ ngày 1.1 - 1.4.2022, Công an tỉnh Tây Ninh thụ lý 17 vụ với 38 bị can (có một số vụ từ năm 2021 chuyển sang), truy tố 9 vụ, 16 bị can; đang điều tra 7 vụ, 22 bị can.
Mới đây nhất là ngày 8.6, Cơ quan CSĐT Công an H.Bến Cầu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thành Công (38 tuổi), Trần Ngọc Hảo (36 tuổi), Trần Quốc Tuấn (26 tuổi) và Trần Tuấn Em (26 tuổi, cùng ngụ H.Bến Cầu) về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Trước đó, tối 16.5, Công an tại ấp Long Hưng (H.Bến Cầu) phát hiện và bắt giữ 4 bị can trên đang tổ chức cho 4 người ở tỉnh Cao Bằng, Sơn La và Bình Thuận, xuất cảnh trái phép theo đường tiểu ngạch qua Campuchia tại ấp Long Hưng (xã Long Hưng).
Qua khai thác 4 đối tượng khai nhận, Công được người phụ nữ tên Ngọc liên hệ qua Zalo thỏa thuận đến tại khu vực Cầu Trắng (xã Long Thuận) đón 8 khách người Việt ở nhiều tỉnh, thành sang Campuchia làm việc theo đường tiểu ngạch với giá 1,6 triệu đồng. Công thuê Tuấn Em, Quốc Tuấn và Hảo dùng xe máy chở 2 khách sang Campuchia với tiền công 200.000 đồng/người. Khi đưa được 4 người sang Campuchia và đang chở tiếp 4 người khác thì bị công an bắt giữ.
Tại cơ quan công an, 4 người khách tìm việc khai nhận, thông qua mạng xã hội Facebook được một người tên Dũng (quê Tây Ninh) giới thiệu sang Campuchia để “làm việc nhẹ lương cao” với giá từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Chi phí thuê người đưa xuất cảnh, ăn uống sinh hoạt được Dũng trừ vào tiền lương khi làm việc. Tin lời nên họ mới đến Tây Ninh để xuất cảnh sang Campuchia thì bị kiểm tra bắt giữ.
Bắt giữ nhiều vụ xuất nhập cảnh trái phép Ngày 22.6, đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Tây Ninh, cho biết tình hình người Việt Nam xuất cảnh trái phép để sang Campuchia lao động trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng. Lực lượng biên phòng liên tục bắt giữ nhiều vụ xuất nhập cảnh trái phép từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại. Qua khai thác, nhóm người Việt Nam nhập cảnh trái phép hầu hết khai nhận là nạn nhân của các vụ lừa đảo đi làm việc ở Campuchia trốn về. “Nhiều nạn nhân dính bẫy sau khi nghe lời dụ dỗ làm việc lương cao, không cần trình độ. Tuy nhiên, khi sang làm việc ở Campuchia (chủ yếu làm trên các trang mạng sòng bạc online trong các casino) những người này bị chủ thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân để đảm bảo không thể bỏ trốn. Quá trình làm việc bị chủ bóc lột sức lao động đến kiệt quệ (làm việc 16 - 18 tiếng/ngày), ăn uống thiếu thốn, tiền bạc thì không được chủ đưa, thậm chí bị đánh đập, hành hạ...”, đại tá Vương cho hay. Cũng theo đại tá Vương, thời gian qua các lực lượng biên phòng tiếp nhận nhiều thông tin cầu cứu từ gia đình các nạn nhân. Ngay sau đó, BĐBP Tây Ninh đã phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cùng các lực lượng chức năng Campuchia như Tổng cục Di trú, cảnh sát cửa khẩu và các lực lượng khác…để giải cứu các nạn nhân. “Người dân hết sức cảnh giác các thông tin chào mời trên mạng xã hội về việc nhẹ lương cao. Đặc biệt, đi xuất khẩu lao động phải thông qua các tổ chức xuất khẩu lao động do nhà nước quản lý để được đảm bảo an toàn”, đại tá Vương cảnh báo. Hiện BĐBP Tây Ninh vẫn đang tăng cường duy trì 24/24 toàn tuyến biên giới dài 240 km để ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời phối hợp với công an để điều tra các đường dây tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Giang Phương |
(còn tiếp)
Theo Ngọc Hà (TNO)